Tuesday, April 29, 2014

Ta đã đủ nghị lực sống chưa?

14/3/2013
Cuộc sống là một chặng đường dài mà con người phải vượt qua thử thách gian nan để tồn tại và bước tiếp. Nhưng trên quãng hành trình mấy mươi năm, thậm chí là cả trăm năm của con người, chông gai luôn đứng kề cạnh tấm thảm trải đầy hoa hồng. Con đường sỏi đá dành cho người này có thể chỉ là mấp mô, tuy nhiên, đối với người khác, những khối thạch anh sừng sững lại xuất hiện chắn ngang lối mòn. Và muốn bước tiếp, họ phải quyết tâm rèn ý chí cùng nghị lực để biến nó thành một thứ vũ khí vô song. Khối đá thạch anh sẽ được san bằng và tấm thảm đỏ tươi sẵn sàng in dấu chân của người “chiến sĩ” đó.

nghiluc1410313
Thất bại sẽ đến với ai không dám tin tưởng vào bản thân và nghị lực của chính mình.

LỜI MỞ

Nghị lực sống - một bản năng vốn có của con người. Nhưng mỗi cá thể lại chịu sự tác động khác nhau của môi trường khách quan bên ngoài. Ảnh hưởng tiêu cực là liều thuốc kích thích mạnh nhất để bản năng đó được trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, sức bật của nghị lực còn tuỳ thuộc vào ý chí của mỗi một cá nhân. Khó khăn mỗi người gặp phải là khác nhau ở mức độ và tầm ảnh hưởng đến bản thân họ. Có những trắc trở chỉ là nhỏ nhặt. Có những nghịch cảnh đau đớn tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng đích đến của cả hai trường hợp này đều quy về một hướng. Thành công sẽ dành tặng cho những ai luôn giữ vững niềm tin ý chí và một cái nhìn lạc quan. Thất bại sẽ đến với ai không dám tin tưởng vào bản thân và nghị lực của chính mình. Và ba người trẻ sau đây không phải là tất cả, nhưng họ đã chứng tỏ được rằng: “Chúng tôi có đủ nghị lực sống!”.

LÀM PHỤ HỒ HAY THẦY GIÁO?

Nếu gặp chàng cử nhân sư phạm Ngữ văn Hoàng Ngọc Phụng cách đây bảy năm, có lẽ chúng ta sẽ thấy một hình ảnh khác hẳn lúc bây giờ. Sinh ra ở một miền quê của xứ lúa Thái Bình, nên dù vào Sài Gòn đã lâu nhưng Phụng vẫn giữ cho mình một vẻ chân chất thôn quê. Phụng thuở cấp hai là học sinh ngoan, nhưng lên cấp ba, đam mê võ thuật và lười học đã khiến anh “nổi tiếng” cả làng. Anh trượt dài trên những thú vui đánh đấm, lãng quên trường lớp và ít được gia đình bảo ban. Nhưng “may mắn” thay, năm 2004, căn bệnh thành tích trong thi cử vẫn còn “rầm rộ” nên anh cũng đậu tú tài. Tuổi trẻ nông nỗi, Phụng chán ghét việc học, vì với anh “học như cực hình”. Bên cạnh đó, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng không dư giả gì nên anh quyết định khăn gói theo các anh trai làng vào Sài Gòn lập nghiệp. Và công việc anh dễ dàng có được, chỉ cần sức khoẻ mà không cần bằng cấp, là phụ hồ.

Khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2006 Phụng lang bạt từ công trường này sang công trường khác. Nhưng mỗi khi đêm về, ý thức cá nhân lại trỗi dậy. “Nhiều đêm tôi buồn quá, cứ trùm chăn lại rồi nằm khóc rấm rứt. Không có kiến thức, không bằng cấp nên đi làm nhiều đứa nó khinh mình. Thấy nhục lắm!”. Sau một khoảng thời gian làm phụ hồ, anh chợt nhận ra điều này. Suy tư và nhớ về cái chữ . Sau những ngày bưng bê nhào trộn với xi-măng và cát sỏi, anh “lén lút” làm thơ để trút ra cái nỗi niềm chất chứa trong lòng, vì không dám thổ lộ cùng ai. Và, khao khát càng lúc lại dâng trào, anh muốn được đi học, được có kiến thức, được mọi người công nhận khả năng của mình. Được tư vấn của chị họ và cậu ruột, Phụng quyết định dành trọn số tiền chắt bóp được sau hơn hai năm phụ hồ, đi luyện thi ở trung tâm. Vì đã bỏ học khá lâu, kiến thức lại không chắc nên chàng trai Thái Bình này chọn khối C và đăng ký vào ngành sư phạm Ngữ văn của trường đại học Sư phạm TP.HCM. Chia sẻ thêm về lý do này, Phụng thật thà: “Chị họ khuyên thi vào sư phạm vì không phải tốn tiền học phí. Nghe thế nên tôi đăng ký luôn”.

Tin chàng phụ hồ Hoàng Ngọc Phụng đỗ thủ khoa sư phạm Ngữ văn (kỳ thi đại học năm 2007) như một điều không tưởng dành cho các đồng nghiệp và các ông thầu xây dựng thân quen. Từ miền quê Thái Bình đến Sài Gòn, ai cũng mừng và khâm phục anh cả. Nhập học, Phụng xoá bỏ dần khoảng cách và hoà nhập nhanh chóng với bạn bè cùng lớp. Danh hiệu “Sinh viên ba tốt” và điểm tích luỹ sau tám học kỳ đạt loại khá là minh chứng rõ ràng nhất cho sự cố gắng và không ngừng vươn lên của Phụng. Ngoài việc tiếp tục làm thêm để có chi phí trang trải, anh còn khiến bạn bè phải thán phục với tấm bằng B tiếng Hoa trước khi tốt nghiệp.

Anh bùi ngùi: “Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cứ ngỡ như một giấc mơ. Nếu ngày đó tôi không quyết tâm, không mạo hiểm bỏ hết số tiền tiết kiệm ra ôn thi, chắc giờ tôi vẫn còn lay lắt ở các công trường xây dựng. Hiện giờ, tôi vẫn chưa là gì cả nhưng tôi biết hài lòng với nghề giáo viên của mình”. Quả thật, giữ cho mình một ý chí và nghị lực kiên cường nên Phụng đã bước đầu đạt được những gì mình mơ ước. Trong những ngày tháng này, anh đang tập trung hết sức mình ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất cho kì thi tuyển thạc sĩ sắp tới. Với anh, điểm đến cử nhân dường như vẫn chưa đủ làm anh thoả nguyện đam mê học tập và nghiên cứu tri thức của mình.

nghiluc1420313
Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cứ ngỡ như một giấc mơ. Nếu ngày đó tôi không quyết tâm, không mạo hiểm bỏ hết số tiền tiết kiệm ra ôn thi, chắc giờ tôi vẫn còn lay lắt ở các công trường xây dựng.

KHÔNG KHUYẾT NĂNG LỰC

Những năm tháng tuổi thơ đầu đời, cô bé Nguyễn Thị Từ An vẫn không hiểu sao người ta hay trêu mình là “con què”. Sinh ra tại mảnh đất Khánh Hoà trong một gia đình tràn ngập yêu thương và hạnh phúc, Từ An cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng số phận không may, năm bốn tuổi, một cơn sốt bại liệt bất ngờ ập đến. Đôi chân bé bỏng không còn giống nhau qua từng năm tháng phát triển, vì đã có sự phát triển chênh lệch. Nhịp bước chân xiêu vẹo khiến chị luôn trở thành tâm điểm chú ý và bình phẩm của bạn bè. “Tôi thường hay lén khóc bố mẹ mỗi khi bị bạn bè, hàng xóm trêu. Thế nhưng, tôi vẫn sống, vẫn đi học và giúp đỡ các công việc lặt vặt trong gia đình”.

