Tuesday, April 29, 2014

Bữa cơm thiếu người



Bởi TGGD | Thế Giới Gia Đình – 15:08 ICT Thứ sáu, ngày 26 tháng tư năm 2013


Vì đặc trưng của xã hội, hệ thống trường học, cơ hội nghề nghiệp, sự đầu tư đa dạng, quy mô các ngành nghề, giao lưu văn hóa... thường tập trung ở những thành phố lớn nên mỗi năm, lượng người nhập cư vào các thành phố này để học, lập nghiệp ngày một tăng. Bởi xu hướng này mà nhiều gia đình bị xé lẻ, phân thành những gia đình nhỏ; cha mẹ ở quê, con cái sống và làm việc ở nơi khác… và TGGĐ gọi những gia đình như thế là “gia đình nhiều mảnh”.



Trong bữa cơm của những “gia đình nhiều mảnh” thường xuất hiện muôn vàn câu chuyện về lòng tin, về những mâu thuẫn tình thân, tiền bạc… khiến người trụ cột nhiều phen đau đầu.
Mỗi khi có dịp sum họp trên bàn ăn, các thành viên trong gia đình chị Vy Khang (26 tuổi, Q. 3, TP. HCM) thường đùa: “Nhà mình bốn người mà có tới bốn nồi cơm riêng!”...
Gia đình chia 5, xẻ 7

Dân số TP. HCM giữa năm 2010 là 7.396.446 người, tăng hơn 3 triệu người so với năm 1979.
(Theo số liệu của Tổng cục Thống kê TP. HCM)
Nghe chị Khang kể chuyện nhà, phóng viên không khỏi ngạc nhiên và ái ngại. Hiểu thái độ của người đối diện, chị Khang bình thản giải thích: “Bố tôi vốn làm việc ở Cần Thơ, mẹ thì cũng có công việc ở Sóc Trăng. Khi tôi tốt nghiệp cử nhân và ở lại TP. HCM lập nghiệp thì cũng là lúc em trai lên đây học đại học. Thành ra, gia đình tôi, dù rất hạnh phúc nhưng một năm chỉ đoàn viên được vài lần”...
Ghé thăm nhà anh An Nguyên (29 tuổi, nhân viên kinh doanh, Q. Bình Tân), chưa kịp hỏi chuyện, chúng tôi đã thấy anh lật đật làm việc quen thuộc mỗi ngày là gọi điện thăm hỏi người thân. Ba mẹ anh Nguyên (hiện đang sống ở tỉnh Khánh Hòa) có ba người con trai nhưng ông bà lại đang “tự chăm nhau” vì con cái mỗi đứa một nơi. Anh Nguyên sống ở TP. HCM, hai cậu em kế còn độc thân, một người làm việc ở Tây Ninh, người còn lại học nghề ở Bình Dương. Bởi thế, mỗi ngày anh Nguyên phải dành ít thời gian gọi điện hỏi thăm từng người...
Vì miếng cơm, vì chuyện học mà những người như anh Nguyên, chị Khang phải sống xa ba mẹ, định cư, xây dựng cho mình một gia đình nhỏ ở nơi khác. Dù vậy, họ vẫn không thể lờ đi nghĩa vụ yêu thương và chăm sóc mảnh gia đình còn lại, là ba mẹ, anh chị ở quê. Vậy là, mặc cho mỗi ngày không thể cùng ngồi ăn cơm chung nhưng họ vẫn phải chăm sóc tinh thần ba mẹ bằng cách gọi điện thăm hỏi mỗi ngày; chu cấp hay phụ thêm kinh tế hằng tháng.



