Thursday, July 16, 2015

Chuyện ta ở xứ người: 11 - Học tiếng Việt

Ai cũng vậy, khi học bất kỳ ngôn ngữ nào cũng đều cần có môi trường để duy trì nó. Người Việt chúng ta, ở trong nước học tiếng Anh cũng "trần ai" lắm. Học ở trường lớp hoặc trung tâm, mỗi nơi dạy một kiểu. Về đến nhà, ta lại không có nhiều thời gian để đầu tư thêm. Rồi môi trường làm việc, học tập lại không dùng đến tiếng Anh nhiều. Vậy là, những ai học tiếng Anh hoài mà chưa tiến bộ thì có vô vàn lý do để lý giải "hiện tượng".

Tương tự như vậy, các bạn người Úc gốc Việt cũng thế. Sinh ra và lớn lên trong môi trường nói toàn tiếng Anh. Môi trường nói tiếng Việt chỉ được duy trì trong phạm vi gia đình. Các bậc phụ huynh ở đây cũng rất nỗ lực trong việc dạy tiếng Việt cho con mình. Tuy vậy, tiếng Việt của các bạn này dĩ nhiên là không thể nào tốt như người Việt trong nước được. Các bạn nói để cha mẹ có thể hiểu được bằng tiếng Việt, đã là một điều may mắn lắm.

Năm ngoái, mình có bon chen tham gia một hội thảo của các bạn thanh niên người Úc gốc Việt. Các bạn thật năng động. Các bạn được tự do sáng tạo, tự do phát biểu những suy nghĩ cá nhân và tự do luận đàm những điều mà các bạn quan tâm. Thế nhưng, ngôn ngữ chính của hội thảo đó là tiếng Anh. Vì có rất nhiều bạn thanh niên không hiểu được tiếng Việt. Và đó chính là điều khiến mình có chút bất ngờ. Bởi lẽ, mình nghĩ một cách thuần tuý rằng hội thảo cho người gốc Việt thì chắc chắn là nói tiếng Việt. Nhưng không. Họ nói tiếng Anh. Cũng có một vài bạn nói tiếng Việt, gọi là cố gắng diễn giải bằng tiếng Việt. Thì mình lại nhìn thấy đâu đó, có những bạn đang "dịch lại" sang tiếng Anh cho người bạn bên cạnh. Chính vì môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt có phần hạn chế, và tiếng Việt cũng thật sự phức tạp nên khả năng tiếng Việt của các bạn ấy giống như các bạn học sinh cấp 2 hoặc cấp 3 học tiếng Anh vậy.

Đơn cử một vài câu chuyện hài hước liên quan đến tiếng Việt ở đây. Chuyện là vầy...

Có một cháu bé nọ, chuẩn bị đi vào trường mầm non. Nếu ở Việt Nam, có lẽ bé nói tiếng Việt cũng sỏi lắm. Nhưng ở đây, bé nói tiếng Việt mà mình gần như ... không hiểu. Sau mỗi câu nói của bé, mình đều nhờ bố hoặc mẹ của bé dịch lại. Một bữa nọ, mình chơi với bé và hỏi:
     - Con mấy tuổi rồi?
     - Con mấy tuổi rồi 3

Rồi một câu chuyện khác, một bạn thanh niên trên đường đi học về, thấy hai chiếc xe đụng nhau. Chiếc xe tải đâm vào chiếc xe con. Bạn này về nhà, cố gắng kể cho mẹ nghe câu chuyện tai nạn đó bằng tiếng Việt. Bạn hào hứng: Mẹ ơi, con thấy có hai cái xe nó đánh nhau trên đường. Cái xe tải nó đánh cái xe con! Có nghĩa là, bạn ấy đang cố gắng dịch từ "hit" trong tiếng Anh sang tiếng Việt "đánh nhau". Và thế là có câu chuyện "hai cái xe đánh nhau"!

Một bạn khác, khi ông ngoại từ Việt Nam sang chơi, đã gọi ông ngoại bằng "nó". Bạn ấy nói gì đó mà ông không hiểu, nên bạn đã đi nói với mẹ bạn rằng: "Con nói mà nó không có hiểu!". Trong tiếng Anh, đơn giản là câu "he does not understand". Bạn ấy chỉ dịch đơn thuần "word by word" từ Anh sang Việt. Do đó, các câu nói của các bạn ấy thường không "văn hoa bay bướm" như chúng ta thường dùng. Và cũng không xưng hô đúng cách như văn hoá Việt. Với các bạn ấy, cách xưng hô của Việt Nam ta thật quá phức tạp. Trong khi tiếng Anh chỉ có hai từ "YOU - ME". Còn tiếng Việt, thật sự quá phong phú trong cách xưng hô, nào là cô dì chú cậu bác anh ông bà, vân vân và vân vân. Và dĩ nhiên, bạn ấy đã được mẹ điều chỉnh là "không được gọi ông bằng nó, mà phải gọi là ông".

Rồi một bạn nhỏ khác, bạn nhỏ này đang học tiếng Việt. Mà bạn nhỏ này không ở Úc nhé, bạn ấy ở Mỹ. Một bữa nọ, bạn ấy làm bài tập về nhà. Có bài tập là:
       Điền vào chỗ trống cho câu sau đây: Chị ngã em .....
Đố các bạn biết bạn ấy sẽ điền từ gì? Kết quả của bạn ấy là: Chị ngã, em gọi 911
Đáp án đó rất đúng với thực tế đó chứ nhỉ?

Tóm lại là, tiếng Việt thật sự rất khó!
     

Melbourne, July 16th, 2015
An Nguyen

Tuesday, July 14, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 10 - Cái PR VISA

Đa phần những người ở các nước đang phát triển hoặc nghèo, nếu có cơ hội đặt chân đến Úc hoặc các nước phát triển khác, đều không muốn quay về [*]. Họ muốn ở lại và tìm cách để được ở lại. Người Việt Nam cũng vậy, cả nam và cả nữ. Đơn giản thôi, ai mà không muốn mình được sống ở môi trường tốt hơn, điều kiện tốt hơn.

Và thế là, những ai muốn ở lại đều tìm cách hoặc lên kế hoạch để lấy cho được cái PR [**]. Có người đi bằng con đường chính thống. Tức là bằng sự nỗ lực của bản thân để định cư theo diện tay nghề. Được vậy thì ngon lành rồi. Vì Úc có hàng loạt các ngành nghề [***] được phép ở lại hoặc ưu tiên cộng điểm [****] khi nộp hồ sơ xin PR. Cũng có người kết hôn thật với người có PR. Được thế thì may mắn quá. Có người chính thống, thì dĩ nhiên cũng có người không chính thống. Cũng có người kết hôn giả. Mà trường hợp này thì nhiều vô kể. Cũng có người "mua" PR. Và cũng có người sống trốn chui trốn lủi.