Dù rất cố gắng nhưng rào cản xã hội lại khiến Từ An càng lớn lên lại càng tự ti hơn. Đã có lúc, chị muốn giải thoát mình bằng cái chết. Nhưng khi nhìn thấy sự thương yêu của bố mẹ và những người thân bên cạnh, chị lại vực dậy ý chí và nghị lực của mình. “Tôi quyết tâm sống! Quyết tâm làm điều gì đó để cho tôi và những người khác – giống tôi – được chấp nhận năng lực thực sự trong cộng đồng”, Từ An chia sẻ. Chuỗi hành trình chứng minh cho cái khát khao của chị dù có được sự trợ giúp của gia đình nhưng cũng gặp lắm gian nan. Mười hai năm ròng trên ghế nhà trường, trong bộ quần áo tinh tơm của tuổi học sinh, chị luôn luôn đạt kết quả học lực khá giỏi. Nhưng sự mặc cảm và xa cách của bạn bè khiến chị như một con ốc sợ sệt cuộc sống xung quanh, lúc nào cũng chỉ muốn chui vào cái vỏ sâu kín của mình. Ngay cả khi đậu thủ khoa vào ngành Xã hội học của trường đại học Khoa học xa hội và Nhân văn TP.HCM, Tự An vẫn chưa thể chui mình ra khỏi thế giới tách biệt mà chính chị và xã hội cùng tạo nên. “Tin tôi đỗ thủ khoa đại học lan truyền khắp cái xóm biển nghèo một cách nhanh chóng. Khi ấy, tôi cảm thấy sung sướng và tự hào vì hàng xóm không còn trêu tôi là “con què” nữa, mà thay vào đó là những lời khen ngợi “có tật có tài. Dù vậy, khi bước chân vào giảng đường, tôi lại e dè nhút nhát vì sự khiếm khuyết của mình”.

Tuy nhiên, nghị lực của người con gái này không dễ dàng bị khuất phục. Dường như Tự An đã nhận ra rằng mình đã quá yếu đuối, chính chị mới là mấu chốt quan trọng tạo nên rào cản và sự mặc cảm. “Để có thể phá bỏ nỗi mặc cảm khổng lồ chắn ngang lối đi, tôi biết rằng mình phải giữ vững niềm tin và nghị lực để làm được điều đó”. Với suy nghĩ đầy lạc quan, chị tìm đến hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tiếp sức mùa thi để hoà mình vào xã hội. Không chỉ thay đổi bản thân, Tự An còn muốn giúp đỡ các bạn có chung cảnh ngộ. Chị tự tin đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật đồng hành của trường. Và một lần nữa, cô gái nhỏ bé khuyết tật này đã khiến cho tất cả mọi người phải ngả mũ thán phục. Ngày nhập học, chị là thủ khoa. Ngày ra trường, chị vẫn là thủ khoa. Hai lần đạt danh hiệu thủ khoa và những nỗ lực của chị trong công tác cộng đồng đã được Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và trao tặng danh hiệu cao quý Thanh niên tiêu biểu TP.HCM 2009. Rươm rướm nước mắt trong nụ cười xinh, Tự An chậm rãi: “Nhìn tấm bằng khen và buổi lễ trao tặng đầy long trọng mà tôi cảm thấy lòng mình ấm lại”. Sống thì dễ nhưng để “sống” được như Tự An, không phải người bình thường nào cũng làm được. Giờ đây, chị đã trở thành giảng viên khoa Xã hội học trường đại học Bình Dương, một công việc mà chị đã có được từ chính nghị lực phi thường của mình.

nghiluc1430313

TRỞ VỀ TỪ “THÁNH ĐỊA NÀNG TIÊN NÂU”

Tiệm sửa chữa điện máy – điện tử của Thành Chung (1) dù nằm sâu trong hẻm ở đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình nhưng lúc nào cũng đông khách. Có lẽ vì người chủ trẻ tuổi hiền lành, dễ tính lại lấy giá phải chăng. Thêm một phần không kém quan trọng, mỗi lần có khách tới, người phụ nữ trạc ngoại ngũ tuần lại vui vẻ mang một cốc nước trà đá mời chào hồn hậu. Nhìn cuộc sống của hai mẹ con trong ngôi nhà ấm cúng, ai cũng thầm vui với họ. Tuy nhiên, nếu có ai ghé thăm địa chỉ này vào hai năm trước, chắc chắn sẽ thở dài khi ra về.