Gia đình phân tán mỗi người một nơi nhưng vẫn sống cùng một nước đã ít người muốn; có những người còn phải sống xa nhà, cách người thân cả đại dương mênh mông. Có thể kể đến trường hợp của anh Thanh Quang (34 tuổi, nhân viên cơ khí, đang sống ở Nhật). Nhờ thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật nên sau 3 năm làm việc ở TP. HCM, anh Thanh Quang được đề bạt chức trưởng văn phòng đại diện của công ty tại Nhật Bản. Sang Nhật làm việc rồi lập gia đình, anh Quang để lại căn chung cư ở Q. Thủ Đức đã mua khi còn làm việc tại TP. HCM cho ba mẹ và em gái từ quê lên sống.
 Theo ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, từ năm 2004 - 2009, Bến Tre là tỉnh có tỷ suất xuất cư cao nhất, 78,3 nghìn người. Đứng sau đó là Hà Tĩnh (76 nghìn người), Vĩnh Long (74,4 nghìn người)... Xu hướng xa quê đến nơi khác lập nghiệp, sinh sống và học tập là nguyên nhân tất yếu phá vỡ cấu trúc cơ bản của gia đình. Từ một gia đình lớn tạo thành nhiều nhánh nhỏ.
Gánh nặng kinh tế
Nếu xét đến hệ quả của việc các gia đình lớn bị phân mảnh thành những gia đình nhỏ thì gánh nặng về kinh tế là điều đầu tiên cần lưu tâm. Trước hết, kinh tế sẽ trở thành mối lo với những ai là trụ cột gia đình. Bởi lẽ, họ vừa phải chu toàn điều kiện sống cho gia đình riêng, vừa phải chu cấp tiền cho những “mâm cơm” khác, đó là ba mẹ, anh chị em ruột…
Chuyện của anh Nguyên là một ví dụ. Hôm chúng tôi đến nhà, anh vừa tiếp chuyện, vừa ngồi... đếm tiền rồi giải thích: “Khoản dày nhất tôi gửi cho ba mẹ, còn lại thì phụ chút tiền ăn cho thằng Út, cậu em kế làm lương bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, có tháng còn xin thêm. Cũng may vợ không tính toán chi li, nếu không chắc tôi phải lập “quỹ đen” mới đủ cho gia đình lớn”.
Cố gắng chu cấp tiền bạc đủ đầy mỗi tháng vẫn chưa phải là cái vấn đề nặng đầu nhất với người trụ cột trong những gia đình nhiều mảnh thế này. Điều quan trọng hơn đó là việc họ chỉ có thể chu cấp tiền bạc chứ không thể quản lý hay định hướng người thân của mình xài cho đúng, cho đáng. Không ít người vì chẳng phải vất vả lo kế sinh nhai và có sẵn tiền tiêu xài nên đôi khi cũng sa lầy vào thói quen xấu.



