Wednesday, April 30, 2014

Đi thang máy

Đang đứng đợi thang máy 1 mình ở 1 toà nhà. 15 giây sau, có 1 nhóm người châu Á (chắc chắn là sinh viên) tới và cùng đợi.

Thang máy mở, 4-5 người mắt xanh tóc vàng bước ra, nhìn mình và mỉm cười (dĩ nhiên là cười lại rùi ^^).

Mình chuẩn bị bước vào thì bị nhóm bạn kia chen chân, chạy vào trước. Mình lùi lại, định bụng là đi sau (cho an toàn)

Thình lình, 1 cô (trong nhóm vừa bước ra lúc nãy), thấy tình thế chướng mắt chăng?, quay lại và chỉ vào bọn chen thang máy, cô ấy nói:

You all should wait for the lady with disability comes fisrt! (Giọng có vẻ tức giận)

Và thế là "mấy ẻm" cúi mặt bước ra, mình bước vào và cảm ơn cô ấy 

Rồi chợt nhớ, bao nhiêu lần đi thang máy ở trường mình mà chột dạ. Hix... người châu Á là vậy sao?!?

P/S: Ở đây không quơ đũa cả nắm nhé! Dĩ nhiên vẫn có nhiều người Châu Á nhưng rất văn minh ^^
 

Tuesday, April 29, 2014

Chiếc bao có lỗi

Bữa cơm thiếu người



Bởi TGGD | Thế Giới Gia Đình – 15:08 ICT Thứ sáu, ngày 26 tháng tư năm 2013


Vì đặc trưng của xã hội, hệ thống trường học, cơ hội nghề nghiệp, sự đầu tư đa dạng, quy mô các ngành nghề, giao lưu văn hóa... thường tập trung ở những thành phố lớn nên mỗi năm, lượng người nhập cư vào các thành phố này để học, lập nghiệp ngày một tăng. Bởi xu hướng này mà nhiều gia đình bị xé lẻ, phân thành những gia đình nhỏ; cha mẹ ở quê, con cái sống và làm việc ở nơi khác… và TGGĐ gọi những gia đình như thế là “gia đình nhiều mảnh”.



Trong bữa cơm của những “gia đình nhiều mảnh” thường xuất hiện muôn vàn câu chuyện về lòng tin, về những mâu thuẫn tình thân, tiền bạc… khiến người trụ cột nhiều phen đau đầu.
Mỗi khi có dịp sum họp trên bàn ăn, các thành viên trong gia đình chị Vy Khang (26 tuổi, Q. 3, TP. HCM) thường đùa: “Nhà mình bốn người mà có tới bốn nồi cơm riêng!”...
Gia đình chia 5, xẻ 7

Dân số TP. HCM giữa năm 2010 là 7.396.446 người, tăng hơn 3 triệu người so với năm 1979.
(Theo số liệu của Tổng cục Thống kê TP. HCM)
Nghe chị Khang kể chuyện nhà, phóng viên không khỏi ngạc nhiên và ái ngại. Hiểu thái độ của người đối diện, chị Khang bình thản giải thích: “Bố tôi vốn làm việc ở Cần Thơ, mẹ thì cũng có công việc ở Sóc Trăng. Khi tôi tốt nghiệp cử nhân và ở lại TP. HCM lập nghiệp thì cũng là lúc em trai lên đây học đại học. Thành ra, gia đình tôi, dù rất hạnh phúc nhưng một năm chỉ đoàn viên được vài lần”...
Ghé thăm nhà anh An Nguyên (29 tuổi, nhân viên kinh doanh, Q. Bình Tân), chưa kịp hỏi chuyện, chúng tôi đã thấy anh lật đật làm việc quen thuộc mỗi ngày là gọi điện thăm hỏi người thân. Ba mẹ anh Nguyên (hiện đang sống ở tỉnh Khánh Hòa) có ba người con trai nhưng ông bà lại đang “tự chăm nhau” vì con cái mỗi đứa một nơi. Anh Nguyên sống ở TP. HCM, hai cậu em kế còn độc thân, một người làm việc ở Tây Ninh, người còn lại học nghề ở Bình Dương. Bởi thế, mỗi ngày anh Nguyên phải dành ít thời gian gọi điện hỏi thăm từng người...
Vì miếng cơm, vì chuyện học mà những người như anh Nguyên, chị Khang phải sống xa ba mẹ, định cư, xây dựng cho mình một gia đình nhỏ ở nơi khác. Dù vậy, họ vẫn không thể lờ đi nghĩa vụ yêu thương và chăm sóc mảnh gia đình còn lại, là ba mẹ, anh chị ở quê. Vậy là, mặc cho mỗi ngày không thể cùng ngồi ăn cơm chung nhưng họ vẫn phải chăm sóc tinh thần ba mẹ bằng cách gọi điện thăm hỏi mỗi ngày; chu cấp hay phụ thêm kinh tế hằng tháng.



Gia đình phân tán mỗi người một nơi nhưng vẫn sống cùng một nước đã ít người muốn; có những người còn phải sống xa nhà, cách người thân cả đại dương mênh mông. Có thể kể đến trường hợp của anh Thanh Quang (34 tuổi, nhân viên cơ khí, đang sống ở Nhật). Nhờ thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật nên sau 3 năm làm việc ở TP. HCM, anh Thanh Quang được đề bạt chức trưởng văn phòng đại diện của công ty tại Nhật Bản. Sang Nhật làm việc rồi lập gia đình, anh Quang để lại căn chung cư ở Q. Thủ Đức đã mua khi còn làm việc tại TP. HCM cho ba mẹ và em gái từ quê lên sống.
 Theo ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, từ năm 2004 - 2009, Bến Tre là tỉnh có tỷ suất xuất cư cao nhất, 78,3 nghìn người. Đứng sau đó là Hà Tĩnh (76 nghìn người), Vĩnh Long (74,4 nghìn người)... Xu hướng xa quê đến nơi khác lập nghiệp, sinh sống và học tập là nguyên nhân tất yếu phá vỡ cấu trúc cơ bản của gia đình. Từ một gia đình lớn tạo thành nhiều nhánh nhỏ.
Gánh nặng kinh tế
Nếu xét đến hệ quả của việc các gia đình lớn bị phân mảnh thành những gia đình nhỏ thì gánh nặng về kinh tế là điều đầu tiên cần lưu tâm. Trước hết, kinh tế sẽ trở thành mối lo với những ai là trụ cột gia đình. Bởi lẽ, họ vừa phải chu toàn điều kiện sống cho gia đình riêng, vừa phải chu cấp tiền cho những “mâm cơm” khác, đó là ba mẹ, anh chị em ruột…
Chuyện của anh Nguyên là một ví dụ. Hôm chúng tôi đến nhà, anh vừa tiếp chuyện, vừa ngồi... đếm tiền rồi giải thích: “Khoản dày nhất tôi gửi cho ba mẹ, còn lại thì phụ chút tiền ăn cho thằng Út, cậu em kế làm lương bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, có tháng còn xin thêm. Cũng may vợ không tính toán chi li, nếu không chắc tôi phải lập “quỹ đen” mới đủ cho gia đình lớn”.
Cố gắng chu cấp tiền bạc đủ đầy mỗi tháng vẫn chưa phải là cái vấn đề nặng đầu nhất với người trụ cột trong những gia đình nhiều mảnh thế này. Điều quan trọng hơn đó là việc họ chỉ có thể chu cấp tiền bạc chứ không thể quản lý hay định hướng người thân của mình xài cho đúng, cho đáng. Không ít người vì chẳng phải vất vả lo kế sinh nhai và có sẵn tiền tiêu xài nên đôi khi cũng sa lầy vào thói quen xấu.



