Tuesday, April 29, 2014

Dường như người khuyết tật đã bị "lãng quên"

Trong tháng 12/2012, tôi được vinh dự tham gia hai Hội nghị cấp quốc gia liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục tại Hà Nội.
Ở Hội thảo thứ nhất, "Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh sinh viên", do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 04/12/2012. Trong hội thảo này, tôi là người khuyết tật duy nhất trong hội trường. Ngồi nghe chăm chú các báo cáo, các thảo luận suốt cả một buổi sáng, mà tôi không hề nghe ai nhắc đến nhóm người khuyết tật nói riêng và nhóm dễ bị tổn thương nói chung. Tại sao lại tách họ ra khỏi cộng đồng? Phải chăng họ đã bị "lãng quên"? Chúng ta luôn kêu gọi sự bình đẳng cho tất cả mọi người? Vậy tại sao trong tình dục và sức khỏe sinh sản lại loại trừ một cộng đồng được xem là yếu thế nhưng không hề nhỏ này? Tôi đã thắc mắc như thế trong hội thảo nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng từ cấp lãnh đạo.

Đến Hội nghị thứ hai, "Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất - Nghiên cứu Sức khỏe sinh sản và Sức khỏe tình dục" do Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế và Trường Đại học Y tế Công cộng, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức vào ngày 12/12/2012. Hội nghị này được chia thành 7 hội thảo vệ tinh và 2 phiên tổng thể. Thật may mắn, có một phiên vệ tinh nói riêng về chủ đề "sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của nhóm dễ bị tổn thương". Dĩ nhiên, tôi tham dự ở phiên này với kỳ vọng tôi sẽ được nghe, sẽ được thảo luận về những vấn đề liên quan đến người khuyết tật.

Không như những gì tôi mong đợi, phiên vệ tinh này chỉ gói gọn trong 1 buổi với 04 báo cáo. Trong đó, có tới 03 báo cáo nói về nhóm dân tộc thiểu số. Những bài trình bày nói về người khuyết tật chỉ gói gọn trong 02 bài trình bày bằng poster, trong đó, có 01 poster là của tôi (ảnh đính kèm), 01 poster của tác giả Đinh Thị Phương Nga (CCIHP) và 01 bài báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thủy. Tôi kỳ vọng nhiều vào các kết quả nghiên cứu trong báo cáo của tác giả Minh Thủy, nhưng tiếc thay, toàn bộ bài báo cáo chỉ là phần tổng quan của 43 công trình nghiên cứu khác. Vậy thì, vấn đề sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của nhóm người khuyết tật nằm ở đâu? Chỉ với 02 poster, theo tôi đánh giá là có chất lượng vì thể hiện được vấn đề của người khuyết tật, nhưng có lẽ cũng chưa được sự quan tâm của toàn thể hội nghị. Có lẽ, người khuyết tật đã bị "lãng quên" thật?

Tôi biết, với tầm vĩ mô của các Hội nghị cấp quốc gia này, không thể mổ sẻ nhỏ lẻ các vấn đề, nhưng hội nghị cũng không thể bỏ qua những vấn đề tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ này? Tôi cần có một tiếng nói, cần một sự quan tâm của hội nghị đối với các vấn đề của người khuyết tật. Với kinh nghiệm và hiểu biết của mình trong gần 10 năm nghiên cứu và làm việc với người khuyết tật tại TPHCM, tôi đã lên tiếng đòi quyền lợi cho chính chúng tôi. Người khuyết tật cần được cung cấp kiến thức dục giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản một cách khoa học, đặc biệt là là nhóm khiếm thính và khiếm thị. Cần đưa nhóm người khuyết tật vào trong các chương trình hành động sắp tới để góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cho họ. Bằng hành động đó, Hội nghị hứa sẽ quan tâm đến nhóm người khuyết tật hơn trong các chương trình sắp tới. Hy vọng rằng, người khuyết tật sẽ không bị "lãng quên" trong các chương trình hành động, ứng với các mục tiêu thiên niên kỷ trong giai đoạn tiếp theo.

 

Từ An

 



P/S: Cuối cùng cũng đã lần tìm ra tác giả chính của công trình và có cuộc trao đổi khá thú vị ^^

No comments:

Post a Comment