Nói đến kết hôn giả thì chắc không ai xa lạ gì nhỉ. Có vẻ đó như là một thị trường ngầm và "hàng hoá" thì luôn đắt đỏ. Giá cả lúc nào cũng chỉ có tăng lên chứ không hề giảm xuống. Và ai kinh doanh "mặt hàng" này thì béo bở vô cùng vì không phải đóng thuế. Cò béo bở mà người bán hàng cũng béo. Mà không phải lúc nào cũng dễ tìm được người đồng ý giao dịch đâu. Rất là khó! Có hôm sang thăm chị T, chị ấy bảo rằng: Ôi, mướn người về Việt Nam làm kết hôn giả khó lắm em. Tìm người không ra, mà mình còn dễ bị lừa nữa. Vì có thằng nó láo. Nó ừ với mình xong, mình chi tiền cho nó về Việt Nam, nó ăn chơi cho sướng rồi nó bỏ ngang. Mình đâu có làm gì được nó. Mình mất tiền oan. Ờ mà cái giá cho nam và nữ cũng khác nhau nữa đó em. Con gái ở đây giá cao hơn con trai đó. Ví dụ mình muốn thuê đứa con gái ở đây về cưới thằng em thằng cháu nào đó ở Việt Nam, mình phải trả cao hơn giá của con trai, là khoảng 5 ngàn đô. Có khi nó đòi cao hơn nữa. Vậy đó, và còn nhiều rủi ro khác nữa.

Cách đây mấy ngày, anh bạn C kể mình nghe câu chuyện của chị bạn người Việt. Ảnh kể, chị này kết hôn giả với một ông người Úc gốc Việt, chị ấy trả cho ông ta 80 ngàn đô. Chị sống chung với ông ta và phục vụ ông ta về mọi thứ, kể cả tình dục. Họ phải sống như vợ chồng thật, vì Bộ Di Trú có thể kiểm tra đột xuất nhà của họ. Nhưng chuyện đâu phải chỉ dừng lại ở 80 ngàn đô và làm "nô lệ" tình dục cho gã đâu. Trong thời gian sống chung, gã đã đòi tiền chị được thêm 20 ngàn đô nữa. Cho tới thời điểm này, chị vẫn chưa có PR, và không ai chắc chắn rằng gã chồng hờ sẽ không đòi thêm tiền nữa.

Một trường hợp khác, hôm nọ, mình lang thang trên facebook thì tình cờ đọc được câu chuyện. Không biết có thật hay không nhưng... theo mình, mình tin là thật. Có bé ấy kể rằng cô mới từ Việt Nam sang, ở đậu nhà bà dì. Một hôm, nghe bà dì thông báo là nhà có khách quan trọng nên không được làm ồn ào hoặc gây mất lịch sự. Hôm đó, khách đến nhà. Đó là một ông Thượng Nghị Sĩ Úc. Cô bé cũng có vẻ "phục" bà dì của mình vì cái độ quan hệ rộng và "cao" của bà ấy. Đang đứng rửa chén, và cô bé lắng nghe được cuộc nói chuyện của hai người "lớn" với nhau. Bà dì nhờ ông nghị sĩ "mua" cho bà bạn của bà cái PR. Số là bà bạn của dì ở đây đã lâu mà không có được PR, nên giờ "nhờ vả " đến ông. Ông ra giá 75 ngàn đô và hẹn sau 2 tuần nữa sẽ giao "hàng" và nhận tiền. Đúng hẹn, 2 tuần sau, cô bé lại rình coi. Cô như loá hết cả mắt vì những sấp đô la mới cáu được đặt cạnh nhau trên bàn. Bà dì giao tiền, ông đưa bà cái PR. Một cuộc giao dịch thành công và nhanh gọn. Đọc xong câu chuyện của cô bé, mình lướt xuống các "còm men" bên dưới thì thấy, đa phần là "cho xin số điện thoại của bà di đi em", "cho xin địa chỉ nhà của bà dì đi em". Có thể họ nói cho vui nhưng cũng có thể họ đang xin thật. Ai mà biết được....

Cũng có 1 bà người Việt nọ, bà ấy cùng đứa con gái sang Úc. Không biết đi vì diện nào. Nhưng khi hết hạn visa, bà ta và đứa con gái không về. Trốn luôn ở đây. Hàng ngày, bà ấy đi làm để nhận tiền mặt. Còn đứa con, đã lớn, tầm 14 -15 tuổi. Không đi làm nhưng cũng không thể đi học, vì hai mẹ con đang trốn mà. Thế là, ngày bà đi làm, con ở nhà chơi game. Thiết nghĩ, để hai mẹ con có thể tồn tại được mà không có bất kỳ đồng trợ cấp nào, thế thì người mẹ phải làm rất nhiều việc không tên khác. Và rồi, không hiểu được..... tương lai hai mẹ con sẽ đi về đâu???

Thật là không biết phải trả bao nhiêu "giá"... tiền bạc, tình dục, tương lai những đứa con và những hệ luỵ khác, trong một cuộc giao dịch PR?


Melbourne, July 14th, 2015
An Nguyen

[*] Dĩ nhiên là có người quay về, vì mong muốn đóng góp cho quê hương, hoặc vì một ràng buộc nào đó. Ở đây, tác giả không quy chụp cho toàn bộ người Việt Nam. 
[**] Permanent Resident: Thường trú nhân
[***] Các ngành nghề này có tràn lan trên mạng và không khó để có thể tìm thấy danh mục nghề nghề này.
[****] Úc có hình thức cấp PR theo cách tính điểm. Tuỳ thuộc vào độ tuổi, trình độ, thời gian ở Úc, điểm tiếng Anh... Nếu đủ điểm, Úc sẽ cấp PR. 

Monday, July 13, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 9 - Lượm "ve chai"

Học sinh, sinh viên, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh ... đi lượm ve chai. Nghe có vẻ buồn cười há? Nhưng đó là sự thật ở đây. Tại sao? Thử hỏi, nếu ta đi ngoài đường, thấy người ta quẳng 1 món đồ, mà đó lại là món mình cần. Mòn đồ đó còn xài được. Vậy có lượm về không? Ngu sao hông lượm hi hi

Còn nhớ năm ngoái, mình và chị bạn đang chạy xe bon bon trên đường. Chợt mình nhìn thấy cái kệ bàn nhỏ nhỏ từ xa.
     - Ah, chị ơi, có cái bàn nhỏ nhỏ kìa, lượm hông?
     - Đâu đâu?
     - Kìa, nó đó
Thế là thắng cái kít, tấp xe vào lề đường. Hai chị xem xuống xe thị sát nó và rinh ẻm lên xe.

Rồi một bữa nọ, mình và chị bạn có "thú vui tao nhã", leo lên xe chạy một vòng quanh xóm. Rồi phát hiện ra người ta vứt đồ. Hai chị em lại kít xe và thị sát cái đống "rác" đó. Ôi, có nguyên 1 cái giường ngủ cho chó, có cả cái niệm cho chó. Nhưng mà nhà mình không có chó. Bỏ đi thì tiếc, vì nó còn mới lắm. Thế là lại rinh nó về cho con cún nhà cô H. Ồ, nữa kìa, một đôi boots bằng da, còn rất mới. Quái! Mới thế này mà nó vứt đi! Phí thật! Và lại đem về nhà!

Hôm bữa, sang nhà chị bạn chơi. Thấy thằng ku nhà chị đang chơi món đồ chơi khá là cầu kỳ. Nó được lắp ráp khá công phu. Có vẻ là mắc tiền lắm. Cả trăm đô chứ chẳng chơi. Hỏi ra, thì là "bố thằng ku nhặt được". Không phải được 1 con, mà cả 2 con đồ chơi đẹp như thế! Mình nhìn mà cũng mê tít thò lò.