Anh Quang trong câu chuyện trên kể, ngày trước, mỗi tháng anh phải gửi về cho gia đình 4 triệu đồng phí sinh hoạt. Tưởng vậy là xong, ai ngờ cô em gái ngoài 30 của anh lại đòi dọn ra ngoài ở trọ cùng bạn để tiện cho việc đi học các lớp ngoại khóa. Thế là anh Quang bị ép vào thế phải gửi thêm tiền học, tiền trọ cho em gái. Nhà cửa quạnh vắng, mẹ anh Quang thấy buồn nên sang nhà hàng xóm giao lưu rồi sẵn tiện “gầy sòng” kiếm tiền chợ.
Còn ba anh Quang, vì quản không được vợ con nên nhất quyết về quê sống, điều đó đồng thời khiến anh Quang lại phải gánh thêm việc chu cấp phí sinh hoạt cho ông cụ. Cố gắng làm lụng để dành tiền lo cho người thân không làm anh Quang thấy sợ. Điều anh băn khoăn là mẹ mình có nguy cơ trở thành con nghiện bài bạc, em gái anh có thể bị bạn xấu dụ dỗ lấy tiền hay việc ba anh sống một mình sẽ dễ gặp nguy hiểm về sức khỏe do tuổi cao.
Vẫn biết để đảm bảo kinh tế gia đình, tìm đến tương lai tươi sáng, nhiều người phải tách khỏi tổ ấm lớn để đi lập nghiệp phương xa. Tuy nhiên, nếu không có sự thống nhất, cảm thông, thấu hiểu từ cả người đi lẫn người ở thì ngoài gánh nặng kinh tế trĩu vai, các mảnh gia đình sẽ có thêm nỗi lo, thậm chí là sự rạn nứt tình thân khi mỗi người ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Như chuyện nhà anh Quang, anh Nguyên, cả hai người phải gồng gánh tránh nhiệm kinh tế với từng mảnh gia đình trên vai từ khi còn độc thân cho đến lúc lặp gia đình.
Vết rạn nứt ngầm
Là người sống tình cảm nên chị Vy Khang rất sợ cảnh cả mọi người sống xa nhau khiến tình cảm gia đình phai lạt. Vậy là chị Khang luôn phải chủ động tìm cách gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. “Có lần về quê, tôi phát hiện bố mẹ đang có mâu thuẫn, giận hờn… Thế là tôi phải khẩn trương trò chuyện với từng người, tìm nguyên do, rồi lựa lời nói ra nói vào, giúp họ hàn gắn tình cảm. Con cái chính là cầu nối quan trọng trong chuyện tình cảm của bố mẹ mà! Còn may là dù sống xa nhau nhưng gia đình tôi vẫn đầm ấm vì mỗi thành viên đều ý thức được việc giữ gìn mái ấm của mình, nếu không tôi chẳng biết nhà mình sẽ ra sao”, chị Khang chia sẻ.
Dù nhiều người sống xa gia đình vẫn có ý thức duy trì sự gắn kết tình thân, nhưng đôi khi có nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan khiến việc quy gia đình về một mối khó khả thi. Có thể kể đến chuyện nhà anh Nguyên, mặc dù ngày nào anh và hai em trai cũng thay phiên gọi điện cho ba mẹ, nhưng anh vẫn thấy lo lắng khi cha mẹ già mà phải lụi cụi chăm nhau. Năm ngoái, vợ chồng anh nằng nặc mời ba mẹ vào TP. HCM sống nhưng sau ba tháng ở chăm cháu nội, mẹ anh quyết về quê sống luôn vì không chịu được nhịp sống căng thẳng, hối hả và ngột ngạt ở một thành phố lớn như TP. HCM.



Trường hợp của anh Quang thì lại càng khổ tâm hơn. Mỗi năm, anh chỉ về nước được 10 ngày nên lịch trình ở Việt Nam luôn được anh sắp xếp rất chặt chẽ, chi tiết. Vậy mà nhiều lần về nước, mọi kế hoạch của anh đều vỡ, thời gian không đủ để đi chơi thư giãn vì bị mẹ và em gái giữ chân để kể tội chồng/ba mình. Còn riêng ba anh, mỗi lần con về nước là ông lại bắt anh đưa mình sang Nhật sống...
Vợ anh Quang thấy chồng hay đau đầu chuyện tiền bạc nên cũng tỏ vẻ bực mình, vì dường như trong mắt mọi người, chồng chị chỉ là “kho bạc” để họ thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Có lần, vợ anh Quang khuyên: “Một là anh bán nhà dưới quê, hai là bán chung cư để ba mẹ về quê sống. Em nghĩ cách thứ hai hợp lý hơn vì cả nhà đã có khoảng thời gian dài sống dưới quê rồi!”. Hiểu ý vợ nhưng anh Quang không thể làm khác vì ba mẹ anh chẳng ai chịu nhường, cô em gái thì nằng nặc đòi sống ở Sài Gòn dưới sự chu cấp của anh trai. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng anh Quang cũng bắt đầu có những “cuộc chiến”, bởi hai vợ chồng đang có kế hoạch sinh con thứ 2. Bên hiếu bên tình, anh Quang cũng khó lòng tính cho tròn vẹn...

Anh Quang phải chịu nhiều áp lực tinh thần, kinh tế.


Vì nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà nhiều gia đình bị chia nhỏ, xé lẻ như những câu chuyện vừa nêu. Và tất nhiên không thể thiếu việc do khoảng cách địa lý, thiếu cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ, mối dây liên kết thâm tình dễ bị mỏng dần. Nếu bất cứ ai cũng viện cớ “lo cho cuộc sống” mà để cho tình thân bị đứt đoạn thì những gia đình thế này sẽ bị “vụn” đi trong nhịp sống hiện đại đầy hối hả.
QUỲNH CHI - A. HÂN
----------
Chúng tôi có ý kiến
Nhiều mảnh là bình thường
Khi ra trường, tôi nhất định sẽ bám trụ ở TP. HCM và xây dựng gia đình riêng của mình ở đây. Tôi nghĩ thời bây giờ, việc gia đình bị chia thành “nhiều mảnh” cũng là điều bình thường, nơi nào có điều kiện phát triển thì mình ở thôi! Tôi thuộc típ người sống thiên về tình cảm, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với chuyện “ba mẹ sống ở đâu, con cái phải ở đó” và ngược lại. Thật lòng, tôi vẫn muốn ba mẹ sống ở quê vì nó hợp với tính cách, con người của họ. Nếu bạn thực sự thương yêu ba mẹ thì dù ở gần hay ở xa, bạn cũng luôn tìm cách làm cho họ cảm nhận được tình yêu của mình.

Võ Văn Tạo (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Mở TP. HCM)


Võ Phương Anh (25 tuổi, thông dịch viên, Q. Gò Vấp)

Không thích “xé lẻ”
Tôi thích sống cùng gia đình nên lúc nào cũng muốn ba mẹ, anh chị em cùng ở chung nhà. Có điều, ba mẹ thấy cuộc sống ở
TP. HCM không hợp với tuổi già thì tôi tôn trọng ý định của họ. Bù lại, vợ chồng tôi thường xuyên về quê thăm ba mẹ và ông bà hài lòng về điều đó. Tôi thường thủ thỉ với chồng là mình không thích việc gia đình bị “xé lẻ” nếu đó chưa phải là giải pháp tốt nhất cho các thành viên. Vì vậy, vợ chồng tôi đang và sẽ cố gắng hết sức để con cái luôn ở bên cạnh mình, chứ nhìn cảnh những người già lặn lội dưới quê, tay xách nách mang đồ đạc lên thành phố thăm con cháu, tôi thương lắm!