Anh Quang trong câu chuyện trên kể, ngày trước, mỗi tháng anh phải gửi về cho gia đình 4 triệu đồng phí sinh hoạt. Tưởng vậy là xong, ai ngờ cô em gái ngoài 30 của anh lại đòi dọn ra ngoài ở trọ cùng bạn để tiện cho việc đi học các lớp ngoại khóa. Thế là anh Quang bị ép vào thế phải gửi thêm tiền học, tiền trọ cho em gái. Nhà cửa quạnh vắng, mẹ anh Quang thấy buồn nên sang nhà hàng xóm giao lưu rồi sẵn tiện “gầy sòng” kiếm tiền chợ.
Còn ba anh Quang, vì quản không được vợ con nên nhất quyết về quê sống, điều đó đồng thời khiến anh Quang lại phải gánh thêm việc chu cấp phí sinh hoạt cho ông cụ. Cố gắng làm lụng để dành tiền lo cho người thân không làm anh Quang thấy sợ. Điều anh băn khoăn là mẹ mình có nguy cơ trở thành con nghiện bài bạc, em gái anh có thể bị bạn xấu dụ dỗ lấy tiền hay việc ba anh sống một mình sẽ dễ gặp nguy hiểm về sức khỏe do tuổi cao.
Vẫn biết để đảm bảo kinh tế gia đình, tìm đến tương lai tươi sáng, nhiều người phải tách khỏi tổ ấm lớn để đi lập nghiệp phương xa. Tuy nhiên, nếu không có sự thống nhất, cảm thông, thấu hiểu từ cả người đi lẫn người ở thì ngoài gánh nặng kinh tế trĩu vai, các mảnh gia đình sẽ có thêm nỗi lo, thậm chí là sự rạn nứt tình thân khi mỗi người ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Như chuyện nhà anh Quang, anh Nguyên, cả hai người phải gồng gánh tránh nhiệm kinh tế với từng mảnh gia đình trên vai từ khi còn độc thân cho đến lúc lặp gia đình.
Vết rạn nứt ngầm
Là người sống tình cảm nên chị Vy Khang rất sợ cảnh cả mọi người sống xa nhau khiến tình cảm gia đình phai lạt. Vậy là chị Khang luôn phải chủ động tìm cách gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. “Có lần về quê, tôi phát hiện bố mẹ đang có mâu thuẫn, giận hờn… Thế là tôi phải khẩn trương trò chuyện với từng người, tìm nguyên do, rồi lựa lời nói ra nói vào, giúp họ hàn gắn tình cảm. Con cái chính là cầu nối quan trọng trong chuyện tình cảm của bố mẹ mà! Còn may là dù sống xa nhau nhưng gia đình tôi vẫn đầm ấm vì mỗi thành viên đều ý thức được việc giữ gìn mái ấm của mình, nếu không tôi chẳng biết nhà mình sẽ ra sao”, chị Khang chia sẻ.
Dù nhiều người sống xa gia đình vẫn có ý thức duy trì sự gắn kết tình thân, nhưng đôi khi có nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan khiến việc quy gia đình về một mối khó khả thi. Có thể kể đến chuyện nhà anh Nguyên, mặc dù ngày nào anh và hai em trai cũng thay phiên gọi điện cho ba mẹ, nhưng anh vẫn thấy lo lắng khi cha mẹ già mà phải lụi cụi chăm nhau. Năm ngoái, vợ chồng anh nằng nặc mời ba mẹ vào TP. HCM sống nhưng sau ba tháng ở chăm cháu nội, mẹ anh quyết về quê sống luôn vì không chịu được nhịp sống căng thẳng, hối hả và ngột ngạt ở một thành phố lớn như TP. HCM.



Trường hợp của anh Quang thì lại càng khổ tâm hơn. Mỗi năm, anh chỉ về nước được 10 ngày nên lịch trình ở Việt Nam luôn được anh sắp xếp rất chặt chẽ, chi tiết. Vậy mà nhiều lần về nước, mọi kế hoạch của anh đều vỡ, thời gian không đủ để đi chơi thư giãn vì bị mẹ và em gái giữ chân để kể tội chồng/ba mình. Còn riêng ba anh, mỗi lần con về nước là ông lại bắt anh đưa mình sang Nhật sống...
Vợ anh Quang thấy chồng hay đau đầu chuyện tiền bạc nên cũng tỏ vẻ bực mình, vì dường như trong mắt mọi người, chồng chị chỉ là “kho bạc” để họ thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Có lần, vợ anh Quang khuyên: “Một là anh bán nhà dưới quê, hai là bán chung cư để ba mẹ về quê sống. Em nghĩ cách thứ hai hợp lý hơn vì cả nhà đã có khoảng thời gian dài sống dưới quê rồi!”. Hiểu ý vợ nhưng anh Quang không thể làm khác vì ba mẹ anh chẳng ai chịu nhường, cô em gái thì nằng nặc đòi sống ở Sài Gòn dưới sự chu cấp của anh trai. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng anh Quang cũng bắt đầu có những “cuộc chiến”, bởi hai vợ chồng đang có kế hoạch sinh con thứ 2. Bên hiếu bên tình, anh Quang cũng khó lòng tính cho tròn vẹn...

Anh Quang phải chịu nhiều áp lực tinh thần, kinh tế.