Rồi thì có anh bạn, đi học về, lượm được chiếc xe đạp, còn có cả mũ bảo hiểm nữa. Thật sướng! Rồi thì anh bạn ấy còn rinh được cả cái máy in, máy scan. Và cái nào cũng chạy ngon lành. Nói tới xe đạp mới nhớ, có hôm, mình và chị bạn còn thấy nó vứt 1 cai xe đạp mới cáu bên lề đường. Tiếc là hai chị em không thể nào rinh nó về được. Bỏ đi mà lòng tiếc hùi hụi.

Bữa khác, sang thăm nhà chị bạn. Chị ấy sắp sinh em bé. Đến nơi, thấy anh chồng chị hì hụi lắp ráp cái nôi cho bé. Mình mới hỏi: "Anh chị mới sắm đó hả? Đẹp thế!". Ảnh mới bảo: "Không, anh vừa nhặt được trên đường đi làm về. Thấy nó còn mới nên anh đem về kiểm tra xem. May quá, nó không có bị hư gì cả. Xài ngon lành!". Thật! Rất mới, rất đẹp!

Lượm "ve chai" ở đây thì cứ tự nhiên và thoải mái. Vì người người đi, nhà nhà đi. Và ta cũng đi.

Mới sáng sớm đây thôi chứ đâu, mình phải đi lên trường gặp Giáo sư. Trên đường đi, thấy có cái quạt máy vứt bên đường. Nhìn có vẻ còn rất mới. Định kít xe lại và quẳng lên xe rồi, nhưng sợ trễ giờ hẹn, nên lại thôi. Trên đường về, bụng cứ bảo dạ là "đừng có ai lượm nó hết nha". Mà đúng thật, nó vẫn còn đó. Có lẽ vì là mùa đông nên không ai lượm nó. Thế là mình rinh em nó về kiểm tra điện đóm. Nó vẫn chạy ngon lành. Thế là hè này, mình không phải tốn tiền mua quạt máy!

Nhớ cái lúc mới sang Úc, mình ở trong kí túc xá. Nó không có tủ quần áo. Thế là mình mua 1 cái tủ của IKEA. Hì hụi lắp ráp. Xong. Chụp ảnh đưa lên facebook "khoe của". Thế là có anh bạn nhảy vào "còm men" là "em ơi, dại quá, mua làm gì cho phí của giời. Mấy cái đó nó quẳng đầy đường, em chịu khó ra đường mà nhặt về nhé. Nếu thừa tiền thì gửi sang đây cho anh xài dùm cho ha ha".

Ở Melbourne này, tới đợt giảm giá - tháng 6 và tháng 12 - thì cũng đồng nghĩa với việc: chiến dịch lượm ve chai bắt đầu. Vì nhiều mặt hàng giảm giá, nhiều người thích thay đồ mới, nên vứt đồ cũ ra đường. Có ai lượm thì lượm, không lượm thì đến ngày đến giờ, sẽ có xe đến dọn cái đống đồ cũ đó đi. Người ta lượm vì nhiều mục đích khác nhau. Có người lượm về xài. Có người lượm về, phân loại rồi bán lại. Có người lượm về để cho người khác. Mà nói chung là ở đây người ta vứt đồ đi, mình còn xài lại được. Nhờ vậy mà mình cũng như những ai "không ngại lượm ve chai" có thể tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ.


Melbourne, July 13th, 2015
An Nguyen

Chuyện ta ở xứ người: kỳ 8 - Tình làng nghĩa xóm

Nói về tính đoàn kết, người ta thường khen cộng đồng người Trung Quốc rằng họ có sự tương trợ nhau rất tốt. Và cộng đồng Việt thường bị đem ra làm trò cười cho những câu chuyện về tính đoàn kết. Cộng đồng người Việt chúng ta thường bị chê là thiếu tính đoàn kết. Thế nhưng, ai nói gì thì nói, với những gì mình đã trải qua, mình thấy "tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau" vẫn còn duy trì khá tốt ở cái xứ chuột túi này.

Còn nhớ, trên chuyến bay từ Việt Nam sang Úc lần đầu tiên, chị bạn mình tình cờ gặp được người quen. Đó là vợ chồng Giáo sư về hưu ở Đại học RMIT. Và rồi, sau chuyến bay đó, thầy cô đã cho mình thấy được sự ấm áp nơi xứ lạ quê người. Thầy cô tận tình chỉ dẫn mọi điều. Có bữa ăn ngon, thầy cô gọi sang ăn cùng. Thật vui, thật ngon và thật ấm với những bữa ăn tối là phở bò, bún bò, và đủ các món ăn Việt khác. Thầy cô luôn hỏi thăm "nhà thiếu cái gì?" để còn mang sang.

Rồi vợ chồng anh B chị T, chỉ gặp nhau tình cờ ở trường. Ấy thế mà, có món gì ngon, anh chị cũng đem sang cho "cô An". Rồi thì nấu món gì ngon cũng gọi "cô An" sang thưởng thức. Có vấn đề gì, cũng có thể gọi anh chị bất cứ lúc nào. Chị còn bảo, "em add chị vào mục favourites đi nhé. Để lỡ như có gì thì gọi cho lẹ". Rồi thì những hôm trái gió trở trời, biết mình hay "dở dở ương ương", chị cũng hỏi thăm cặn kẽ (vì sợ mình nói xạo cho qua loa). Còn nhớ, lúc mình mới chuyển nhà. Anh chị còn giúp mình xin 1 cái giường đơn và nệm đơn. Anh chị còn cho mình 1 cái mền (chăn). Bấy nhiêu đó, mình cũng đã tiết kiệm được ít tiền rồi.

Rồi thì vợ chồng anh T chị B cũng vậy. Mình biết anh chị không lâu. Sang đây, thông qua một người bạn, mình mới biết được anh chị. Ấy vậy mà, hôm nào làm món gì ngon, thuần Việt là y như rằng "sẽ có mặt cô An trong vòng 1 nốt nhạc" (hi hi). Rồi thì anh chị còn bảo "nếu có thấy buồn thì cứ chạy xe sang đây chơi, ăn cơm". Mà anh chị có phải giàu có gì đâu. Thế đó, người tốt thì vẫn cứ là người tốt. Cũng cái lúc mới chuyển nhà, còn thiếu thốn, anh chị đã mang sang đủ thứ nồi niêu xoong chảo, dao, ly, tô, chén.... Nói chung là đa dạng các dụng cụ nhà bếp.

Rồi thì chị H, chị Q, cũng chỉ là tình cờ gặp nhau trong một dịp nào đó. Và rồi bỗng nhiên thấy hợp tính hợp tình và rồi thành thân thiết. Đi đâu, làm gì, các chị cũng quan tâm hỏi han xem mình "sống ra sao, sống thế nào, có ổn không?"

Rồi nhà anh chị hàng xóm mới quen nhưng anh chị cũng cực kỳ dễ thương. Có bất kỳ cái gì, cũng có thể gọi anh chị được. Còn nhớ, hôm qua thôi chứ đâu. Tự nhiên sáng sớm có người bấm chuông cửa. Lăn tăn ra mở cửa thì... ôi thôi, dại quá! Quảng cáo mà đi mở cửa làm gì. Mà mình cũng thiệt là "ngu" trong việc từ chối lắng nghe quảng cáo. Mình kiên nhẫn nghe anh ta nói 1 thôi 1 hồi mà không biết làm cách nào để đuổi đi. Chợt sáng kiến loé lên, gọi điện cầu cứu chị hàng xóm. Mình bảo hắn: mày làm ơn chờ chút, tao gọi điện thoại để hỏi ý kiến chị gái tao. Thế là hắn đợi. Mình gọi cho chị, nhờ chị đuổi đi dùm. Hí hí.... hurah, chị ra tay thành công! Lần sau, quyết không mở cửa cho bất kỳ ai không có lịch hẹn trước. Rồi thì biết nhà thiếu cái ti vi, chị cho hẳn 1 cái ti vi to tướng. Oách!

