Friday, July 29, 2016

Mẹ chồng Tây - Nàng dâu Việt (2): Chung một nhà

Người ta thường nói: "Trong nhà có người già như nhà có trẻ nhỏ". Mình biết điều ấy và chấp nhận "trẻ nhỏ" và thương yêu trẻ nhỏ, nhưng "trẻ nhỏ" - già này khác trẻ lên ba à nghen. Trẻ lên ba, ta có thể răn dạy được. Còn "trẻ nhỏ" này thì không được la mắng đâu nhé!!!

Phần này, mình sẽ kể tiếp những chuyện về mẹ chồng. Và cũng xin nói trước, mình là người sạch sẽ và gọn gàng. Nói trước để thấy rằng sức chịu đựng của hai vợ chồng với mẹ. Kể ra chỉ để thấy rằng bà không thể ở một mình như bà mong muốn.

Như mình nói ở phần trước, bà đã 80 tuổi, nên các chức năng yếu đi rất nhiều. Mắt rất kém, bà phải dùng kính - dạng như kính lúp - phóng thật to để đọc. Tai bà cũng lãng. Mặc dù bà đã đeo máy trợ thính nhưng nói chuyện với bà mà xa khoảng 5 bước chân là bà không nghe được. Chân tay bà yếu, run rẩy. Bà phải dùng xe hỗ trợ di chuyển cho người già. Và bà dùng nó thường xuyên. Chính vì tình trạng bà như vậy nên hai vợ chồng mới đưa bà về để tiện chăm sóc.

Nhưng.... những chuyện sau đây cứ xảy ra hằng ngày, và hai vợ chồng cứ nhìn thấy là lắc đầu và bảo nhau rằng "vậy đó mà cứ đòi ở một mình"

* Nhà bếp: Bà là người Úc nên bà không thể ăn thức ăn Á Châu hoài như mình được. Bà khác với chồng mình. Chồng mình thì rất thích ăn món ăn Việt Nam nên mình tha hồ biến tấu. Còn bà thì khác. Kể từ ngày có bà ở cùng, thực đơn trong tuần của cả nhà đã thay đổi: 3 ngày thức ăn Tây - 3 ngày thức ăn Việt - 1 ngày tự do. Những ngày thức ăn Việt thì mình nấu. Những ngày thức ăn Tây thì chồng nấu, hoặc bà nấu. Không phải mình ép bà nấu, mà vì bà muốn nấu và cũng để bà làm điều bà thích, món bà ưa chuộng và để bà còn dịp chứng minh rằng "mình làm được" (theo như câu bà nói: I can do it).

Thế nhưng, mỗi lần bà nấu xong là cái nhà bếp tanh bành khói lửa (nói hơi quá 1 tí). Nhưng thực sự rất lộn xộn và bẩn. Lọ muối, mình sợ bà làm bể khi mở nó ra, nên mở sẵn cho bà nấu. Xong, bà làm đổ cả đống muối trên bàn (gần nửa lọ). Chắc tại tay bà run. Thức ăn thì vương vãi khắp nơi. Từ bếp tới bàn ăn. Và sàn nhà bếp thì loang lổ những vệt bẩn màu đen do trà và cafe của bà đổ ra. Lúc đầu, chồng còn lau chùi sau mỗi vệt bẩn, nhưng riết rồi... thôi kệ mịa luôn đi. Mệt quá! Cuối tuần lau luôn một thể (hiii)! Mỗi khi bà nấu ăn xong là hai vợ chồng nhìn nhau cười rồi lao vào dọn. Thấy giống như cảnh con nít bày chơi đồ hàng vậy!

Còn cái vụ này mới hay nè! Vì sợ bà nhầm lẫn giữa đường và muối vì mắt kém. Hai vợ chồng đã mua cái lọ, có cái nắp màu đỏ và có chữ SUGAR (đường cát) to tướng (như trong hình bên dưới). Ấy vậy mà, bà vẫn nhầm lẫn được. Bà đã bỏ muối vào ly cafe!!!! Bó tay với bà luôn!

(Lọ muối, đường và trà)

 Rồi cái vụ rửa chén, bà bảo để bà tự rửa. Ừ thì hai vợ chồng cũng để bà làm, cũng coi như là có chút vận động tay chân. Thế nhưng, sau đó, hai vợ chồng cũng phải rửa lại vì chén dĩa bà rửa còn đầy mảng bám thức ăn.