Vì nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà nhiều gia đình bị chia nhỏ, xé lẻ như những câu chuyện vừa nêu. Và tất nhiên không thể thiếu việc do khoảng cách địa lý, thiếu cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ, mối dây liên kết thâm tình dễ bị mỏng dần. Nếu bất cứ ai cũng viện cớ “lo cho cuộc sống” mà để cho tình thân bị đứt đoạn thì những gia đình thế này sẽ bị “vụn” đi trong nhịp sống hiện đại đầy hối hả.
QUỲNH CHI - A. HÂN
----------
Chúng tôi có ý kiến
Nhiều mảnh là bình thường
Khi ra trường, tôi nhất định sẽ bám trụ ở TP. HCM và xây dựng gia đình riêng của mình ở đây. Tôi nghĩ thời bây giờ, việc gia đình bị chia thành “nhiều mảnh” cũng là điều bình thường, nơi nào có điều kiện phát triển thì mình ở thôi! Tôi thuộc típ người sống thiên về tình cảm, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với chuyện “ba mẹ sống ở đâu, con cái phải ở đó” và ngược lại. Thật lòng, tôi vẫn muốn ba mẹ sống ở quê vì nó hợp với tính cách, con người của họ. Nếu bạn thực sự thương yêu ba mẹ thì dù ở gần hay ở xa, bạn cũng luôn tìm cách làm cho họ cảm nhận được tình yêu của mình.

Võ Văn Tạo (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Mở TP. HCM)


Võ Phương Anh (25 tuổi, thông dịch viên, Q. Gò Vấp)

Không thích “xé lẻ”
Tôi thích sống cùng gia đình nên lúc nào cũng muốn ba mẹ, anh chị em cùng ở chung nhà. Có điều, ba mẹ thấy cuộc sống ở
TP. HCM không hợp với tuổi già thì tôi tôn trọng ý định của họ. Bù lại, vợ chồng tôi thường xuyên về quê thăm ba mẹ và ông bà hài lòng về điều đó. Tôi thường thủ thỉ với chồng là mình không thích việc gia đình bị “xé lẻ” nếu đó chưa phải là giải pháp tốt nhất cho các thành viên. Vì vậy, vợ chồng tôi đang và sẽ cố gắng hết sức để con cái luôn ở bên cạnh mình, chứ nhìn cảnh những người già lặn lội dưới quê, tay xách nách mang đồ đạc lên thành phố thăm con cháu, tôi thương lắm!



Yêu thương là chính
Nếu không vì việc học hành, sự nghiệp của con thì chẳng ba mẹ nào muốn “chia nhỏ” gia đình mình. Có con cái bên cạnh, ba mẹ dường như có động lực để sống tốt hơn, nhất là không thấy cô đơn trong tuổi già. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu ba mẹ - con cái hợp tính thì việc “quy về một mối” là điều nên làm. Còn trường hợp ba mẹ - con cái suốt ngày cãi nhau thì việc “chia nhỏ” lại là giải pháp hay. Tôi không quan trọng việc con cái sống chung hay riêng với ba mẹ, mà cốt yếu là tụi nó có yêu thương ba mẹ hay không. Nếu con cái luôn dành tình cảm tốt đẹp cho đấng sinh thành thì mùa nào cũng là mùa xuân.

Nguyễn Văn Long (55 tuổi, xe ôm, Q. 12)

 AN YÊN
----------
Gia  đình nhiều mảnh: Xu hướng của thời đại
Gia đình vốn được xem là tổ ấm của mỗi người, là nơi mang lại sự ấm áp trong mỗi bữa cơm, khi có đủ tiếng cười của cả nhà. Thế nhưng, sự ấm áp đó đang vơi dần đi vì ảnh hưởng của đô thị hóa. 



Chúng ta thường nghe nói đến khái niệm di dân và hệ quả của di dân đối với nơi đến, chẳng hạn như quá tải dân số đô thị, vấn đề việc làm... Nhưng hiếm có ai nghĩ đến một khía cạnh khác của di dân, đó chính là việc các gia đình bị “chia nhỏ”, các thành viên sống ở những vùng địa lý khác nhau và không còn nhiều những bữa cơm sum họp mỗi ngày.