Rồi thì có anh M, cũng quen biết anh qua một sự kiện. Anh cũng nhiệt tình như bao người khác. Nhà anh có một cái kho lớn. Ai cho cái gì anh cũng lấy hết đem về. Mục đích là anh để cho lại các bạn sinh viên mới sang, còn thiếu thốn. Chẳng hạn như cái bàn, cái ghế, cái tủ..... Mình cũng đã rinh 1 cái tủ về từ cái kho đó của anh.

Và còn nhiều trường hợp khác nữa...

Bởi vậy, xã hội nào cũng vậy, cũng có người này người kia. Cho nên, đừng vội quy chụp phán xét khi chỉ gặp những trường hợp như "con sâu làm rầu nồi canh". Người Việt ta nơi đây vẫn đẹp lắm!

Cảm ơn thầy cô, cảm ơn các anh chị và cảm ơn đời đã cho mình gặp những con người dễ thương nới xứ lạ.

Melbourne, July 13th, 2015
An Nguyen

Sunday, July 12, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 7 - Ở bệnh viện

Một hôm, chị B alo: "Cô An rảnh không? sang chị chơi đi". Đang có chút căng thẳng, nghe chị ới 1 cái là "dạ, 30 phút sau em có mặt nhà chị". Và rồi, được ăn ngon và lại được nghe chị kể chuyện về bệnh viện. Chị kể rằng...

Bệnh viện ở đây nó tốt lắm em. Nó không như bên Việt Nam mình đâu. Hôm bữa, ông chồng chị bị bệnh, ổng vô nằm viện. Bệnh thì... chị thấy cũng không quá nặng, vì ổng vẫn có thể tự đi lại được mà. Nhưng mà y tá nó chăm sóc ổng kỹ lắm. Nó không cho chị đụng vào cái gì hết đâu nha. Cái hôm đó, chị nhớ là cái phòng đó có 4 người nằm, chỉ có ông chồng chị là trẻ nhất. Ba người kia là già lắm rồi. Trong đó, có một bà cực kỳ khó chịu. Bả kỳ cục lắm nha. Bả mà ghét ai là bả hành hạ người đó đến chết. Hôm đó chị chứng kiến cảnh bả hành hạ anh chàng y tá đến cả vã mồ hôi hột luôn. Cứ vài phút là bả nhấn chuông kêu y tá, vài phút là bả nhấn, rồi bả đòi anh chàng đẩy đi ra vườn ngắm hoa ngắm cảnh, làm anh chàng chạy hụt hơi luôn.

Bà này thì chị thấy bả vẫn có thể tự đi vào nhà vệ sinh được, nhưng mà vì bả ghét anh chàng y tá này, nên bữa đó bả đái (tè) trên giường tới 4 lần. Mà mỗi lần như vậy, anh chàng y tá này phải lau chùi, rửa ráy, thay đồ cho bả, thay ra trải giường cho bả. Trời ơi, thấy mà tội cho anh chàng. Lúc đó, chị mới chợt nghĩ, cái bà này á nha, cho bả về bệnh viện Việt Nam nằm, chừng nửa ngày thôi là bả khỏi bệnh liền à. Tại ở đây sướng quá, được phục vụ kỹ quá nên bả cũng làm quá luôn.

Chị còn nhớ, cái hồi mà chị về Việt Nam thăm mẹ chị bị bệnh, nằm ở bệnh viện. Cái hôm đó có cô y tá, vào đưa cho cái ống và bảo lấy nước tiểu của bà cụ. Chị mới nói với chị gái chị "ủa, cái này y tá nó phải làm chứ! Làm sao mình biết cách mà làm?". Tại vì bà cụ đặt ống thông tiểu đó em. Thực sự thì làm sao chị biết mà lấy nước tiểu ra. Cái rồi chị gái chị bảo "không biết thì cũng phải làm, vì y tá nó không làm cho mình đâu". Chị nghe xong chỉ biết lắc đầu....

Còn ở đây (Úc) nó chăm sóc kỹ lắm đó em, nó không như ở bên mình. Chăm sóc bệnh nhân là nhiệm vụ của y tá, chứ không phải việc của người nhà. Người nhà là đến thăm thôi, nó không cho đụng vào. Em biết không, cái lúc mà chị đi sanh đó, mọi việc vệ sinh, rửa ráy của chị là y tá nó làm hết đó, em tin không? Y tá làm hết! Chị không phải làm cái gì cả.

Mà cái hôm chị đi sanh đó nha, chị mới nghe một bà hộ sanh bả phàn nàn là người Việt tụi mày trốn viện phí nhiều quá, nhất là cái tụi du học sinh. Tụi nó sanh con xong, nó ôm con bỏ trốn. Chị nghe mà cảm thấy nhục lắm! Chị mới nói với bả là tao cũng cảm thấy bức xúc thay cho mày và cũng cảm thấy xấu hổ lắm. Và tao nghĩ là tụi mày phải thay đổi một chút trong việc đặt tiền cọc thì mới mong là không bị thua lỗ. Tao ví dụ nhé, một ca sanh đẻ bình thường (không mổ), tổng chi phí là 8 ngàn đô. Thì mày phải yêu cầu cái bọn đó đặt cọc hết cả 8 ngàn đi. Sau khi nó đẻ xong, nếu có mổ và sau đó nó bỏ trốn thì mày vẫn không lỗ nặng. Bởi vì hiện tại, bệnh viện của mày yêu cầu đặt cọc có 2 ngàn à. Đẻ xong, nó trốn, mày lỗ nặng rồi còn gì. Đó là chưa kể nó sanh mổ, mày còn lỗ chết nữa. Cho nên, nghe tao đi, mày đề nghị lên giám đốc bệnh viện giải pháp này, cứ muốn đẻ là đặt cọc 8 ngàn. Chấm hết! Vậy đó em, nhiều người kỳ lắm! Làm cho mình đi đâu, làm gì cũng bị ... giống như là "kỳ thị" vậy đó em.

Ờ mà cái vụ chăm sóc sản phụ ở đây nó khác mình lắm em. Mới đẻ xong, nó đưa cho bộ đồ (quần áo) và bắt mình đi tắm. Muốn ăn gì thì ăn, uống gì thì uống. Muốn đi đâu thì đi. Nó không kiêng thứ gì cả. Tới bữa ăn, nó đưa cho cái menu (thực đơn) như ở nhà hàng vậy. Mình chỉ việc nằm đó và gọi món, y tá sẽ bưng đồ ăn vào cho mình. Ăn xong, y tá dọn. Còn ở mình (Việt Nam) thì kiêng cữ đủ thứ hết trơn. Nào là không ăn chua, nào là không uống đồ lạnh, nào là phải nằm lò than.... và người nhà vào làm tất tần tật.

Mình biết một cô, mới sang Úc để chăm sóc con gái sanh con đầu lòng. Cô cũng kể đầy hào hứng những trải nghiệm về dịch vụ ở bệnh viện ở đây là như vậy như vậy. Và có một điều làm cô ngạc nhiên, cô nói: Sau khi con gái cô sanh xong, cô định đi vào thăm nó nhưng nó không cho cô vào. Nó chỉ cho anh chồng vào thôi. Nó bảo là nó chỉ cho người nhà vào thôi. Chồng là người nhà của sản phụ, còn mẹ chỉ là người thân. Mình là người thân nên nó không cho vào. Kể xong, cô cười hì hì với vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc của một bà ngoại.