Yêu thương là chính
Nếu không vì việc học hành, sự nghiệp của con thì chẳng ba mẹ nào muốn “chia nhỏ” gia đình mình. Có con cái bên cạnh, ba mẹ dường như có động lực để sống tốt hơn, nhất là không thấy cô đơn trong tuổi già. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu ba mẹ - con cái hợp tính thì việc “quy về một mối” là điều nên làm. Còn trường hợp ba mẹ - con cái suốt ngày cãi nhau thì việc “chia nhỏ” lại là giải pháp hay. Tôi không quan trọng việc con cái sống chung hay riêng với ba mẹ, mà cốt yếu là tụi nó có yêu thương ba mẹ hay không. Nếu con cái luôn dành tình cảm tốt đẹp cho đấng sinh thành thì mùa nào cũng là mùa xuân.

Nguyễn Văn Long (55 tuổi, xe ôm, Q. 12)

 AN YÊN
----------
Gia  đình nhiều mảnh: Xu hướng của thời đại
Gia đình vốn được xem là tổ ấm của mỗi người, là nơi mang lại sự ấm áp trong mỗi bữa cơm, khi có đủ tiếng cười của cả nhà. Thế nhưng, sự ấm áp đó đang vơi dần đi vì ảnh hưởng của đô thị hóa. 



Chúng ta thường nghe nói đến khái niệm di dân và hệ quả của di dân đối với nơi đến, chẳng hạn như quá tải dân số đô thị, vấn đề việc làm... Nhưng hiếm có ai nghĩ đến một khía cạnh khác của di dân, đó chính là việc các gia đình bị “chia nhỏ”, các thành viên sống ở những vùng địa lý khác nhau và không còn nhiều những bữa cơm sum họp mỗi ngày.

27,41% dân số sống tại nội thành TP. HCM là dân nhập cư từ các tỉnh khác.
(Số liệu năm 2009 của Tổng cục Thống kê)
Hệ quả tất yếu của đô thị hóa
Có thể nói, học tập là một trong những lý do của việc di dân và khiến các gia đình bị xé nhỏ. Với số lượng lớn các trường đại học đóng tại các thành phố trung ương, chúng ta dễ dàng hình dung ra được hình ảnh: Mỗi sinh viên đến thành phố nhập học nghĩa là một gia đình ở thôn quê đã bị xé lẻ. Đa phần, với các bạn sinh viên vào các thành phố lớn học tập, sẽ có rất ít người trong số họ có mong muốn trở lại xây dựng quê hương sau khi tốt nghiệp. Họ thường ở lại tìm việc tại thành phố, vì thông thường, với đa phần các ngành nghề, sinh viên sẽ có rất ít có cơ hội cũng như môi trường làm việc như ý nếu quay về quê nhà.
Thêm vào đó, dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa như hiện nay, một mặt, đời sống kinh tế xã hội phát triển vượt bậc, nhưng mặt khác, đô thị hóa cũng có những tác động không nhỏ đến mô hình gia đình. Từ các gia đình đa thế hệ nay đã chuyển dần sang mô hình những gia đình hạt nhân (hình thái gia đình gồm có bố, mẹ và con cái còn nhỏ tuổi). Tuy nhiên, trong mô hình gia đình hạt nhân ấy, đôi khi cũng không được vẹn toàn. Bởi lẽ, nó đã bị “chia năm xẻ bảy” vì các thành viên phải đi tìm kế sinh nhai. Mọi thứ dường như bị cuốn vào vòng xoáy của sự phát triển kinh tế và di dân là điều không thể tránh khỏi.



Tương lai tiếp tục phân mảnh
Có thể nói, di dân là một trong những hệ quả của quá trình đô thị hóa nông thôn. Trong thời gian tôi làm một đề tài nghiên cứu tại Bình Dương, Cà Mau và Trà Vinh, hầu hết những người trong nhóm khảo sát đều phải đi làm ăn xa, phần đông trong số đó là thanh niên. Và TP. HCM được xem là “thiên đường” cho mọi công dân. Một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao họ lại phải xa gia đình, xa quê hương để đi làm ăn xa?
Câu trả lời là việc mất đất nông nghiệp ở nông thôn khiến cho những người nông dân lớn tuổi trở nên “nhàn rỗi”, thanh niên thì bỗng dưng trở thành người thất nghiệp. Gánh nặng áo cơm buộc họ phải xa gia đình, phải đi làm ăn xa nơi xứ người nhằm kiếm tiền nuôi thân và hỗ trợ cho gia đình, điều này dẫn đến việc gia đình bị phân mảnh. Khi hỏi các bậc sinh thành về việc con mình đi làm ăn xa, hầu hết họ đều không mong muốn con cái phải xa cha xa mẹ như thế. Nhưng vì cuộc sống, vì hoàn cảnh, họ đành nuốt nỗi thương nhớ con vào trong và cầu mong cho con cái khỏe mạnh, bình yên nơi xứ người. Thiết nghĩ, với tốc độ đô thị hóa nông thôn hiện nay, xu hướng “gia đình nhiều mảnh” này sẽ còn tăng cao trong tương lai.
ThS. Nguyễn Thị Từ An (Giảng viên khoa Xã hội học, trường Đại học Bình Dương)
----------
Gia đình nhiều mảnh: Những sai lầm vô tình
Việc lệch pha trong lối sống, thói quen sinh hoạt (do sống ở những nơi khác nhau) giữa các thành viên trong gia đình đôi khi chính là nguyên nhân khiến các “mảnh ghép” tách rời nhau xa hơn. Chỉ cần chú ý đến những sai lầm vô tình này và tránh lặp lại thì dù gia đình nhiều mảnh vẫn hạnh phúc...



Ba mẹ
- Cằn nhằn khi thấy con nghe điện thoại, dùng laptop thường xuyên trong những ngày về quê thăm mình, bất chấp thực tế là con cái cũng cần giải quyết công việc gấp.
- Ép con cái sống theo khuôn phép ở quê như ngày trước, từ thói quen ngủ, nghỉ đến cách ăn mặc, sinh hoạt. Đồng ý là nhịp sống ở quê khác nhiều so với thành phố lớn, tuy nhiên, việc ăn mặc, ngủ nghỉ đôi khi cũng nên linh động, miễn sao con cái lẫn cha mẹ đều thấy thoải mái, vui vẻ là được.
- Khi con cái về quê, nhất là những đứa con ở xa, ba mẹ thường bắt con đi chào họ hàng, tổ chức ăn uống, tiệc tùng để thể hiện niềm vui. Việc này không sai nhưng bậc phụ huynh cần thông cảm rằng con cái đôi khi chỉ muốn dành thời gian ở bên cha mẹ, nghỉ ngơi chứ không muốn gặp... hàng xóm.