27,41% dân số sống tại nội thành TP. HCM là dân nhập cư từ các tỉnh khác.
(Số liệu năm 2009 của Tổng cục Thống kê)
Hệ quả tất yếu của đô thị hóa
Có thể nói, học tập là một trong những lý do của việc di dân và khiến các gia đình bị xé nhỏ. Với số lượng lớn các trường đại học đóng tại các thành phố trung ương, chúng ta dễ dàng hình dung ra được hình ảnh: Mỗi sinh viên đến thành phố nhập học nghĩa là một gia đình ở thôn quê đã bị xé lẻ. Đa phần, với các bạn sinh viên vào các thành phố lớn học tập, sẽ có rất ít người trong số họ có mong muốn trở lại xây dựng quê hương sau khi tốt nghiệp. Họ thường ở lại tìm việc tại thành phố, vì thông thường, với đa phần các ngành nghề, sinh viên sẽ có rất ít có cơ hội cũng như môi trường làm việc như ý nếu quay về quê nhà.
Thêm vào đó, dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa như hiện nay, một mặt, đời sống kinh tế xã hội phát triển vượt bậc, nhưng mặt khác, đô thị hóa cũng có những tác động không nhỏ đến mô hình gia đình. Từ các gia đình đa thế hệ nay đã chuyển dần sang mô hình những gia đình hạt nhân (hình thái gia đình gồm có bố, mẹ và con cái còn nhỏ tuổi). Tuy nhiên, trong mô hình gia đình hạt nhân ấy, đôi khi cũng không được vẹn toàn. Bởi lẽ, nó đã bị “chia năm xẻ bảy” vì các thành viên phải đi tìm kế sinh nhai. Mọi thứ dường như bị cuốn vào vòng xoáy của sự phát triển kinh tế và di dân là điều không thể tránh khỏi.



Tương lai tiếp tục phân mảnh
Có thể nói, di dân là một trong những hệ quả của quá trình đô thị hóa nông thôn. Trong thời gian tôi làm một đề tài nghiên cứu tại Bình Dương, Cà Mau và Trà Vinh, hầu hết những người trong nhóm khảo sát đều phải đi làm ăn xa, phần đông trong số đó là thanh niên. Và TP. HCM được xem là “thiên đường” cho mọi công dân. Một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao họ lại phải xa gia đình, xa quê hương để đi làm ăn xa?
Câu trả lời là việc mất đất nông nghiệp ở nông thôn khiến cho những người nông dân lớn tuổi trở nên “nhàn rỗi”, thanh niên thì bỗng dưng trở thành người thất nghiệp. Gánh nặng áo cơm buộc họ phải xa gia đình, phải đi làm ăn xa nơi xứ người nhằm kiếm tiền nuôi thân và hỗ trợ cho gia đình, điều này dẫn đến việc gia đình bị phân mảnh. Khi hỏi các bậc sinh thành về việc con mình đi làm ăn xa, hầu hết họ đều không mong muốn con cái phải xa cha xa mẹ như thế. Nhưng vì cuộc sống, vì hoàn cảnh, họ đành nuốt nỗi thương nhớ con vào trong và cầu mong cho con cái khỏe mạnh, bình yên nơi xứ người. Thiết nghĩ, với tốc độ đô thị hóa nông thôn hiện nay, xu hướng “gia đình nhiều mảnh” này sẽ còn tăng cao trong tương lai.
ThS. Nguyễn Thị Từ An (Giảng viên khoa Xã hội học, trường Đại học Bình Dương)
----------
Gia đình nhiều mảnh: Những sai lầm vô tình
Việc lệch pha trong lối sống, thói quen sinh hoạt (do sống ở những nơi khác nhau) giữa các thành viên trong gia đình đôi khi chính là nguyên nhân khiến các “mảnh ghép” tách rời nhau xa hơn. Chỉ cần chú ý đến những sai lầm vô tình này và tránh lặp lại thì dù gia đình nhiều mảnh vẫn hạnh phúc...



Ba mẹ
- Cằn nhằn khi thấy con nghe điện thoại, dùng laptop thường xuyên trong những ngày về quê thăm mình, bất chấp thực tế là con cái cũng cần giải quyết công việc gấp.
- Ép con cái sống theo khuôn phép ở quê như ngày trước, từ thói quen ngủ, nghỉ đến cách ăn mặc, sinh hoạt. Đồng ý là nhịp sống ở quê khác nhiều so với thành phố lớn, tuy nhiên, việc ăn mặc, ngủ nghỉ đôi khi cũng nên linh động, miễn sao con cái lẫn cha mẹ đều thấy thoải mái, vui vẻ là được.
- Khi con cái về quê, nhất là những đứa con ở xa, ba mẹ thường bắt con đi chào họ hàng, tổ chức ăn uống, tiệc tùng để thể hiện niềm vui. Việc này không sai nhưng bậc phụ huynh cần thông cảm rằng con cái đôi khi chỉ muốn dành thời gian ở bên cha mẹ, nghỉ ngơi chứ không muốn gặp... hàng xóm.