Lại nói về vấn đề du học sinh nữ sinh con xong, trốn viện phí. Mình không rõ là du học sinh theo diện tự túc hay học bổng (tuỳ loại). Bởi vì, đối với học bổng chính phủ Úc thì có OSHC (bảo hiểm y tế cho du học sinh) chi trả toàn bộ rồi [*]. Có lẽ, những trường hợp trốn viện phí đó là những du học sinh tự túc hoặc những người trốn visa. Có lẽ thế!


Melbourne, July 12th, 2015
An Nguyen

[*] Phải ở Úc đủ 12 tháng, sau đó mang thai, tính từ thời điểm bắt đầu mang thai thì mới được bảo hiểm chi trả toàn bộ. 

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 6 - Nuôi dạy con "banana"

Có thể nói, những đứa con Việt được sinh ra ở trời Tây, chúng nó lợi đủ đường. Những đứa con này thường bị ví von như "banana". Ý nói là bên ngoài da vàng, người Việt Nam chính cống, nhưng bên trong như tính cách, lối sống thì rặt của người da trắng. Banana là vì vậy. Đối với các bạn "banana" (tạm gọi) thì cái thuật ngữ ấy có mang tính kỳ thị gì hay không, mình cũng không rõ nữa. Nhưng mình thấy, đó là thuật ngữ ví von chuẩn xác nhất.

Việc nuôi dạy con ta ở trời Tây cũng là một vấn đề làm đau đầu các bậc phụ huynh ở đây. Đó chính là sự xung đột giữa hai hệ giá trị Tây - Ta. Dù sống ở trời Tây nhưng các bậc cha mẹ Việt ở đây vẫn luôn muốn con mình giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc dân tộc. Thế nhưng, nếu không khéo léo trong việc truyền đạt thì có khi lại mang hiệu quả "ngược". Đơn giản là vì con cái đã được giáo dục về Quyền Tự Do ngay từ khi còn rất nhỏ.

Mình có một chị bạn. Chị sống ở Úc khoảng 20 năm. Con cái chị đã vào đại học, có đứa đã tốt nghiệp và đi làm. Chị có cô con gái "rượu". Mình biết, gia đình chị rất nề nếp và rất Việt Nam. Bởi vì chị vẫn muốn giữ gìn những nét đẹp trong đời sống gia đình của người Việt. Một hôm sang chơi và nghe chị tâm sự...

Trời ơi, em biết không? Khổ lắm em ơi. Con gái chị năm nay đã 21 tuổi rồi. Rồi nó có bạn trai, rồi nó dẫn về nhà. Chị biết là chúng nó... chúng nó đã quan hệ với nhau rồi. Chị thì không thích điều đó xảy ra. Thật sự chị không muốn. Chị muốn con gái mình giữ cái đó (trinh tiết) cho ngày hôn nhân của nó. Nhưng mà khi chị nói chuyện với nó, nó bảo "Con đâu có làm gì sai đâu. Tụi con yêu nhau mà". Thế đó! Chị biết phải làm sao? Nó còn nói là "tụi bạn con đó, chúng nó đã ngủ với nhau từ khi chúng nó mới 15 tuổi". Bạn con làm được, tại sao con lại không được? Ừ thì bạn nó đã quan hệ khi mới 15 tuổi, còn con mình giữ được cho đến 21 tuổi thì cũng đã là quý hoá lắm rồi.

Cái lối sống ở đây nó quá thoáng về chuyện đó (quan hệ tình dục) đó em.... Ừ thì nó nói đúng là chúng nó không làm gì sai cả. Mà đúng, nó có làm gì sai đâu. Chúng nó có quyền đó. Nhưng mà chị không thích vậy. Nên nhiều khi nghĩ.... chị thấy buồn lắm! Em biết không? Đâu phải chị sống cho riêng mình chị. Chị còn có gia đình, họ hàng.... Chị không muốn họ hàng phải nói này nói nọ khi biết con gái mình "break the rules".... Bởi vậy, nên nhiều khi, chị không biết phải nói chuyện với nó ra sao luôn.

Đây chỉ là một trong những tình huống xung đột giữa hai thế hệ trong quan niệm về trinh tiết. Và giải pháp tối ưu cho vấn đề này là người mẹ buộc phải tự thay đổi quan niệm của mình về điều đó. Dĩ nhiên là không dễ thay đổi, nhưng phải thay đổi. Bởi vì, chị cũng sống trong xã hội "thoáng". Chị thay đổi để hiểu con mình hơn và hạn chế những rắc rối khác, cái mà có thể phát sinh từ nó.

Mình cũng có nhiều dịp tiếp xúc với các gia đình người Việt ở đây. Thật sự thấy rất vui vì con cái họ rất ngoan, rất lễ phép và biết nghe lời cha mẹ. Đó là điều đáng quý! Thế nhưng, để đạt được những điều đó, chắc chắn họ đã không ít lần căng thẳng, thậm chí trầm cảm trong việc nuôi dạy con nên người.


Melbourne, July 12th, 2015
An Nguyen

Saturday, July 11, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 5 - Tù tội

Nói đến việc đi ở tù, ai cũng nói rằng: không có nhà tù nào tốt bằng nhà tù ở Úc. Ở đây, tù nhân được ăn những loại thức ăn hảo hạng. Chất lượng lương thực thực phẩm cung cấp cho tù nhân được kiểm định chặt chẽ, nên tuyệt đối không có chuyện "ngộ độc thức ăn". Họ được học đại học hoặc nghề với bất kỳ ngành nghề nào họ muốn. Họ không bị đánh đập bởi cai tù. Ra tù, họ còn được một khoản tiền để "dằn túi". Bởi thế, "nhiều thằng mãn hạn tù vẫn quyết tìm cách để vào lại trong tù sống. Nó ở tù còn sướng hơn cả mình!" [*].

Phụ nữ đi ở tù thì khỏi phải bàn, vì ở đây, phụ nữ là số 1 mà. Dù là tù nhân, họ vẫn là tù nhân số 1. Và có lẽ vì lý do đó mà tù nhân là phụ nữ Việt rất là đông. Có đáng buồn không chứ?!? Chỉ tính riêng tại bang Victoria, năm 2010, nữ tù nhân Việt có 14% trong tổng số nữ tù [**]. Và tỷ lệ này ngày càng tăng cao. Nguyên nhân là vì đâu?

Đã có rất nhiều bài báo chính thống của Úc đưa tin và lý giải hiện tượng nữ tù người Việt ngày một nhiều, là do: Bài bạc! Họ đam mê cờ bạc. Khi thua bạc, họ lâm vào cảnh nợ nần. Và con đường kiếm tiền nhanh nhất là vận chuyển, mua bán, tàn trữ chất ma tuý giữa Việt Nam và Úc, hoặc trồng cần sa. Đơn giản là vì những tội phạm kiểu này không bị tử hình như ở Việt Nam. Họ chỉ bị phạt tù tuỳ theo mức độ. Chính vì lẽ đó mà họ vào tù và ra tù như đi chợ. Mãn hạn tù, họ lại đi đánh bạc, rồi lại dính đến ma tuý, rồi lại đi ở tù. Cái vòng nó cứ quay tròn đều đều thế đó.