Cậu học trò Thành Chung của lớp chuyên Hoá trường Lê Hồng Phong ngày đó nổi tiếng ngoan hiền cả khu phố. Cuộc sống gia đình của hai mẹ con lúc nào cũng tràn đầy không khí vui tươi. Năm 2007, thi đỗ một lúc hai trường, nhưng Chung chọn ngành Điện – Điện tử của đại học Bách Khoa để theo học. “Tôi thích được làm việc với máy móc, vả lại nghề này lúc đó ai cũng bảo có tương lai nên chọn luôn”, Thành Chung cười chia sẻ. Cuộc sống luôn thay đổi. Tốt hay xấu là tuỳ theo bản lĩnh của mỗi người. Và khi bước chân vào năm thứ hai của đời sinh viên, Chung không đủ nghị lực để vượt qua cám dỗ của những người “bạn thân” và ma tuý. Cuộc sống của hai mẹ con vốn đã chật vật, lại càng chật vật hơn mỗi khi anh lên cơn nghiện. Chung hoàn toàn biết mình đã sai lầm, nhưng cơn vật vã thèm thuốc làm anh không thể nào điều khiển được chính mình. Người mẹ không đành lòng nhìn con đau đớn, bà chấp nhận bán tháo đồ đạc để giúp Chung có những liều thuốc khi lên cơn và không muốn đưa con mình đi cai nghiện. Sự tiều tuỵ của hai mẹ con tăng dần theo từng giờ, từng ngày.

“Mỗi lần nhìn má mang đồ đi bán để mua thuốc, tôi chỉ muốn cắn lưỡi mà chết đi. Tôi biết mình sai lầm quá nhiều rồi. Khi mọi người xung quanh nhìn mình rồi khinh bỉ, trong tôi chỉ là sự nhục nhã bao trùm. Bốn tháng đã là quá đủ. Tôi phải mạnh mẽ để sống vì má và vì chính mình. Tôi không muốn má khổ nữa”. Nhìn nhận ra điều cần thiết nhất cho chính mình, Chung quyết định lên trại cai nghiện Củ Chi. Đúng sáu tháng sau, Chung trở về, không mập mạp trắng trẻo như thuở xưa nhưng tràn đầy sức sống so với những ngày tháng sai lầm. Bản lĩnh và ý chí của một người giàu nghị lực đã chiến thắng cơn cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Một câu đánh giá hay một lời khen không thể nào truyền tải hết tất cả những giây phút dùng dằng và đau đớn mà Chung đã vượt qua. Nhưng với cuộc sống hiện tại, Chung khẳng định: “Tôi sẽ sống cho tương lai nhưng không quên đi quá khứ. Sau một cú vấp ngã, tôi muốn tự mình đứng lên, đối diện với nó và làm lại tất cả. Tôi biết ơn má nhiều lắm. Vì thế, tôi sẽ làm tất cả đế má được vui, không phải xấu hổ về đứa con của mình”.

TẠM KẾT

Ba hoàn cảnh. Ba cái tên. Ba nghị lực. Ba người trẻ. Không thể bao quát cho hàng tỷ người trên thế giới hoặc là gần một trăm triệu người của đất nước Việt Nam. Nhưng những câu chuyện đó, cho ta biết rằng, mỗi một con người đang tồn tại trên thế giới đều phải đón nhận khó khăn và thử thách để đạt đủ điều kiện “sống”. Dù ta là một đứa bé tuổi lên ba, hay một thanh niên tuổi đôi mươi và có thể là một người già, ta luôn phải đối diện và vượt qua chông gai mà cuộc sống dành cho mình. Điều cần thiết, thứ vũ khí - không - thể - nào - thay - thế trong cuộc đối đầu đó chính là nghị lực sống của chính mình. Và ta đã sẵn sàng đón đầu một thử thách mới?

(1) Tên nhân vật đã được thay đổi.


NGUYỄN ĐỨC - ĐÔ Thế giới đàn ông.

Xem bài đăng bằng cách bấm chuột vào tiêu đề này: Ta đã đủ nghị lực sống chưa?

No comments:

Post a Comment