Rồi cái vụ bật bếp ga, theo mình biết thì bà đã dùng cái bếp dạng này (như hình bên dưới) ít nhất cũng hơn 20 năm. Ấy vậy mà, mỗi lần bà nấu ăn là bà bật loạn hết cả lên. Bao nhiêu lần chỉ bà là cái nút nào để bật ga, nhưng bà vẫn cứ bấm bấn loạn, lung tung. Và mùi ga thì khắp nhà. Vậy nên, giải pháp là: mỗi khi bà nấu, hai vợ chồng mở bếp cho bà, tránh tình trạng "nguy hiểm" về cháy nổ!
(Bếp ga)


* Phòng giặt đồ: Bà là người rất tự lập và luôn muốn tự làm mọi thứ. Hai vợ chồng cũng để cho bà làm, kẻo bà tự ái. Thế nhưng, riêng cái khâu sử dụng máy giặt thì không thể chỉ bà được. Máy giặt nhà mình có chức năng ghi nhớ. Và màn điều khiển kiểu như cảm ứng (touch screen). Cho nên, nếu bà bấm lung tung (vì run tay), nó nhớ vào đó.... thì có mà toi. Thế nên, mình bảo bà: nếu có giặt đồ thì cứ bỏ đồ vào máy, mình sẽ giặt dùm.

* Nhà tắm:
Trước khi bà đi tắm, chồng mình có dặn bà là nhớ khoá vòi nước cho kỹ. Ấy vậy mà, sau khi bà tắm xong, vòi nước vẫn cứ chảy tong tong. Trong đó có để cái ghế cho bà ngồi tắm, nước chảy trên ghế, bắn ra bên ngoài, ước mem hết cả thảm và chảy tràn ra cả bên ngoài. Mình chỉ biết lui cui lau dọn vì lúc ấy chồng đã đi làm. Nếu chồng ở nhà, chồng chẳng bao giờ để mình phải động tay. Chồng về, kể chồng nghe vụ nước tràn khắp nhà và nhắc khéo bà lần sau cẩn thận hơn. Mình nghĩ, tại bà bất cẩn thôi!

Rồi khi mở cửa nhà tắm, chồng mình đã dặn bà là mở cửa nhẹ nhàng. Vì nó là cửa trượt (slide door), nên không thể đẩy cái ào để đi ra được. Ấy vậy mà, không hiểu bà đã làm thế nào mà cửa kẹt cứng. Còn bà thì bị kẹt bên trong, không ra được, kêu la um xùm. Mình phải vào "cứu hộ". Khổ! Đó, nếu ở một mình thì kẹt trong đó đến bao giờ???

Rồi thì quần áo của bà, bà tắm xong, chả hiểu sao, ướt mem hết cả. Rồi bà vứt đó! Thôi thì cứ dồn cục đó và để trong bồn tắm cho bà, cuối tuần giặt luôn một lần cho tiết kiệm điện nước. (Con nhà nghèo nên tính ghê lắm heeee)

Những chuyện đó, coi như là nhỏ nhặt, bỏ. Và cũng vì bà ít khi lắng nghe và ghi nhớ. Không phải bà đãng trí, nhưng chả hiểu sao, bà chẳng nhớ những gì chồng mình đã căn dặn bà. Nên hai vợ chồng cứ phải để mắt tới. Thế nhưng, có một chuyện mà mình thực sự không vui mà chưa biết làm sao. Đó là việc bà dùng khăn tắm bừa bãi! Mỗi người có 1 cái khăn tắm riêng. Ấy thế mà bà lại dùng cái của mình. Chả hiểu nỗi! Mình tình cờ phát hiện ra khi thấy cái khăn tắm có vết máu. Cảm giác đầu tiên là rùng mình và nổi da gà (thiệt sự, vì mình không thích dùng chung khăn kiểu này). Mình biết là bà đã dùng, vì trong nhà, chỉ có mỗi bà bị vết thương chảy máu ở bàn tay. (Tại sao bà bị thương thì sẽ kể ở phần sau). Lần sau, chắc là..... mình "rinh" luôn cái khăn tắm của mình vào phòng ngủ!!!!!