Ngoài ra, còn có một lý do khác từ công chúng. Họ nói rằng, chính vì cái quyền phụ nữ ở đây quá lớn, cho nên, nhiều người phụ nữ Việt đã đứng ra nhận tội thay cho chồng. Chị ta đi ở tù, còn chồng ở ngoài tiếp tục công việc "kinh doanh" béo bở. Bởi vì, ở tù, chị ta chả mất mát thứ gì cả.

Người ta còn đồn rằng, ở đây, người Việt bán ma tuý nhiều lắm. Không tin thì cứ thử ra chợ Footscray (bang Victoria) mà xem. Tinh mắt quan sát một tí là sẽ biết ai là người bán ma tuý ngay.

Nói thiệt, mình đã vài lần ra chợ này, cũng phát hiện thấy nhiều người lạ lạ trong hành vi. Không chỉ riêng người Việt đâu, cũng nhiều chủng tộc khác nữa. Nhưng đa phần vẫn là người Việt.

Một bữa nọ, mình đang ngồi ở 1 cái ghế công cộng ở chợ Footscray, thì có 1 bà lão lưng còng, người Việt, tay xách 1 cái nhỏ - có vẻ không nặng lắm - mời mình mua xôi. Hôm đó, mình không mua. Mình mới đem câu chuyện này kể lại với chị bạn. Chị ấy nói: Em ơi, có khi bà ấy không phải bán xôi đâu. Đó chỉ là che giấu thôi. Bà ấy bán ma tuý đấy! Ở cái chợ đó, những người như bà ấy nhiều lắm em ơi! Mình nghe mà ngớ người ra...

Bởi vậy ta nói, nhiều khi cái gì nó "quá" cũng điều không tốt. Nhân đạo với tù nhân quá nên họ đâu có sợ. Đi tù mà cứ như đi hưởng thụ thì thôi rồi...


Melbourne, July 11th, 2015
An Nguyen

[*] Lời của một anh bạn
[**] http://www.theage.com.au/victoria/gambling-turns-vietnamese-women-to-crime-20100621-ys9k.html

Xem thêm: http://origin.m.radioaustralia.net.au/vietnamese/2009-07-21/%C4%91i-t%C3%B9-t%E1%BA%A1i-%C3%BAc-%E2%80%93-sinh-ho%E1%BA%A1t-trong-t%C3%B9/289678

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 4 - Trợ cấp an sinh

Hôm nọ rảnh rang, ghé nhà chị B chơi và nghe chị kể chuyện. Chị kể rằng....

Chính sách an sinh của Úc nó quá tốt đó em, thất nghiệp mà vẫn sống an nhàn, tiền vẫn rủng rỉnh trong túi. Thành ra, nhiều người của mình sang đây, họ đâu có muốn đi làm đâu. Họ ăn ở không, đi chơi tối ngày, xài hàng hiệu, xe sang lắm em ơi.

Chị nhớ, có một lần chị lên CentreLink [*] để nhận tiền sữa cho con chị. Vừa bước vào cửa, chị nghe cái giọng oang oang của một chị người Việt to béo. Nhìn chị ấy á nha, tay thì đầy nhẫn hột xoàn. Vòng vàng đầy tay đầy cổ. Giỏ xách thì hàng hiệu mới oách. Móng tay thì tô vẽ. Tóc tai "chỉn chu". Quần áo thì sang chảnh.... Nói chung là nhìn vào thì biết là thuộc diện ăn chơi đó. Ấy vậy mà, bà ta đến CentreLink chỉ để đòi cho bằng được vài chục đồng tiền sữa cho con. Chuyện là tại vì tháng này, tự dưng con bà ấy bị cắt giảm vài chục đồng tiền sữa. Có vài chục à, hai hay ba chục gì đó chớ bao nhiêu đâu, mà bả đến bả kiện cho bằng được.

Trời ơi, không biết phải nói sao với bả nữa. Nhìn thấy bả mà chị nhục, chị nhục dùm cho bả lắm luôn! Người gì đâu mà.... không biết nói sao luôn. Chị nói thiệt, chị nhận mấy đồng tiền này cũng không có vui vẻ gì lắm đâu. Tại vì anh bị bệnh, con chị còn nhỏ, không đi làm được nên chị mới phải chịu cảnh này. Con chị mà lớn là chị đi làm ngay.

Một hôm rảnh rang khác, lại đi sang thăm nhà chị T, và cũng nghe chị kể chuyện người Việt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị kể...

Trời ơi, em không biết đó thôi, chứ nhiều người mình [**] kỳ lắm. Họ không biết nhục! Ở đây á, chị biết rất nhiều người mình không chịu đi làm, ngồi nhà hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mình hỏi chị "tại vì họ bị gì hả chị?". Chị nói: Đâu phải họ ốm đau bệnh tật gì đâu. Tại họ làm biếng, thích ăn không ngồi rồi đó em. Họ nhận tiền trợ cấp, họ mua sắm ăn chơi, cafe sáng tối. Có người còn lén đi làm tiền mặt [***] nữa. Vậy đó, họ cứ sống phây phây vậy đó em.

Em không biết đó thôi, chứ ở cái phố người Việt này, sáng nào cũng vậy, toàn là mấy ông khoẻ như trâu, túm tụm ngồi uống cafe tán dóc bên lề đường. Đó, toàn là mấy ông hưởng trợ cấp thất nghiệp không đó. Em thấy sướng không? Sướng quá đi chứ!

Đó, rồi thì mấy ổng còn về Việt Nam chơi, khoe là được sống sung sướng như vậy đó,  cho nên, ai nghe cũng muốn đi qua Úc sống. Trời ơi, mấy cái người đó á, chị nói là cái "nhục" nó không còn. Mà thôi, mệt lắm em. Hơi đâu mà nói tới mấy người đó....

Nghe xong, chỉ biết dạ dạ....không biết nói gì hơn...


Melbourne, July 11th, 2015
An Nguyen

[*] CentreLink là nơi nhận các khoản tiền trợ cấp từ chính phủ Úc. 
[**] ý nói là người Việt Nam.
[***] là đi làm nhận tiền mặt trực tiếp, không phải nhận thông qua tài khoản ngân hàng, nhằm trốn thuế. 

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 3 - Du học sinh Việt

Kể rằng....

Có cô gái nọ, người gốc Huế, xinh đẹp lại giỏi dang. Cô được một suất học bổng toàn phần và sang Úc du học. Ở Việt Nam, cô có một anh bạn trai cao ráo, điển trai. Người ngoài nhìn vào, ai ai cũng tấm tắt khen ngợi "đúng là một cặp trời sinh". 

Ngày nọ, cô lên đường sang Úc du học. Người thân lẫn người yêu bịn rịn tiễn cô tại sân bay. Những cảm xúc vui buồn lẫn lộn được cô miêu tả bằng những dòng trạng thái trên facebook. Đến đất Úc, cô đi học, rồi đi làm thêm. Cứ thế, ngày lại qua ngày...

Bỗng.... một ngày kia, bạn bè thấy cô thân mật với một ông trung niên người bản địa. Càng ngày càng thân mật... Và rồi bạn bè cô chợt nhận ra, cô có bạn trai mới, là ông ấy!. Họ gắn bó với nhau như đôi sam. Cũng không có gì ngạc nhiên lắm, vì một lẽ, xứ lạ quê người, lại thiếu thốn tình cảm, nên việc có người yêu.... tốt thôi mà! Một ngày không lâu sau đó, họ thấy cô chuyển sang sống cùng nhà với ông ấy. Không biết chuyện sẽ đi về đâu... chỉ biết rằng, bạn bè cô cảm thấy có chút lo lắng, nhưng không thể nói gì được. Đơn giản là vì đó là lựa chọn của cô ấy!