Con cái
- Giải quyết công việc là điều cần thiết, nhưng đã về quê thăm ba mẹ thì bạn cũng đừng mê việc đến độ ôm laptop, điện thoại cả ngày...
- Vì mệt mỏi với áp lực công việc, học hành ở thành phố mà cáu gắt với bố mẹ khi ở nhà. Lúc bố mẹ hỏi chuyện, góp ý lại không đón nhận với thái độ trân trọng.
- Cách ăn mặc, tóc tai quá phóng khoáng, hiện đại. Lúc về quê, nên chọn những kiểu quần áo không quá hở, mỏng, ngắn...
- Chỉ lo đi thăm, gặp gỡ bạn bè cũ, bỏ quên ba mẹ ở nhà. Khi được yêu cầu đi chào họ hàng thì khó chịu.
Nhân loại đang cô đơn hơn?
Nếu ở nước ta, khi bước vào tuổi 18, học đại học thì một số bạn trẻ mới bắt đầu sống tự lập thì ở phương Tây, những người trẻ thường sống tách biệt với gia đình từ rất sớm. Ở Mỹ, những ai đã đủ 16 tuổi đều có quyền xin “giấy thông hành” từ tòa án để được sống tự lập, không cần ở chung hoặc chịu sự giám hộ của người thân, với điều kiện phải nêu được lý do thuyết phục và được sự đồng ý của ba mẹ.
Trong trường hợp ba mẹ không ủng hộ việc con mình sống tự lập, tòa án sẽ xem xét khắt khe hơn những điều kiện khác, ví dụ như khả năng kinh tế, thể chất và mối quan hệ với gia đình của người nộp đơn. Nếu chứng minh được việc sống tự lập là tốt nhất cho mình hoặc kết hôn ở tuổi 18, gia nhập quân đội thì bạn sẽ nhanh chóng được tòa án phê duyệt quyền sống tách rời gia đình, không phải chịu sự quản giáo của ba mẹ.
Đa phần, những người sớm tách rời gia đình thường kết hôn rất sớm. Ảnh hưởng tích cực từ lối sống này là mỗi người phải học cách trưởng thành, có khả năng kiếm tiền để đi học, sinh sống và cân bằng được thời gian giữa việc học và làm nếu muốn có tương lai tốt hơn.
Song, điểm tiêu cực là những người sớm tách rời gia đình thường dạy con cái của họ sống cứng cỏi, tự lập hơn những đứa trẻ khác bởi họ không có nhiều thời gian cho con. Từ đó, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình hạt nhân kiểu này thường không có hoặc rất yếu, giữa ba mẹ và con cái thường xảy ra mâu thuẫn. Và điều tệ nhất là những đứa trẻ này hiếm khi nào về thăm ông bà, khi mà mối liên kết giữa ba mẹ và ông bà chúng vốn đã gãy vỡ từ lâu. Có nhiều trường hợp còn mất hẳn liên lạc với ông bà bên nội/ngoại hoặc chỉ xem việc đến thăm họ như là nghĩa vụ. Bởi, ngay từ bé, những đứa trẻ này đã không có được sự gần gũi, chăm nom từ phía ông bà... Do đó, xét về mặt tiêu cực, lối sống tự lập ở phương Tây đang vô tình làm tình cảm gia đình bị xé vụn nhiều hơn.
YẾN LY (lược dịch)
----------
Mảnh ghép hạnh phúc
“Gia đình nhiều mảnh” có thể coi là một xu hướng, hiện tượng tất yếu của cuộc sống đô thị hóa không ngừng. Và, việc mà chúng ta có thể làm là nỗ lực tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, sao cho mỗi người trở thành những mảnh ghép hạnh phúc làm nên bức tranh gia đình thật đẹp.



Nếu chưa biết cách tạo sự gắn kết, bạn có thể thử làm theo những gợi ý dưới đây:
Bên nhau là ngày hội
Bạn nên chủ động biến những ngày ở cạnh người thân thành ngày hội. Cả nhà cùng nấu ăn, trò chuyện, đi ăn ở ngoài, mua sắm hay đơn giản là cùng ngồi xem phim. Những điều này sẽ trở thành kỷ niệm ngọt ngào, giúp bạn ý thức được việc giữ gìn tình cảm gia đình, dù ở xa.
Duy trì liên lạc
Nếu ở xa, bạn nên thường xuyên gọi điện thăm hỏi người thân ở nhà. Những cuộc điện thoại đúng dịp, đúng lúc với những lời hỏi thăm chân tình sẽ ấm lòng người ở nhà đang nhớ nhung bạn. Bạn cũng nên chia sẻ cảm giác trống vắng khi xa nhà cho người thân biết. Đừng ngại “phàn nàn một chút” về những khó khăn của mình. Gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc cho bạn.
Thu xếp về thăm nhà
Những dịp lễ, Tết hay lúc nào có điều kiện bạn hãy cố gắng thu xếp về thăm nhà. Bởi đó là cơ hội quý giá để mọi thành viên gặp gỡ và ôn lại kỷ niệm.
Quà cáp gắn kết yêu thương
Nếu bạn không thể thu xếp thời gian, công việc để về thăm gia đình, thỉnh thoảng hãy gửi về nhà những món quà nhỏ. Ngoài những giá trị về vật chất, quà còn thể hiện sự quan tâm và tình cảm của bạn với gia đình. Hãy chọn những món quà đúng sở thích và là thứ mọi người đang cần. Những món quà đó sẽ nói cho người thân biết những tình cảm chân thành mà bạn dành cho họ.
Bạn cũng có thể gửi những bức ảnh mới của mình về cho người thân xem. Mọi người sẽ hình dung ra cuộc sống hằng ngày của bạn như thế. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi những bức ảnh cũ của gia đình mà bạn còn giữ, nhắc mọi người nhớ về kỷ niệm ngày xưa hơn. Một số người chỉ để ý đến việc tặng quà sinh nhật, lễ lạt cho bạn bè, đồng nghiệp, các mối quan hệ bên ngoài mà đôi khi quên bẵng đi các thành viên trong gia đình, đó là điều không nên!
Cuộc sống của mỗi người sẽ bình yên khi có gia đình. Gia đình sẽ luôn ấm áp khi bạn luôn biết chăm chút và sưởi ấm dù có khoảng cách về địa lý.
Võ Thị Minh Huệ Luật gia - Chuyên gia Tâm lý (Văn phòng tư vấn Tâm Lý Trẻ)
----------
Lựa chọn cuộc đời
Một thực tế không thể phủ nhận là hệ thống giáo dục sau trung học phổ thông ở nước ta phần nhiều chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Nhiều bậc phụ huynh muốn con mình sau khi học xong sẽ về quê công tác nhưng rất khó thuyết phục con. Về phần con cái, nhiều người cũng không biết làm thế nào để thuyết phục ba mẹ hiểu cho mình rằng, sống ở thành phố thì công việc, tài chính của họ mới có nhiều cơ hội phát triển.



Sự mâu thuẫn này chính là nguyên nhân khiến các mảnh ghép gia đình đã xa lại càng xa hơn. Vậy, làm thế nào để thống nhất quan điểm, đưa ra lựa chọn tốt nhất? Dưới đây là những gợi ý về một kế hoạch cho tương lai của những gia đình bị phân mảnh mà TGGĐ thu nhận được, xin chia sẻ cùng bạn đọc:
- Hai bên nên có thỏa thuận như: Sau 2, 3 năm làm việc ở thành phố, nếu công việc và lương bổng không có sự phát triển thì con cái phải nghĩ đến việc về quê định cư với bố mẹ. Ngược lại, bố mẹ phải chứng minh được công việc và điều kiện ở quê có nhiều điểm lợi, hấp dẫn nhất định.
- Trước khi cho con theo học ngành nào, ba mẹ cần xét đến khả năng tìm việc của ngành nghề đó. Nếu đã định hướng cho con theo học một ngành mà chỉ có khả năng phát triển ở thành phố thì ba mẹ nên ủng hộ con hết mình!

                                                                                                                                                  Thiên Thy
(Theo Tạp chí Thế Giới Gia Đình)

Vai trò giới trong gia đình người khuyết tật ở TPHCM



P/S: Để đọc toàn bài, vui lòng để lại địa chỉ email, tác giả sẽ gửi bài trực tiếp qua email.

Saigonese talk good and bad sides to city’s changing face

Trích:

Nguyen Thi Tu An, 24, student at the sociology department, HCM City University of Social Sciences and Humanities
I wasn’t born lucky with a disability in my legs and my family condition was not ideal to help me overcome challenges. My childhood was really tough since I had to struggle with society’s prejudice and insults. Though I still got through all of it and set my foot in a reputable university.
I can see that the situation has improved a lot. I know from my experience of being discriminated against when I was a little girl. In the near term, my urgent duty is to complete my studies with good marks.