* Toilet:
Những cái vụ thức ăn, nước uống rơi vãi thì mình không chấp làm gì, vì bà là thế, không sửa được. Thế nhưng, cái wc mà không dội sạch thì thật sự là rất .... eo ơi! Hai vợ chồng phát hiện việc này mỗi ngày. Chồng mình đã nhắc bà rồi. Thế nhưng, sự việc vẫn không thay đổi. Có lẽ phải dán một dòng ghi chú trong wc "dội sạch wc trước khi bước ra". Chắc phải làm vậy để cải thiện tình hình.

* Phòng khách: Cái vụ này mới nể bà nè! Có lẽ bà là người có thời gian coi tivi dài nhất thế giới. Mình tính, trung bình một ngày, bà coi tivi khoảng 12 tiếng đồng hồ. Mở mắt ra là bà mở tivi và cứ thế ngồi coi cho đến lúc đi ngủ! Cái gì bà cũng coi được hết! Không biết có phải bà bị nghiện tivi không nữa?!?

Mà nói thiệt là mình nghe tivi bà mở có vài tiếng thôi là cũng cảm thấy stress rồi. Đàng này, bà mở những 12h/ngày! Và vì bà bị nặng tai nên volume bà mở cũng lớn! Thấy thương thân mình quá đỗi!!!

Cơ mà cái vụ này thì biết phải làm sao? Bà không làm gì được, ngủ dậy thì chỉ biết coi tivi chứ còn làm gì nữa. Thế nên, thôi thì cứ để bà coi!

* Shopping: Mình là người "rất" tiết kiệm. Chỉ mua những cái gì đáng mua. Còn bà thì khác, theo mình thì bà lãng phí vô cùng! Bà mua cả những thứ bà không ăn hoặc không dùng tới. Mua xong rồi vứt! Mình thấy mà tiếc! Nhưng kệ, đó là tiền của bà và thói quen của bà. Có lẽ đó cũng là niềm vui của tuổi già!

* Di chuyển trong nhà: Vì bà yếu, đi lại khó khăn, và cũng vì nhà mình có bậc tam cấp. Không cao lắm nhưng cũng đủ để bà té. Mỗi lần hai vợ chồng có việc riêng đi ra ngoài, chồng mình luôn dặn đi dặn lại bà là không được mở cửa ra ngoài. Bà ừ ừ ... Và rồi, một bữa nọ, hai vợ chồng đi gặp bác sỹ. Bà ở nhà một mình.

Hai vợ chồng đi khoảng chừng 2h đồng hồ. Khi về, thấy cửa mở. Mình bảo chồng "bà đã ra ngoài". Chồng hỏi bà "đã mở cửa phải không?". Bà chối rằng "không".

Thế rồi, mình phát hiện nhiều vệt máu rơi vãi từ trước cửa nhà, rắc vào trong nhà, dính cả lên tường và cửa. Mình hoảng hốt, bảo chồng rằng bà đã té và chỉ chồng vết máu. Chồng giận bà và có chút xíu lớn tiếng với bà. Chồng mình bảo là "đã dặn không được ra ngoài, sao còn mở cửa?". Bà bảo, bà chỉ muốn đi vứt rác, rồi bị té (cái tính tự lập đó, bà không muốn nhờ ai, chỉ muốn tự làm). Chồng thấy bà té, xót, rồi giận, không nói nên lời, bỏ vào phòng ngủ. Mình hỏi han, bà bảo không sao. Chỉ bị "nhẹ"! Nhẹ mà "đổ máu" tùm lum (hix)! Mình bảo bà, nếu có đau thì phải đi bác sỹ. Bà cứ khăng khăng là không sao. Khổ vậy đó!

Thế mới biết, lúc này NGƯỜI GIÀ KHÔNG PHẢI CON NÍT!

Sau đó, hai vợ chồng lại lui cui lau chùi vết máu trước nhà

Vậy đó, bà là vậy mà bà cứ đòi ở riêng. Bà cứ muốn thuê nhà ở một mình. Bà cứ bảo hai vợ chồng tìm giúp bà nhà riêng (vì không muốn làm phiền con cái) mà hai vợ chồng chưa chịu.

(Còn nữa)

Melbourne, 29/07/2016
Từ An

Wednesday, July 27, 2016

Mẹ chồng Tây - Nàng dâu Việt (1): Hoàn cảnh

Mẹ chồng mình năm nay gần 80 tuổi. Bà là người Úc chính cống, sinh ra ở bang Tasmania. Sau đó, bà cùng gia đình vào bang Victoria sinh sống vì Tasmania quá lạnh (theo lời bà nói).