Một cô gái khác, cũng xinh đẹp, trắng trẻo lại giỏi dang. Cô cũng được một suất học bổng toàn phần và sang Úc học. Cô sinh ra và lớn lên ở một tỉnh phía Bắc Việt Nam. Ở quê nhà, cô cũng có anh bạn trai, cũng gắn bó mật thiết lắm. 

Sang xứ chuột túi, cô chăm chỉ làm thêm. Lịch học và làm việc của cô kín hết cả tuần. Và có lẽ, cô không dành cho mình chút thời gian nghỉ ngơi. Cô học giỏi, cô làm việc giỏi và cô yêu đương cũng "cực giỏi". Bạn bè cô không mấy ngạc nhiên khi thấy cô thay người yêu mới. Người yêu cô có đủ mọi thành phần, đa dạng về sắc tộc, tôn giáo, độ tuổi, và mang tính.... quốc tế!. Bạn bè cô cũng không thể nói gì, vì đó cũng là lối sống của cô ấy!

Một cô gái khác nữa, cũng xinh đẹp giỏi dang. Cô cũng sang Úc du học nhưng không phải bằng học bổng. Cô tự túc cho chuyến đi của cuộc đời mình. Cô cũng vừa học, vừa chăm chỉ làm thêm. Vài tháng sau khi đặt chân đến đất Úc, cô có một anh bạn trai người Úc. Theo như cô kể, cô không phải là người chủ động cưa cẩm. Cô bị "cưa đổ" bởi sự "thiệt thà" của ông ấy. Ông ấy kể cô nghe về hoàn cảnh của mình rằng, ông bị vợ bỏ, phải sống cảnh gà trống nuôi con. Ông thích gái Việt Nam vì bản tính chịu thương chịu khó, chân thành và thuỷ chung. Cô nói, thực chất cô chưa yêu sâu đậm ông ấy. Tình cảm cô dành cho ông ấy như là một sự đồng cảm và thương cho số phận không may của ông ấy. Cô chấp nhận làm bạn gái ông ấy.

Một ngày kia, cô bạn thân của cô khoe hình có bạn trai mới. Cô mới tá hoả khi thấy bức hình ấy. Bạn trai của mình là bạn trai của cô bạn mình!!!! Hoá ra, ông này đi "câu cá" khắp nơi. Bằng câu chuyện "sinh động về thân phận không đến mức hẩm hiu của mình", không biết đã bao nhiêu con cá rơi vào sọt tình của ông ấy? Dĩ nhiên, cô đã chấm dứt hẳn với cái gã lừa tình ấy. Qua đó mới thấy, có lẽ, do nắm bắt được tâm lý "muốn ở lại" của một số du học sinh, một số kẻ đã lợi dụng điều đó để lợi dụng tình yêu, tình dục và tiền bạc của du học sinh Việt.

Một anh chàng Việt Nam, cũng xem như cao ráo và có chút "nhan sắc". Anh sinh ra và lớn lên ở một tỉnh phía Bắc. Anh có vợ đẹp con xinh, công việc tốt. Mọi thứ có vẻ xem ra rất là viên mãn. Một ngày kia, anh lên đường sang Úc du học theo diện học bổng toàn phần. Anh cũng giỏi đấy chứ! Học bổng toàn phần cơ mà!

Sang Úc được vài tháng, anh cặp ngay với một cô gái - người Đông Nam Á - một cách công khai. Đi đâu cũng có đôi có cặp, cũng gắn bó với nhau như một đôi sam. Thoạt đầu, bạn bè anh ta khá sốc, vì bề ngoài, anh ta có vẻ chín chắn. Nhưng thật là... ông bà ta nói "sông sâu còn có kẻ dò, mấy ai lấy thướt mà đo lòng người". Nghĩ mà thấy thương cho cô vợ bên Việt Nam....

Một anh chàng người Việt Nam khác, cũng sang Úc du học theo diện học bổng toàn phần. Anh này cũng giỏi đấy chứ không kém cạnh gì đâu. Anh cũng có vợ đẹp con xinh, công việc cũng ổn định. Rồi một ngày, bạn bè anh nhìn thấy anh cặp kè với một cô gái Việt. Cô ấy cũng sang Úc du học. Ở Việt Nam, cô ấy cũng có một mái ấm gia đình, chồng con đề huề. Thế mà, tại trời Tây này, hai người cặp nhau như "đôi chim non", quấn quít bên nhau một giây không rời. Bạn bè anh, ai ai cũng biết nhưng không ai bảo ai câu nào. Đơn giản vì đó là quyết định của anh.

Nơi xứ lạ quê người, không người thân thích, cảnh thiếu thốn tỉnh cảm, lòng người không vững sẽ dễ bị cuốn vào những cám dỗ. Gặp những chuyện như vậy, thiết nghĩ, lòng tin dần cạn kiệt, sự thuỷ chung dần biết mất. Việc có cơm và ăn phở cứ như một "tiêu chuẩn mới" của thời đại mới vậy... Dường như các giá trị chuẩn mực đã bị lạc mất rồi chăng? Hay chăng, cần phải thiết lập những giá trị mới, hay cần phải xây dựng một trào lưu mới?

Bài viết không mang tính bài xích nhân vật, tác giả tôn trọng lối sống của mỗi nhân vật, vì họ "người lớn" mà, họ có trách nhiệm với việc họ làm. Chỉ tiếc rằng, lòng tin của ai đó đã bị đặt nhầm chỗ.



Melbourne, July 11th, 2015
An Nguyen

Friday, July 10, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 2 - Kết hôn với gái Việt (tt)

Một ông người Úc nọ đã già. Ông ta rất mê Việt Nam và dĩ nhiên là cả gái Việt Nam. Khi về hưu, với rủng rỉnh tiền, ông ta về Việt Nam sinh sống và hưởng thụ phần đời còn lại. Những tưởng là an nhàn tấm thân và tận hưởng tuổi già thật sự, nhưng không....

Về Việt Nam, ông lui tới các quán bar - do người Tây đứng ra kinh doanh - mỗi đêm. Và rồi, ông lọt vào "tầm ngắm" của một cô trung niên. Họ "yêu" nhau say đắm, những tưởng không gì có thể chia cắt được. Họ xăm trên vai trái dòng chữ "love" và tên của bạn tình. Rồi họ cưới nhau.

Một ngày đẹp trời, ông người Úc về nước, gom hết tiền tích luỹ được, đem về Việt Nam, mua đất, cất nhà lầu ngay tại thành phố nổi tiếng của nước ta. Vào cái thời điểm ấy, mà ngay cả bây giờ cũng vậy, luật của ta không cho phép người nước ngoài đứng tên sở hữu tài sản [*]. Thế là, toàn bộ gia sản của ông ta tại Việt Nam, do cô vợ "kém xinh lẫn khiêm tốn chiều cao" đứng tên.

