Tuesday, April 29, 2014

Nghị lực của Từ An

18/11/2008 08:04 (GMT + 7)
AT - Đến Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, hỏi tên Nguyễn Thị Từ An - sinh viên năm 3 - khoa xã hội học, hầu hết sinh viên trong trường đều biết. Từ An nổi tiếng không chỉ vì là một sinh viên khuyết tật vượt lên số phận để học giỏi mà còn là chủ nhiệm "Câu lạc bộ đồng hành cùng sinh viên khuyết tật" của trường.

Từ An tham gia Tiếp sức mùa thi

Vượt lên số phận
Từ An sinh ra tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, trong một gia đình rất nghèo. Năm Từ An lên 2 tuổi thì ba bị bệnh nặng mất, sau một thời gian mẹ cũng bỏ nhà ra đi biền biệt không về. Từ An được người cậu thương tình mang về nuôi dưỡng.
Lên 4 tuổi, Từ An bị bệnh sốt bại liệt. Nhà cậu nghèo lại đông con nên không có tiền chạy chữa, cô bé phải nằm một chỗ không cử động được suốt hàng tháng trời. Khi cậu vay được tiền, đưa An đi chữa trị thì đôi chân không còn cứng cáp nữa dù đi lại được nhưng rất khó khăn, bước thấp bước cao và có thể té ngã bất cứ lúc nào.
Đến tuổi vào lớp một, Từ An tha thiết xin cậu mợ cho mình được đến trường. Để cậu mợ yên tâm, An tập luyện đôi chân ngày đêm. Sau đó, Từ An đã có thể tự mình đi bộ đến trường gần hai cây số mà không nhờ đến sự đưa đón của cậu mợ. Bạn bè trong lớp thấy Từ An khuyết tật nên ra sức trêu chọc, có khi còn xé cả sách tập nhưng cô bé vẫn cắn răng chịu đựng, một mình khóc âm thầm chứ không dám cho cậu mợ biết vì sợ phải bị nghỉ học. Chính vì thế Từ An rất nhút nhát, luôn nhốt mình trong vỏ ốc mặc cảm, chỉ biết cố gắng học và học cho thật giỏi.
Suốt từ cấp I đến cấp II, Từ An luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhận được nhiều học bổng của Hội Khuyết tật tỉnh. Đặc biệt An học rất giỏi môn văn, từng đoạt giải nhất môn văn cấp tỉnh. Tốt nghiệp THPT loại giỏi, An thi đậu vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM khoa xã hội học với ngôi vị thủ khoa năm 2005.
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
Một thân một mình khăn gói vào TP.HCM trọ học. Với một sinh viên nghèo, tỉnh lẻ bình thường đã là khó khăn, An lại là một sinh viên khuyết tật nên khó khăn càng tăng lên gấp bội. An tự nhủ với lòng phải cố gắng hết sức mình chứ không thể chào thua. Một mạnh thường quân cho An ở trọ không lấy tiền, ngoài ra còn giới thiệu An dạy kèm một học sinh lớp 5 để có tiền trang trải thêm cuộc sống và mua giáo trình. An vẫn tiếp tục giữ vững phong độ học tập của mình trong suốt những ngày ngồi trên giảng đường.
Chính điều này giúp An liên tục nhận được học bổng của trường, học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, của tập đoàn Nhật Bản, của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên dành cho sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc... Mới đây nhất là học bổng Cô Tấm ngày nay dành cho những bạn nữ có hoàn cảnh khó khăn và ý chí vươn lên trong lao động, học tập.
Không chỉ học giỏi, An còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. An cho biết: "Ngay từ năm thứ 1 đại học, tôi được anh Trần Nam - bí thư Đoàn khoa xã hội học - giới thiệu đến Trung tâm Công tác xã hội và phát triển cộng đồng TP sinh hoạt. Trung tâm này có một nhóm sinh viên khuyết tật rất đồng cảm và tôn trọng nhau. Cũng chính từ trung tâm này mà tôi hiểu ra khi không làm được điều gì đó thì không phải không làm được, mà vì không cố gắng hết sức...". Với suy nghĩ đó, An và nhóm sinh viên khuyết tật của trung tâm mạnh dạn tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi, các buổi thảo luận của CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ, đi hoạt động từ thiện tặng quà người khuyết tật ở Lâm Đồng, Đồng Tháp, Kiên Giang...
Chính trong quá trình tham gia những hoạt động này, An thấy cần phải có một CLB đồng hành cùng các bạn sinh viên khuyết tật của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Và tháng 12-2007, CLB này ra đời do Từ An làm chủ nhiệm với sự giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình của Hội sinh viên trường.
Từ An cũng đã lấy tiền quỹ của CLB mở hai quầy bán báo đặt tại hai cơ sở của trường ở quận Thủ Đức và Đinh Tiên Hoàng, quận 1, các thành viên thay nhau đứng bán, tiền lãi thu được tiếp tục gây quỹ để chi cho các hoạt động đồng hành của CLB. Từ An tâm sự: "Tham gia các hoạt động này, nhiều lúc tôi cũng đuối sức, mệt mỏi muốn rút lui. Nhưng khi gặp được các bạn, cùng chuyện trò, cùng đề ra những kế hoạch, được các bạn đặt nhiều niềm tin nên tôi cảm thấy hăng say trở lại, cảm thấy những việc làm của mình có ích cho nhiều người nên cứ thế tiếp tục...".
Gần đây nhất, đề tài nghiên cứu "Quan niệm của người khuyết tật tại TP.HCM về tình yêu hôn nhân gia đình" của Từ An đoạt giải nghiên cứu khoa học cấp trường. Đề tài này cũng được chọn tham gia giải thưởng Eureka 2008 đồng thời được đề cử tham gia Giải thưởng sáng tạo cấp bộ. Hiện tại, An đang làm trợ lý cho một dự án liên quan đến người khuyết tật có tên "Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật" và cô cũng rất tâm huyết và cố gắng hết sức để hoàn thành công việc này.
Tháng 6-2009, An sẽ tốt nghiệp nhưng trong suy nghĩ của An, bên cạnh việc đi làm cho những dự án chuyên về người khuyết tật, An sẽ tiếp tục đồng hành với CLB mà mình đã khai sinh. An cũng ấp ủ nhiều hoạt động mới cho CLB cấp thành như: làm thẻ đi xe buýt miễn phí cho người khuyết tật, tập huấn kỹ năng làm việc nhóm, tìm học bổng du học cho sinh viên khuyết tật, tổ chức đi tham quan cũng như giao lưu với các cơ sở khuyết tật nhân Ngày quốc tế người tàn tật...
An quyết tâm sẽ thực hiện cho bằng được những dự định của mình, bởi cô quan niệm việc gì cũng có thể mang lại thành công nếu mình thật sự bền bỉ và có ý chí. Các bạn sinh viên muốn tham gia CLB Đồng hành cùng người khuyết tật của An có thể liên lạc qua emai: clbdonghanh.ussh@yahoo.com hoặc tu_an@gmail.com.  
MINH NGUYÊN




Áo Trắng số 35 (ra ngày 1-11-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Theo Tuoitre

No comments:

Post a Comment