But I’m planning after my graduation that I will call for a project to help disabled people, especially women. I want to participate in the city’s development. Other friends have their own plans to enrich or enlarge the city, but I have a plan to help people who are not lucky like me to get equal treatment and opportunities in the city’s noisy life.



Link: http://lienansaigonhotel.com/142_en_news__promotions.html

Không cúi đầu trước “giông tố”

Thứ hai, 22 Tháng 9 2008 10:18
  


“Hai tuổi, ba mất. Mẹ cũng bỏ đi biền biệt. Cậu mợ trở thành cha mẹ. Bốn tuổi, bị sốt bại liệt, từ đó đôi chân mình không còn cứng cáp như ban đầu.

Trước khi vào Trường Nhân văn, mình từng học một trường trung cấp khác. Ra trường, thấy kiến thức là chưa đủ, cậu, mợ cũng tạo điều kiện, mình thi vào Trường ĐH KHXH&NV”… Sinh viên (SV) Nguyễn Thị Từ An, năm 3 khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV tự bạch…

Nỗ lực học tập không ngừng

Năm ấy Từ An đoạt luôn vị trí thủ khoa kỳ thi ĐH vào Trường ĐH KHXH&NV. “Phong độ” học tập tiếp tục được giữ vững trong suốt những tháng ngày ngồi trên giảng đường. An liên tục nhận được bằng khen của trường, Trung tâm Hỗ trợ  SV  dành cho SV đạt thành tích học tập xuất sắc; nhiều học bổng học tập, học bổng Tiếp sức đến trường, học bổng của Quỹ “Cô Tấm ngày nay” dành cho người nữ có hoàn cảnh khó khăn và ý chí vươn lên trong lao động, học tập… Học giỏi như vậy, nhưng An thú nhận mình là SV ít chịu đi thư viện. Đổi lại, bạn luôn tranh thủ nắm bài ngay tại lớp. Ở nhà, An lập hẳn lịch biểu thật chi tiết cho tất cả công việc và học tập trong mỗi tuần. An tâm sự, ra ngoài đời mới thấy có nhiều hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Mình được đi học như vậy đã là một diễm phúc lớn.

Đồng hành cùng người khuyết tật

Xuất phát từ mối quan tâm đặc biệt và sự ưu ái dành cho người khuyết tật, An dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động hướng đến quyền lợi của những người có chung hoàn cảnh như mình. An tâm sự: “SV khuyết tật thường mặc cảm. Nhiều bạn ra đường thấy người ta cứ nhìn mình đã không dám ngước lên. Bản thân An hồi năm nhất cũng vậy, nhút nhát và tự ti lắm. Rồi An nghĩ, phải tự mình rút ra khỏi vỏ ốc bằng cách tham gia vào hoạt động xã hội. Ban đầu chưa quen, mệt và cực lắm. Nhất là khi mình lại có đôi chân không khỏe mạnh nữa. Tập đi xe máy như người ta đã là một khó khăn lớn rồi. Cực nhất là những lúc dừng đèn đỏ, vì chân yếu mới đầu đạp thắng không ăn, cứ ngã ra giữa đường. May mà những người đi đường tốt bụng giúp đỡ, sửa xe giùm…”. Hiện nay, An đang làm chủ nhiệm CLB SV khuyết tật - đồng hành của trường. Hoạt động của CLB cuốn hút được SV trường bạn như ĐH Bách khoa, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Khoa học Tự nhiên… tham gia. CLB đã tổ chức hỗ trợ sách cho tân sinh viên, hướng dẫn làm thủ tục miễn giảm học phí, tìm điểm thực tập và việc làm thêm cho SV, “săn” học bổng cho thành viên. Nhiều học bổng có giá trị cho các bạn như: học bổng đồng hành, học bổng Thắp sáng niềm tin, học bổng của Quỹ bệnh nhân nghèo TP… An bộc bạch: “Thấy việc gì có ích thì mình làm, cũng chẳng nghĩ sâu xa gì cả. Mỗi suất học bổng tìm được cho các bạn là một niềm vui đối với mình”. Sạp báo nhỏ ở góc sân trường mà An và các thành viên thay nhau đứng bán cũng là hoạt động của CLB để gây quỹ giúp đỡ các bạn. An cho biết: “Nhiều SV không biết tưởng báo để đọc miễn phí cứ thản nhiên xách đi. Lắm khi tụi mình phải chạy theo… “giành” lại”.

Trò chuyện với tôi, An lấy nụ cười lấp vào những phút lặng trong câu chuyện kể về cuộc đời mình. Bạn nghĩ rất chân thành: “Gia đình các bạn khác khá giả, họ có thể sống thoải mái. Hoàn cảnh mình khó khăn hơn, cần phải tự lập và cố gắng hơn nhiều”. An cũng từng chạy chỗ này chạy chỗ khác làm thêm, khi thì quản trị mạng, lúc thì phỏng vấn về vấn đề việc làm cho người khuyết tật… Hiện nay, An đang làm trợ lý cho một dự án liên quan đến người khuyết tật “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật”. Và An đã tự giao cho mình, trong ba năm tới sẽ phải tìm được một suất học bổng du học để mở mang tri thức. Điều này không phải đơn giản và có thể gặp không ít chướng ngại khó khăn, cô bạn biết vậy nhưng vẫn quyết tâm, bởi An luôn tâm niệm: “Phải trải qua giông tố chứ chớ có cúi đầu trước giông tố. Việc gì cũng có thể mang lại thành công nếu mình thật sự bền lòng và có ý chí”.


MÊ TÂM

Trên đời không có đường cùng…

Viết ngày 03/12/2008 | Người viết: nvtrung

Ranh giới của những NKT chính là phần không lành lặn trên cơ thể, đó có thể là đôi tay, đôi chân bị teo, bị cụt, một đôi mắt mù, đôi tai không nghe rõ… Con người sinh ra ai cũng mong mình được lành lặn và hạnh phúc nhưng vì bẩm sinh dị tật hoặc tai nạn, bệnh tật nào đó làm cho hình hài không được như mọi người là một điều không may mắn.

1. Lớp báo chí khóa của tôi năm đó có một bạn bị khuyết tật ở chân, bạn ấy là người bạn khuyết tật đầu tiên tôi quen biết. Tôi đã rất phục bạn. Đi lại khó khăn nhưng ngày nào bạn cũng đến lớp đều đặn, đến sớm và học rất giỏi. Có những lý luận của bạn làm tôi “bó tay” bởi suy nghĩ sâu sắc, có đầy đủ những luận chứng, luận cứ rất thuyết phục, hùng hồn. Đã không ít lần tôi chúc bạn sẽ trở thành một người hùng biện bởi tài ăn nói của bạn. Tôi tin thế.Mọi hoạt động của NKT đương nhiên khó khăn hơn những người không khuyết tật nhưng đó không phải là đường cùng mà “chỉ là thử thách” - nói như một nhân vật bị khuyết tật mà tôi từng viết. 
Và cũng đã có lần tôi cảm thấy… ganh tị về sức sống của bạn vì bạn quá lạc quan. Bạn lạc quan đến mức nhiều người phải tấm tắc khen “không biết nó lấy đâu ra nghị lực và niềm tin, nếu là mình mình sẽ không thể vui vẻ như thế”. Vâng, bạn nhìn đời lúc nào cũng bằng đôi mắt biện chứng, kể cả những nỗi khổ niềm đau xảy đến với chính mình. Bạn tôi tên Phan Mạnh Tân - người bạn mà tôi thật sự thấy nể bởi sức sống của bạn.