Lại một ngày đẹp trời khác, không biết cô nàng đã rỉ tai ông chồng già thế nào, mà ông ta đã bảo lãnh cô nàng sang Úc định cư. Cả hai quay lại Úc sống không được bao lâu, thì ông chồng đòi về Việt Nam. Ông ta về thật. Ông về một mình, sinh sống tại căn nhà của mình mà "không chính chủ", cùng với gia đình của cô em vợ. Tuy là sống chung một nhà nhưng những người trong căn nhà này cũng kỳ lạ, họ không giống như mình. Họ không quan tâm lẫn nhau. Ai đi mặc ai, ai về mặc ai.

Cô vợ vẫn ở lại Úc, hưởng chế độ đãi ngộ của 1 công dân Úc có chồng về hưu. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến. Cô ta có bồ, một ông người Úc khác, trẻ hơn, khoẻ hơn ông chồng già ở Việt Nam. Giáng sinh năm ngoái, cô ta dẫn ông bồ về Việt Nam chơi. Oái ăm thay, ông chồng già bị đá ra khỏi nhà. Nhà ả ta đứng tên, ả muốn ông chồng già ra ngoài sống trong thời gian ả ta và nhân tình về chơi tại Việt Nam. Thói đời! Ông chồng già ngậm đắng, nuốt nghẹn gói ghém đồ đạc ra khách sạn ở. Nghe nói, ả ta sẽ trả tiền khách sạn cho ông chồng... nhưng ai mà biết được.

Ông chồng già lại tiếp tục đi bar hằng đêm. Tại đây, ông có rất nhiều bạn bè quốc tế từ Úc, Anh, Mỹ... Gặp ai, ông cũng kể chuyện cô vợ Việt của mình. Ai nghe cũng lắc đầu ngán ngẩm. Ông Úc già cũng chán nản. Nhiều lần ông say xỉn đến quên đường về vì không thể nào li dị được. Cô vợ không chịu ký vào đơn li hôn.

Ông chồng già có một cậu con trai, tuổi cũng gần bằng tuổi của cô vợ Việt này. Một ngày không đẹp trời, cô ta lại tỉ tê, dụ dỗ cậu con riêng của chồng bằng một thoả thuận. Cô ta muốn câu con riêng về Việt Nam, cưới cô em gái của ả - người đã có chồng con và đang sống cùng ông Úc già - và dẫn mẹ con cô em gái ả sang Úc. Nếu việc thành công, cô ta sẽ sang tên tài sản nhà đất cho .... cô em gái!!!!!
Nghe thật nực cười!

Đấy, thế đấy.... Mình nghe xong cũng chỉ biết lắc đầu....


Melbourne, July 10th, 2015
An Nguyen

[*] Nghe nói luật bây giờ đã thay đổi. Người nước ngoài sinh sống 5 năm tại Việt Nam thì có thể đứng tên chủ quyền sở hữu tài sản nhà đất. Mình chưa có thời gian để kiểm chứng thông tin này. 

Thursday, July 9, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 1 - Kết hôn với gái Việt

Chuyện kể lại...

Có một ông người Việt nọ, sống ở Úc được hơn 20 năm. Ông ta về Việt Nam cưới vợ và chính thức dẫn cô nàng sang Úc vào đầu năm ngoái. Không rõ ông ta bao nhiêu tuổi nhưng có lẽ là cũng đứng tuổi. Cô vợ thì còn trẻ và xinh xắn lắm. Họ có với nhau một đứa con. Nhìn ngoài trông vào, những tưởng là họ sống hạnh phúc lắm. Cũng không ai biết được ẩn tình bên trong ra sao....Thế mà, mới sang Úc được vài tháng, cô vợ đã cặp bồ ngay với một anh chàng bản địa. Kể từ ngày sang Úc, cô vợ chỉ ở nhà chăm con và chăm chồng. Ông chồng thì hàng ngày nai lưng ra làm để chăm vợ con. Ấy vậy mà, ngày chồng đi làm, cô ta đưa nhân tình về nhà.... làm gì ai biết!!!!
Thật không thể nào hiểu được con người ta?!?

Một câu chuyện khác
Có một ông người Iran, sang Úc định cư đã lâu và có cửa hàng kinh doanh lớn. Hơn 6 năm trước, ông ta cũng về Việt Nam cưới vợ - cô N - và dẫn cô nàng sang Úc. Họ có với nhau 2 mặt con (1 trai 1 gái). Năm ngoái, ông ta phát hiện ra chuyện tày đình của vợ mình. Ông ta kể:
         Một ngày nọ, ông nhận được điện thoại của M - cô bạn của N. Cô M kể cho ông nghe một sự thật đã được vợ ông che giấu khá kỹ. Cô ta kể ông nghe rằng ở Việt Nam, vợ ông đã có chồng và có 1 câu con trai 15 tuổi. Câu con trai đang ở cùng với bố. Ông ta bảo, ông ta cực sốc khi nghe tin này, vì trước khi cưới, cô nàng N bảo là cô nàng còn độc thân. Cô M lý giải, trước khi cưới, cô N đã làm đơn li dị với chồng và thay đổi giấy khai sinh của cậu con trai, cốt chỉ để chứng minh là cô nàng N còn độc thân.
         Chính vì tin vào những điều đó, nên ông ta đã cưới nàng N và dẫn nàng về dinh. Ông ta vô cùng hạnh phúc khi hai đứa con lai lần lượt ra đời. Cùng lúc đó, cô nàng N dần dần có bạn, và thân nhất là cô M. Cho nên, mọi chuyện trong cuộc sống hằng ngày, cô thường tỉ tê hết với M. Thế nhưng, ai biết được, đằng sau cái sự tỉ tê đó lại có gì đó ẩn chứa bên trong.
        Khi đã thân thiết với M, cô N "làm mai làm mối" cho M với chồng cũ. Một ngày đẹp trời, M về Việt Nam kết hôn với chồng cũ của cô N và dẫn anh này cùng cậu con trai sang Úc. Kế hoạch thành công ngoài mong đợi! Lúc này, cô M vẫn chưa biết sự thật, vì M cũng là 1 "nạn nhân".
        Song song với đó, khi đã có quốc tịch Úc, cô N đã làm thủ tục đoàn tụ cho cả gia đình cô ta, ý là cha mẹ của cô ta. Và tất cả họ đã sang được Úc và đang sống cùng trong một tiểu bang.
        Một ngày nọ, cô M phát hiện ra "chồng hờ" ngoại tình với một cô nàng khác, không phải N. Sau nhiều lần "phá hoại" tình nhân của "chồng hờ" không thành, cô nàng M tìm cách trả thù.... Không hiểu làm thế nào mà cô M đã moi ra được "tuyệt mật" của cô N. Dĩ nhiên, cô ta cũng sốc và quyết nói hết sự thật cho ông chồng người Iran.
         Kế hoạch đổ bể.... Ông chồng người Iran đem câu chuyện này trình báo lên Bộ di trú và đề nghị trục xuất cả nhà cô vợ N về nước. Sự việc vẫn đang được Bộ di trú điều tra.

Những trường hợp như vậy không hiếm ở Úc, và có lẽ là cũng không hiếm ở các nước phát triển khác. Việc họ làm đã ảnh hưởng không ít đến danh tiếng người Việt, nhất là phụ nữ Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Ngẫm lại, vì đâu mà con người ta dễ dàng lừa lọc nhau đến vậy? Đến với nhau vì cái gì? Một chút chân thành thật khó kiếm! Cái gọi là "tự trọng" đã không còn trong từ điển của họ nữa chăng? Hạnh phúc hôn nhân thật mong manh....


Melbourne, July 9th, 2015
An Nguyen