Con cái
- Giải quyết công việc là điều cần thiết, nhưng đã về quê thăm ba mẹ thì bạn cũng đừng mê việc đến độ ôm laptop, điện thoại cả ngày...
- Vì mệt mỏi với áp lực công việc, học hành ở thành phố mà cáu gắt với bố mẹ khi ở nhà. Lúc bố mẹ hỏi chuyện, góp ý lại không đón nhận với thái độ trân trọng.
- Cách ăn mặc, tóc tai quá phóng khoáng, hiện đại. Lúc về quê, nên chọn những kiểu quần áo không quá hở, mỏng, ngắn...
- Chỉ lo đi thăm, gặp gỡ bạn bè cũ, bỏ quên ba mẹ ở nhà. Khi được yêu cầu đi chào họ hàng thì khó chịu.
Nhân loại đang cô đơn hơn?
Nếu ở nước ta, khi bước vào tuổi 18, học đại học thì một số bạn trẻ mới bắt đầu sống tự lập thì ở phương Tây, những người trẻ thường sống tách biệt với gia đình từ rất sớm. Ở Mỹ, những ai đã đủ 16 tuổi đều có quyền xin “giấy thông hành” từ tòa án để được sống tự lập, không cần ở chung hoặc chịu sự giám hộ của người thân, với điều kiện phải nêu được lý do thuyết phục và được sự đồng ý của ba mẹ.
Trong trường hợp ba mẹ không ủng hộ việc con mình sống tự lập, tòa án sẽ xem xét khắt khe hơn những điều kiện khác, ví dụ như khả năng kinh tế, thể chất và mối quan hệ với gia đình của người nộp đơn. Nếu chứng minh được việc sống tự lập là tốt nhất cho mình hoặc kết hôn ở tuổi 18, gia nhập quân đội thì bạn sẽ nhanh chóng được tòa án phê duyệt quyền sống tách rời gia đình, không phải chịu sự quản giáo của ba mẹ.
Đa phần, những người sớm tách rời gia đình thường kết hôn rất sớm. Ảnh hưởng tích cực từ lối sống này là mỗi người phải học cách trưởng thành, có khả năng kiếm tiền để đi học, sinh sống và cân bằng được thời gian giữa việc học và làm nếu muốn có tương lai tốt hơn.
Song, điểm tiêu cực là những người sớm tách rời gia đình thường dạy con cái của họ sống cứng cỏi, tự lập hơn những đứa trẻ khác bởi họ không có nhiều thời gian cho con. Từ đó, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình hạt nhân kiểu này thường không có hoặc rất yếu, giữa ba mẹ và con cái thường xảy ra mâu thuẫn. Và điều tệ nhất là những đứa trẻ này hiếm khi nào về thăm ông bà, khi mà mối liên kết giữa ba mẹ và ông bà chúng vốn đã gãy vỡ từ lâu. Có nhiều trường hợp còn mất hẳn liên lạc với ông bà bên nội/ngoại hoặc chỉ xem việc đến thăm họ như là nghĩa vụ. Bởi, ngay từ bé, những đứa trẻ này đã không có được sự gần gũi, chăm nom từ phía ông bà... Do đó, xét về mặt tiêu cực, lối sống tự lập ở phương Tây đang vô tình làm tình cảm gia đình bị xé vụn nhiều hơn.
YẾN LY (lược dịch)
----------
Mảnh ghép hạnh phúc
“Gia đình nhiều mảnh” có thể coi là một xu hướng, hiện tượng tất yếu của cuộc sống đô thị hóa không ngừng. Và, việc mà chúng ta có thể làm là nỗ lực tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, sao cho mỗi người trở thành những mảnh ghép hạnh phúc làm nên bức tranh gia đình thật đẹp.