2. Trong một bài viết của mình về một nhân vật làm tranh cát, tôi đã gặp anh - một người trẻ có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực này và đã thành công. Sau khi thành công anh đã dành dụm yêu thương cho những người trẻ bị khuyết tật. Gặp anh tôi đã nể bởi sự tỉ mẩn và chịu khó của hai bạn trẻ bị khuyết tật: bạn Hương (bị khiếm thính) và chị Thanh (bị tật gù lưng).
Nhìn họ làm việc và có thể làm việc được như hôm nay, anh Nguyễn Hữu Duy (nhân vật của tôi cũng là giám đốc và là “người anh cả thân thương” của họ - NV) cho biết: “Chính tôi cũng nể vì sự chịu khó học hỏi của các bạn ấy”. Hỏi họ thì ai cũng mỉm cười: “Mình còn có khả năng làm việc, còn có thể sống có ích thì mình phải sống cho thật tốt”. Những người bạn ấy hiện làm việc và học tập tại Công ty tranh cát Vạn Thiên Sa.

3. Có những bạn trẻ là SV mà sau khi gặp một lần đã cho tôi thấy “yêu đời đến lạ” như bạn Huỳnh Thị Nương (cựu SV khoa địa lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) với điểm số học tập cao và khóa luận tốt nghiệp đạt 9,4 điểm.
Bạn tâm niệm: “Đối với NKT, nếu cứ giúp đỡ theo kiểu bảo bọc, che chở thì “sức đề kháng” trước hoàn cảnh, khó khăn của NKT sẽ giảm”. Chính bạn là NKT nên bạn hiểu rất rõ điều đó. Hay như cô thủ lĩnh của CLB Đồng hành (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) Từ An: thi đầu vào là thủ khoa của khoa xã hội học, học rất giỏi và cũng rất tài trong lãnh đạo nhóm cũng như làm việc. Hiện bạn đang tham gia dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật” của DRD. Tất cả những thành tích ấy theo bạn không phải là trời cho mà là nhờ sự cố gắng của bản thân. Cả hai bạn Nương và An đều bị khuyết tật ở chân do sốt bại liệt…

4. Đâu đó trên những cung đường của Sài Gòn tấp nập hẳn có lúc bạn nhìn thấy những người bị khuyết tật chân, bị mù rong ruổi bán vé số? Thế nhưng vì thương cảm, vì muốn chia sẻ bạn dúi vào túi họ mấy ngàn và họ đã từ chối: “Con có mua vé số giúp thì mua chứ cô/chú không nhận tiền…”.
Tận mắt chứng kiến để rồi mình thấy phục họ - những người biết vượt qua ranh giới cuộc đời để bước đi vững vàng trong cuộc sống dù có thể còn nhiều khó khăn. Họ luôn mong muốn mọi người cho họ cơ hội làm việc, nhìn họ bình thường và cũng cần mọi người không (chưa) khuyết tật nâng đỡ tinh thần để họ vươn lên, hòa nhập…

Nói như một vị trong ban giám khảo của hội trại “Độc đáo 15,3%” mà tôi vừa dự: “NKT có thể làm được rất nhiều việc, có những người rất giỏi đã, đang cống hiến một phần sức lực của mình cho xã hội”. Vâng, quả thật là như vậy!
Tôi xin tạm khép bài viết này bằng chia sẻ của một người bạn của tôi, anh nói: “Khuyết tật lớn nhất của một con người chính là sự không lành lặn về nhân cách, lối sống”.

LƯU ĐÌNH LONG

Link: http://blog.tamtay.vn/entry/view/315170/Tren-doi-khong-co-duong-cung.html

Quà Giáng sinh "vì ngày mai phát triển"

24/12/2008 12:11 (GMT + 7)
TTO - Sáng nay (24-12), tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ đã diễn ra lễ trao 40 tính xách tay cho các sinh viên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM. Món quà đến vào dịp Giáng sinh đã biến giấc mơ được gặp Ông già Noel mà các bạn đã ấp ủ từ những ngày bé thơ thành hiện thực... 

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, hội LHTN Việt Nam TP.HCM và công ty TNHH tin học Mai Khanh tổ chức, Công ty Micro-star international tài trợ với tổng trị giá hơn 320 triệu đồng.
40 chiếc máy tính xách tay là 40 món quà thật đặc biệt trong ngày lễ Giáng sinh đối với các bạn khuyết tật. Bạn Nguyễn Thị Từ An (mồ côi cha, mẹ bỏ đi khi em lên 2 tuổi, lên 4 thì bị sốt  bại liệt, chân phải bị liệt hoàn toàn, chân trái yếu – thủ khoa tuyển sinh trường ĐH KH XH &NV 2005-209) đã xúc động chia sẻ: năm nay đã tròn 24 tuổi nhưng bạn vẫn muốn tin rằng cổ tích là có thật, hôm nay bạn đã nhận được một món quà Giáng sinh ý nghĩa nhất và các nhà mạnh thường quân thực sự là những Ông già Noel.
Còn bạn Phạn Thúy Phượng (khiếm thị, sinh viên trường ĐHSP TP HCM) thì kể đêm qua bạn đã thức đến 1g sáng  vì… hồi hộp khi nghĩ đến món quà trong mơ là chiếc máy tính xách tay sẽ được trao trong ngày mai. Bạn nhắc về chiếc máy tính xách tay lần đầu tiên được… mượn và ngày hôm nay thì không thể nói hết nỗi vui mừng khi được chạm vào chiếc máy tính xách tay thực sự là của riêng mình.
Hoàng Minh Ý (mù hai mắt, mô côi cha mẹ từ nhò và không gười thân) thì bộc lộ ngay niềm vui ngộ nghĩnh rằng với chiếc máy tính, bạn sẽ lướt web, cập nhật tin tức và cùng cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Với Hồ Phạm Uyên Phương (khiếm thị, sinh viên trường ĐHSP TP HCM) thì chiếc máy này sẽ giúp bạn tìm tài liệu về ngành học giáo dục đặc biệt vì ngành này vốn rất ít giáo trình được lưu hành. Ngoài ra còn là phương tiện để cho bạn có thể nghe nhạc vì bạn vốn là một cô gái có giọng hát rất hay…
Và tất cả các các bạn sinh viên được nhận quà Giáng sinh ngày hôm nay đều có chung một ước mơ: những chương trình tương tự sẽ đến với nhiều bạn hơn, đem đến nhiều cơ hội và nhiều hy vọng cho các bạn khuyết tật và khó khăn khác nữa. Các bạn khẳng định: khi được trao cơ hội thì các bạn sẽ có đủ quyết tâm để vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã của mình.
Buổi lễ kết thúc trong giọng ca xúc động của bạn Nguyễn Đức Anh Mạnh với ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ý nghĩa của bài hát cũng chính là thông điệp của chương trình: Đem đến niềm vui và đón nhận niềm vui chính là hạnh phúc.
THU HUỆ

