Tuesday, April 29, 2014

Thời của tin đồn: Thế giới không nằm ngoài “mê trận”

Bởi TGGD | Thế Giới Gia Đình – 10:48 ICT Thứ năm, ngày 25 tháng tư năm 2013

Bạn đừng tưởng chỉ có người Việt Nam mới bị “rúng động” bởi lời đồn, người dân trên thế giới nhiều khi cũng “mất ăn mất ngủ” vì những “lời rỉ tai” thiếu căn cứ. 
Ảnh mang tính chất minh họa

Trái đất đến ngày tận thế
Ngày 21-12-2012 chỉ là mốc thời gian đánh dấu ngày kết thúc một chu kỳ 5.125 năm trong lịch của người Maya. Thế nhưng, ngày đó lại được đồn là “ngày tận thế” của nhân loại. Hàng nghìn người dân khắp nơi trên thế giới đã đổ xô “chạy nạn” đến các vùng được xem là nơi an toàn nhất khi thế giới “kết thúc” như thành phố Merida (Mexico), thánh địa Chichen Itza (Mexico) của người Maya cổ đại, làng Bugarach (miền Nam nước Pháp), thị trấn Sirince (Thổ Nhĩ Kỳ)...
* Bóc mẽ tin đồn:
Ngày 21-12-2012 đã trôi qua một cách yên bình. Hậu duệ người Maya đã có một loạt các hoạt động kỷ niệm ngày kết thúc chu kỳ 5.125 năm trong bộ lịch cổ của dân tộc mình. Nhờ tin đồn này, kỹ sư người Mỹ - Ron Hubbard, đã kiếm bộn tiền nhờ xây dựng hầm trú ẩn ở Montebello, California (Mỹ). Những căn hầm được thiết kế sang trọng và tiện nghi với giường ngủ, bếp, toilet... và giá bán mỗi cái hầm vào khoảng 46.000 bảng Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng).
Coca-Cola Trung Quốc có chứa chất diệt nấm
Tháng 1-2013 vừa qua, công ty Coca-Cola Trung Quốc đã yêu cầu cảnh sát nhập cuộc điều tra tin đồn sản phẩm nước cam của hãng này có chứa thuốc diệt nấm. Hãng này cho biết tin đồn trên có thể bắt nguồn từ chuyện công ty phát hiện ra Carbendazim, chất bị cấm sử dụng cho cây cam quýt ở Mỹ nhưng đã được Brazil, nơi sản xuất nước cam chính cho thế giới, sử dụng để chống nấm mốc trên cây cam ở Brazil. Tin đồn này đã làm ảnh hưởng đến doanh thu bán hàng của Coca-Cola Trung Quốc.
* Bóc mẽ tin đồn:
Coca-Cola Trung Quốc đã gửi mẫu thử sản phẩm nước cam của họ tới Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) để tiến hành xét nghiệm. Cơ quan này đã khẳng định mẫu thử Coca-Cola chứa lượng Carbendazim cực nhỏ, không thể đo được. Tin đồn Coca-Cola Trung Quốc có chứa chất diệt nấm nhờ thế mới lắng đi.


Bắt tay xong, "của quý" bị thu nhỏ rồi... biến mất
Gần đây, nhiều ngôi làng nhỏ ở Trung Phi và Tây Phi xôn xao về nạn đánh cắp “của quý” giữa ban ngày. Theo lời các nạn nhân, “kẻ lạ mặt” xuất hiện trong những ngôi làng nhỏ, mua tách trà rồi bắt tay với chủ quán làm dương vật chủ quán thu nhỏ, biến mất. Tính đến nay, ít nhất 56 người ở châu Phi lên tiếng về việc dương vật mình bị "đánh cắp" khiến nhiều người hoang mang, lo sợ.
* Bóc mẽ tin đồn:
Thật ra, không có ai có thể lấy đi “con giống” đàn ông chỉ qua cái bắt tay hoặc va chạm. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Culture, Medicine and Psychiatry, đây chỉ là chứng rối loạn tâm thần có tên koro, thường gặp ở đàn ông. Người bị bệnh tin rằng bộ phận sinh dục của mình co rút hoặc ẩn vào trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ phục hồi trong vòng một vài giờ hoặc vài ngày sau khi được thuyết phục rằng “bệnh” không tồn tại.
Thu Phương - Lê Thoa
--------
Cá nhân bị đồn có thể khởi kiện
Tình trạng tung tin đồn thất thiệt xảy ra rất phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn rất hạn chế. Dưới góc nhìn về mặt pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM cho biết thêm về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM


Thưa ông, ảnh hưởng của tin đồn đến đời sống người dân là không nhỏ. Vậy việc xử lý người tung tin đồn quy định theo luật pháp của nước ta là như thế nào?
LS. Nguyễn Văn Hậu: Do nội dung đa dạng của các loại tin đồn, cùng với tính chất, ý chí chủ quan, mức độ, hậu quả khác nhau mà việc xử lý cụ thể sẽ khác nhau. Người tung tin đồn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm các quyền dân sự, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nếu xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hành chính điều chỉnh. Thậm chí người tung tin sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Là nạn nhân của lời đồn, một cá nhân có đi thưa kiện được không?
LS. Nguyễn Văn Hậu: Việc tung tin đồn có thể gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tài sản của một tổ chức, cá nhân cụ thể. Tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu người tung tin đồn thất thiệt phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do tin đồn gây ra theo quy định tại Điều 25 và Điều 604 của Bộ luật Dân sự 2005. Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ mà có thể xử lý người tung tin đồn vào tội phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội theo Điều 86 của Bộ luật Hình sự, tội vu khống theo Điều 122 của Bộ luật Hình sự, tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán theo Điều 181a của Bộ luật Hình sự.
Việc xử lý tin đồn hiện nay là rất hạn chế. Theo ông là vì sao?
LS. Nguyễn Văn Hậu: Có sự khó khăn là truy tìm ra người thực sự tung tin đồn thất thiệt, cũng như việc chứng minh thiệt hại và làm rõ ý chí chủ quan của người tung tin đồn thất thiệt. Theo tôi, nên quy định một điều chung về xử lý hình sự, xử phạt hành chính đối với người có hành vi tung tin đồn thất thiệt và nếu phù hợp với việc xử lý ở từng lĩnh vực cụ thể thì mới căn cứ vào các quy định chuyên ngành để xử lý.
Thưa ông, mức phạt cao nhất với các loại tin đồn hiện nay là bao nhiêu. Mức phạt này có đủ sức răn đe?
LS. Nguyễn Văn Hậu: Hiện nay mức chế tài cho hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật cao nhất chỉ 70 triệu đồng. Còn mức phạt tối đa 2 tỷ đồng chỉ mới nằm trong dự thảo. Như vậy là quá thấp và không đủ để răn đe.
Mai Anh (ghi)
----------
Do tác động tâm lý
Tin đồn là một khái niệm thuộc về xã hội học. Nó khác với dư luận xã hội. Tin đồn là sự khẳng định chung của một nhóm người về một vấn đề nào đó của xã hội có thể có thực hoặc không có thực, nhưng không có dữ liệu để kiểm chứng. Về vấn đề vì sao người ta lại tin vào tin đồn, TGGĐ đã nhận được ý kiến chia sẻ của chị Nguyễn Thị Từ An - Giảng viên Khoa Xã hội học, trường Đại học Bình Dương.
Chị Nguyễn Thị Từ An Khoa Xã hội học trường Đại học Bình Dương


Chị An cho rằng, con người là một thực thể tâm lý xã hội, tiềm ẩn trong họ là tính tò mò và muốn khám phá hết những gì được xem là “bí mật”. Càng “bí mật” thì càng có những tin đồn rộ lên nhằm cố gắng giải mã điều còn chưa rõ đó. Đây cũng chính là nhu cầu muốn tìm hiểu sự thật nhằm thỏa mãn tính tò mò trước các thông tin chưa rõ ràng. Chính vì sự cố gắng lý giải này đã dẫn đến các hiện tượng tự thỏa mãn bằng cách thổi phồng hoặc thêm thắt những tình tiết được cho là có lý bởi nhận thức chủ quan của người truyền tin.
Người ta nghe và tin vào tin đồn không phải vì câu chuyện trong tin đồn là thật hoặc có thể chứng minh là sự thật, mà là vì câu chuyện đó làm thỏa mãn nhu cầu của cả người nghe chuyện và người kể chuyện. Đôi khi, người kể chuyện muốn đạt được một vị trí nào đó đối với người nghe nên đã “chế biến” câu chuyện, xuyên tạc câu chuyện theo cách thức làm vui lòng người nghe. Thông thường, mục đích của tin đồn không phải là truyền bá tin tức mà chỉ là muốn truyền cho người nghe một thái độ tình cảm tương tự đối với tin tức mà người kể đã nghe và cảm nhận.
An Yên (ghi)
(Theo Tạp chí Thế Giới Gia Đình)

No comments:

Post a Comment