Bà có cả thảy 8 người con, 3 trai và 5 gái. Chồng mình là con trai út. Bà từng sống với người con trai giữa. Anh này độc thân cho đến cuối đời. Lúc anh trai còn sinh thời, hai mẹ con sống ở Essendon, Victoria. Cả hai mẹ con đều có bệnh trong người. Thuốc uống như cơm bữa. Cuối tuần, hai vợ chồng sang thăm hai mẹ con và đưa đi shopping. Những người con khác đều ở xa, chỉ có vợ chồng mình là ở gần nhất nên thường qua lại thăm nom.

    (Mẹ chồng) 


Rồi biến cố xảy ra, anh trai chồng qua đời vì bệnh nặng hồi ngày 1 tháng 4 2016. Bà ở một mình tại Essendon chừng một tháng thì chị gái đưa về nhà vùng ngoại ô Melbourne ở cùng. Mình nghĩ, mẹ ở cùng con gái là tốt nhất, và hy vọng bà được an ủi.

Thời gian ở cùng chị gái chồng được vài tháng thì hầu như thời gian, bà nằm trong bệnh viện Frankton. Nặng nhất là có dạo bà phải vào ICU (khu điều trị đặc biệt cho bệnh nhân nặng, có y tá trực thường xuyên). Trận ốm này là hệ quả của việc anh trai chồng ra đi. Bà quá đau lòng mà gần như không buồn ăn uống. Sự ra đi của anh trai, làm bà nhớ tới cái đau xé lòng khi nhận tin người con gái đầu ra đi vì tai nạn giao thông. Tội bà, đầu bạc 2 lần tiễn đầu xanh. Thế rồi, tranh thủ cuối tuần, hai vợ chồng phải chạy cả trăm cây số để đến thăm bà.

Thấy bà nằm đó, bao nhiêu là dây nhợ xung quanh. Bà gần như không nhận ra con trai út, nhưng bà vẫn nhận ra mình và giới thiệu với cô y tá rằng "đây là con dâu xinh đẹp của bà". Và từ đó, bà chỉ nói có mỗi một câu "she is beautiful" (ý khen con dâu đẹp). Ở với bà một lát thì hai vợ chồng ra về... lòng đau nhói... bước đi...vẳng nghe sau lưng câu bà nói "she is beautiful, isn't she?"

Vài tuần sau, bà ra viện và về lại nhà chị gái. Tín hiệu mừng vì bà đã hồi phục. Ở không được mấy ngày, bà lại tiếp tục vào viện. và cứ thế, bà ra vào viện như đi chợ.

Và rồi, một ngày nọ, bà bảo bà không thể ở cùng chị gái được nữa. Bà không muốn về đó, nên bà cứ nằm "lì" trong bệnh viện. Hai vợ chồng tới thăm, bà phàn nàn về chính phủ Úc đã không có chính sách chăm sóc tốt cho người già. Mình nghe và cười cười, vì với mình, chính sách Úc đã là cực kỳ tốt trong con mắt của mình. Cũng hôm đó, hai vợ chồng có nhã ý đón bà về ở cùng.

Bà nghe xong, mừng vui khôn tả, nói cười líu lo.

Một tuần sau đó, hai vợ chồng lại sang đón bà về ở cùng.

(Còn nữa)

Melbourne, 28/07/2016
Từ An

Tuesday, July 26, 2016

Reproductive and Sexual Health of People with Physical Disabilities: A Metasynthesis

Authors: Thi Tu An Nguyen, Pranee Liamputtong, Melissa Monfries

Abstract
This article provides an overview on reproductive and sexual health of people with physical disabilities in developed and underdeveloped countries from 1995 to 2011. Based on the metasynthesis approach, the authors reviewed 15 qualitative studies. These studies were searched using Medline, CINAHL, CINAHL (health), ProQuest Central, Google Scholar, Cochrane, Embase, Informit Health, Sciences Direct, Pubmed, Pubmed Health, AAHD (abstracts), ProQuest Journal (sexuality and disability) and were also manually searched. All studies were judged on their qualities using the Critical Appraisal Skills Programme. Reproductive health, sexual attractiveness and experiences, reproductive and sexual health knowledge, and dealing with reproductive and sexual health issues were four main themes that emerged from these studies. This paper proposes a new model to explain the factors that impacted the reproductive and sexual life of people with physical disabilities: internal and external factors. Implications for health and social care are discussed in light of the findings.