Đồng hành cùng sinh viên khuyết tật


Chủ Nhật, 30/11/2008, 11:20 (GMT+7)Chủ Nhật, 30/11/2008, 11:20 (GMT+7)
TTO - Cùng sẻ chia một chút khó khăn của bạn bè, một ít thời gian chơi cùng những em nhỏ bất hạnh, một món quà nhỏ cho những người lang thang… Với các bạn trẻ ấy, hạnh phúc là nhận được từ sự sẻ chia.
Mái nhà chung - CLB Đồng hành (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) - từ bao năm qua đã nâng bước nhiều thế hệ sinh viên khuyết tật trưởng thành.
Như anh em trong nhà
Cảm thông trước những khó khăn theo bước chân đến giảng đường của các sinh viên khuyết tật, một nhóm sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã cùng nhau lập thành nhóm “Đồng hành” (5-2002) - tiền thân của CLB Đồng hành ngày nay. Sau sáu năm đi vào hoạt động, Đồng hành đã có nhiều chương trình ý nghĩa cho các thành viên và xã hội.
Các thành viên chủ nhiệm trong CLB luôn cố gắng cập nhật các thông tin về học bổng, các đợt hỗ trợ về cho các bạn thành viên. Nhiều bạn tham gia các hội thao hay trò chơi có giải thưởng cũng không nhận cho riêng mình mà mang về góp vào quỹ cho CLB chia cho các bạn khác. Trăn trở trước hoàn cảnh sinh viên khuyết tật khó khăn không tìm được việc làm thêm, CLB đã mở hai quầy bán báo trước cổng trường, đăng ký phát tờ rơi, phiếu khảo sát… “Thu nhập tuy không cao nhưng cũng đỡ đần một số khoản chi tiêu cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn” - Từ An, chủ nhiệm CLB, cho biết.
Từ nhiều năm qua, CLB như mái nhà chung của các bạn sinh viên khuyết tật, không chỉ của Trường ĐH KHXH&NV mà còn của nhiều trường khác như: ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Tôn Đức Thắng… Các thành viên coi nhau như anh em trong nhà, cùng giúp đỡ nhau trong học tập, chia sẻ cho nhau những khó khăn hay tâm sự vui  buồn.
Bạn Nguyễn Khắc Chung - khoa ngữ văn Nga - chia sẻ: “Khi mới vào trường đại học, mình tự ti lắm, luôn mặc cảm với bạn bè, nhưng từ khi tham gia CLB mình tự tin hơn nhiều và lại có thể cùng các bạn giúp đỡ được nhiều người qua các công tác xã hội”.


Các thành viên trong CLB Đồng hành quyên góp quần áo cũ tặng người nghèo
Và rất nhiều sinh viên đã trưởng thành từ CLB, giờ đây khi thành đạt họ quay lại trường để “tiếp sức” cho đàn em. Từ quyển sách, cây bút, mấy trăm ngàn đến kinh phí cho những chuyến đi công tác xã hội xa, mỗi người góp một tay cùng góp thêm cho hoạt động của CLB ngày càng tốt hơn.
“Sống không cho riêng mình”
Câu slogan đó đã theo suốt các hoạt động của Đồng hành. Với rất nhiều các hoạt động công tác xã hội, CLB đã mang niềm vui đến với nhiều mảnh đời bất hạnh. Đó là chuyến đi “Tuần lễ xanh” đến Bảo Lộc (Lâm Đồng), đi từ thiện tặng quà cho người khuyết tật ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, tham gia đi bộ vì người khiếm thị, thăm hỏi các em ở mái ấm, nhà mở… 
Nhiều thành viên của CLB còn tích cực tham gia các phong trào tình nguyện của trường như: bạn Khắc Chung đã chống nạng khoác balô theo bạn bè đi Xuân tình nguyện, bạn Nguyễn Từ An dù chân bị tật nhưng vẫn nhiệt tình đi Tiếp sức mùa thi và còn nhiều bạn khác dầm mưa dãi nắng trên các mặt trận Mùa hè xanh…
Nhìn các bạn luôn nhiệt tình tham gia tình nguyện dù có phải đi xa đến đâu, dìu nhau đi từng bước khi mệt, dỗ dành từng em nhỏ khuyết tật ăn trưa… mới thấy hết hạnh phúc từ sự sẻ chia.
Nhiều ước mơ làm công tác xã hội cũng đã được cất cánh từ mái nhà chung đó. Điển hình là bạn Nguyễn Thị Từ An - sinh viên năm cuối khoa xã hội học - từ một tân sinh viên rụt rè, mặc cảm, đến nay An là chủ nhiệm CLB và là trợ lý dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ khuyết tật” (ĐH Mở TP.HCM). Tuy chưa tốt nghiệp nhưng An đã có sẵn một kế hoạch cho tương lai là phải cố gắng kiếm học bổng đi du học thạc sĩ và làm việc trong các tổ chức giúp đỡ những phụ nữ khuyết tật nâng cao chất lượng sống.
Mùa Giáng sinh năm nay, với chương trình “Noel ấm áp” các thành viên CLB Đồng hành lại cùng nhau quyên góp chăn bông, áo ấm cũ tặng cho những người lang thang góp phần làm cho mùa đông ấm áp hơn.
Đ.T.THẢO
(Theo Tuoitre)

Điểm 10 cho khóa luận của trái tim

Điểm 10 cho khóa luận của trái tim

14/08/2009 15:20 (GMT + 7)
TTO - Từng u uất vì đôi chân khiếm khuyết, từng đau buồn xa rời vòng tay cha mẹ… nhưng cô gái ấy vượt qua tất cả trở thành thủ khoa đầu vào - đồng thời bốn năm sau là thủ khoa tốt nghiệp khoa xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM khóa 2005-2009 với điểm tích lũy 8,24.
Song điều để lại ấn tượng nhất với chúng tôi về cô gái ấy - Nguyễn Thị Từ An - là khóa luận tốt nghiệp “Những vấn đề giới trong hôn nhân gia đình của người khuyết tật (NKT) ở TP.HCM hiện nay” đạt điểm 10 tuyệt đối. Chúng tôi muốn gọi đó là “khóa luận của trái tim”.
Khi trái tim thôi thúc
Câu chuyện về cô gái Từ An đến từ vùng quê Xuân Tự, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa, với đôi chân tật nguyền do sốt bại liệt năm lên 4 vẫn miệt mài đến giảng đường và hoạt động tình nguyện “rất sung” đã quen thuộc với nhiều SV khoa xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Đề tài khóa luận được Từ An ấp ủ từ lâu. Từ An chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã quan sát những phụ nữ khuyết tật trong làng tôi. Họ thường không được cộng đồng đón nhận, bị chê bai, ruồng bỏ, không thể kết hôn. Nhiều người cho rằng phụ nữ khuyết tật không thể đảm nhận tốt những trách nhiệm với gia đình nhưng thực tế không phải vậy. Vì thế, khi viết khóa luận tốt nghiệp, tôi tha thiết mong xã hội nhìn nhận hôn nhân của NKT cũng bình thường như bao cuộc hôn nhân khác. Tất nhiên đó sẽ là quá trình dài nhưng tôi luôn tin có thể làm được”.
Quá trình thực hiện khóa luận cũng là dịp để Từ An lắng nghe, thấu hiểu hơn những khát khao về mái ấm gia đình âm ỉ trong lòng nhiều NKT.
Đi vào thực tế nghiên cứu, Từ An vấp phải nhiều khó khăn mà khó nhất là tiếp cận và thu thập thông tin từ NKT. Khó nhất là tiếp cận phỏng vấn người khiếm thính. Bao nhiêu lần cố gắng thì gần bấy nhiêu lần thất bại. An lại không biết thủ ngữ nên việc giao tiếp với người khiếm thính phải trông cậy vào chị Dương Phương Hạnh - điều phối nhóm khiếm thính chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD). Từ An cho biết: “Tôi rút kinh nghiệm là người khiếm thính thường ít muốn giao tiếp với những người không cùng dạng tật, nhưng không vì vậy mà nản lòng bỏ cuộc”.
Liên hệ và tìm mẫu phỏng vấn những gia đình NKT cũng lắm gian nan, phần vì họ ngại, phần vì ở rải rác khắp nơi. Hẹn được NKT để phỏng vấn đã khó, tìm được địa điểm hẹn cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Có buổi tối Từ An chạy xe từ Q.4 sang Q.Bình Chánh để phỏng vấn một người khiếm thị. Đường đi ngang qua nghĩa địa làm cô bạn run bắn. Lạc đường Từ An hỏi thăm người xung quanh nhưng không ai biết. Mãi đến khi hỏi “chú… bị mù” thì lập tức mọi người chỉ ngay đích thị nhà.
Cũng như khi hỏi thăm nhà một đôi vợ chồng khiếm thính nọ, Từ An hỏi tên chẳng ai biết nhưng hỏi “vợ chồng điếc” thì họ dẫn thẳng tới nhà luôn. Từ An chia sẻ: “Những lúc ấy mình càng hiểu NKT thường bị cộng đồng nhận diện qua dạng tật và định kiến về NKT trong cộng đồng còn dai dẳng lắm”.
Trước khóa luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu "Quan niệm của người khuyết tật tại TP.HCM về tình yêu hôn nhân gia đình" của Từ An đạt giải khuyến khích SV nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2008. Từ An từng là tình nguyện viên cho Tổ chức Catalyst Foundation, từng tham dự khóa tập huấn tại Thái Lan về vấn đề giới và phát triển của NKT của Tổ chức Jica và APCD.
Nhạy cảm nhất là thu thập thông tin về quan hệ tình dục. Người phiên dịch vì ngại nên nhất định không dịch ngôn ngữ ký hiệu, người được hỏi chỉ cười cười. Từ An nghĩ ra cách viết câu hỏi ra giấy kín đáo đưa họ đọc và viết câu trả lời lên đó.
Vất vả là vậy nhưng niềm vui cũng không ít. Có lần Từ An đến phỏng vấn một gia đình khiếm thính ở đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Không chỉ cởi mở trả lời các câu hỏi phỏng vấn, cô vợ còn cố gắng thể hiện tình cảm yên mến Từ An bằng thủ ngữ và ôm An thật chặt khi tạm biệt.
Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường
Từ nhỏ vì khuyết tật Từ An bị bạn bè trêu ghẹo, đánh đập, bị nhiều người xem là không bình thường. Từ An tâm sự: “Tôi từng tự giam mình trong một thời gian dài. Vì không gánh được lúa, không thể ra đồng, không thể mò cua bắt ốc nên ai cũng bảo tôi ăn bám gia đình. Tôi bị tư tưởng ấy ảnh hưởng ngay từ nhỏ. Nhưng khi tham gia chương trình tình nguyện Tiếp sức mùa thi năm 2006, tôi nhận ra mình cũng có ích. Cũng từ đó, tôi tìm thấy niềm vui trong những hoạt động tình nguyện”.
Dù đã là cựu chủ nhiệm CLB Đồng hành SV khuyết tật ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhưng hiếm có hoạt động nào của CLB hiện nay vắng mặt Từ An. Đầu tháng 8-2009, Từ An nhắn tin online khoe: “CLB Đồng hành SV khuyết tật sẽ tổ chức chương trình "Tuần lễ xanh 2009" tại Lâm Đồng vào tháng 9 này. CLB đang tích cực vận động tài chính”.
Dự định hiện nay của Từ An là đi dạy để có thu nhập chăm lo cho hai em (con của cậu mợ) đang học tại TP.HCM, đồng thời tiếp tục gắn bó với hoạt động công tác xã hội về NKT.
Từ An cũng đang ấp ủ "Dự án thành lập câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật TP.HCM", dự án tiếp nối dự án án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật".
Cuộc sống còn nhiều khó khăn và lo toan nhưng Từ An vẫn tin mình hạnh phúc: “Tôi hạnh phúc vì được nhận nhiều tình cảm, sự động viên từ gia đình, bạn bè. Dù là người khuyết tật tôi vẫn không lo lắng lắm sẽ bị từ chối khi tìm việc. Tôi đã ghi cụ thể tình trạng khuyết tật của mình trong hồ sơ, nếu bị từ chối sẽ tiếp tục tìm nơi khác”.
TRUNG UYÊN



Cô gái mồ côi giàu nghị lực

26/05/2009 7:25 
Nguyễn Thị Từ An (sinh viên năm 4, ngành Xã hội học, chủ nhiệm CLB Đồng hành - Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) sinh năm 1984 tại Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. 
    Ba mất từ năm An lên hai tuổi. Một năm sau, mẹ âm thầm bỏ đi biền biệt. An phải về ở với cậu mợ, gọi cậu mợ là ba má từ đó. Họ có năm đứa con, lại phải gồng gánh thêm đứa cháu côi cút. Năm bốn tuổi, An bị sốt bại liệt, ba má phải mượn tiền khắp nơi để chạy chữa. Nghe ở đâu có thầy thuốc hay, họ cũng đèo An đi châm cứu, bốc thuốc. Bước đi đầu tiên sau trận bạo bệnh của An đã khiến ba má trào nước mắt. An nói vui: "Cũng nhờ bị... cà xẹo, em mới được ba má cho học đến nơi đến chốn. Ba má làm nghề nông, kinh tế gia đình eo hẹp lắm".

    Từ An (đứng, phải) luôn hăng say với công tác
    tình nguyện
    Đáp lại sự hy sinh của những người thân, An luôn cố gắng chăm học, siêng phụ việc nhà. Năm chín tuổi, An đã biết trông em, dạy em học và chăm sóc heo gà, nấu cơm. Dù vậy, năm nào An cũng đạt kết quả học tập loại giỏi, từng nhận được trên 15 suất học bổng. Cô đã làm nhiều người khâm phục khi thi đậu thủ khoa ngành Xã hội học Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM. Trước đó, An đã từng tốt nghiệp loại khá Trường trung cấp Lao động xã hội TP.HCM, nhưng khi về quê xin việc, An bị từ chối vì "ở đây chỉ nhận hệ đại học". Không nản chí, An quyết tâm bước vào đại học.
    Ngày tiễn An vào thành phố học, ba má An vui một mà lo đến mười. "Dù khó khăn nhưng ba má sẽ cố gắng để con được tiếp tục học tập. Con hãy nắm lấy cơ hội này. Tương lai nằm trong tay con!". Lời động viên của ba má đã giúp An thêm niềm tin. Hiện tại, An đã tham gia vào dự án việc làm của Chương trình Khuyết tật và phát triển (thuộc Trường ĐH Mở TP.HCM, do Quỹ Ford Foundation tài trợ). Số tiền thù lao cộng với học bổng loại khá, không chỉ đủ trang trải cuộc sống trọ học của An mà còn phụ ba má nuôi hai em cùng vào TP.HCM học phổ thông.
    Nhờ năng nổ trong các hoạt động, An được Công ty ngôi sao CORP mời làm việc ở mảng dịch thuật, khảo cứu thị trường. An còn giới thiệu nhiều thành viên của CLB Đồng hành làm việc bán thời gian. Đầu tháng 6/2009, An sẽ bảo vệ đề tài tốt nghiệp "Hôn nhân gia đình của người khuyết tật ở TP.HCM". Ước mong của An không chỉ kiếm tiền đủ lo cho bản thân, phụ giúp gia đình mà còn có thể làm được những việc thiết thực cho người khuyết tật.
    Thành lập từ tháng 12/2007, CLB Đồng hành do An làm chủ nhiệm đã thu hút 41 sinh viên khuyết tật của Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM và một số trường ĐH khác. Nhờ quan hệ chặt chẽ với các tổ chức xã hội, Từ An đã mang về cho các thành viên CLB hàng chục suất học bổng, 16 máy tính xách tay hỗ trợ việc học. Từ An tâm sự: "Nhìn lại chặng đường đã qua, nhiều lúc em không thể tin mình có được ngày hôm nay. Sự chăm lo của ba má là nguồn động viên rất lớn giúp em vững bước".
    Diệu Hiền