Nếu chưa biết cách tạo sự gắn kết, bạn có thể thử làm theo những gợi ý dưới đây:
Bên nhau là ngày hội
Bạn nên chủ động biến những ngày ở cạnh người thân thành ngày hội. Cả nhà cùng nấu ăn, trò chuyện, đi ăn ở ngoài, mua sắm hay đơn giản là cùng ngồi xem phim. Những điều này sẽ trở thành kỷ niệm ngọt ngào, giúp bạn ý thức được việc giữ gìn tình cảm gia đình, dù ở xa.
Duy trì liên lạc
Nếu ở xa, bạn nên thường xuyên gọi điện thăm hỏi người thân ở nhà. Những cuộc điện thoại đúng dịp, đúng lúc với những lời hỏi thăm chân tình sẽ ấm lòng người ở nhà đang nhớ nhung bạn. Bạn cũng nên chia sẻ cảm giác trống vắng khi xa nhà cho người thân biết. Đừng ngại “phàn nàn một chút” về những khó khăn của mình. Gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc cho bạn.
Thu xếp về thăm nhà
Những dịp lễ, Tết hay lúc nào có điều kiện bạn hãy cố gắng thu xếp về thăm nhà. Bởi đó là cơ hội quý giá để mọi thành viên gặp gỡ và ôn lại kỷ niệm.
Quà cáp gắn kết yêu thương
Nếu bạn không thể thu xếp thời gian, công việc để về thăm gia đình, thỉnh thoảng hãy gửi về nhà những món quà nhỏ. Ngoài những giá trị về vật chất, quà còn thể hiện sự quan tâm và tình cảm của bạn với gia đình. Hãy chọn những món quà đúng sở thích và là thứ mọi người đang cần. Những món quà đó sẽ nói cho người thân biết những tình cảm chân thành mà bạn dành cho họ.
Bạn cũng có thể gửi những bức ảnh mới của mình về cho người thân xem. Mọi người sẽ hình dung ra cuộc sống hằng ngày của bạn như thế. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi những bức ảnh cũ của gia đình mà bạn còn giữ, nhắc mọi người nhớ về kỷ niệm ngày xưa hơn. Một số người chỉ để ý đến việc tặng quà sinh nhật, lễ lạt cho bạn bè, đồng nghiệp, các mối quan hệ bên ngoài mà đôi khi quên bẵng đi các thành viên trong gia đình, đó là điều không nên!
Cuộc sống của mỗi người sẽ bình yên khi có gia đình. Gia đình sẽ luôn ấm áp khi bạn luôn biết chăm chút và sưởi ấm dù có khoảng cách về địa lý.
Võ Thị Minh Huệ Luật gia - Chuyên gia Tâm lý (Văn phòng tư vấn Tâm Lý Trẻ)
----------
Lựa chọn cuộc đời
Một thực tế không thể phủ nhận là hệ thống giáo dục sau trung học phổ thông ở nước ta phần nhiều chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Nhiều bậc phụ huynh muốn con mình sau khi học xong sẽ về quê công tác nhưng rất khó thuyết phục con. Về phần con cái, nhiều người cũng không biết làm thế nào để thuyết phục ba mẹ hiểu cho mình rằng, sống ở thành phố thì công việc, tài chính của họ mới có nhiều cơ hội phát triển.



Sự mâu thuẫn này chính là nguyên nhân khiến các mảnh ghép gia đình đã xa lại càng xa hơn. Vậy, làm thế nào để thống nhất quan điểm, đưa ra lựa chọn tốt nhất? Dưới đây là những gợi ý về một kế hoạch cho tương lai của những gia đình bị phân mảnh mà TGGĐ thu nhận được, xin chia sẻ cùng bạn đọc:
- Hai bên nên có thỏa thuận như: Sau 2, 3 năm làm việc ở thành phố, nếu công việc và lương bổng không có sự phát triển thì con cái phải nghĩ đến việc về quê định cư với bố mẹ. Ngược lại, bố mẹ phải chứng minh được công việc và điều kiện ở quê có nhiều điểm lợi, hấp dẫn nhất định.
- Trước khi cho con theo học ngành nào, ba mẹ cần xét đến khả năng tìm việc của ngành nghề đó. Nếu đã định hướng cho con theo học một ngành mà chỉ có khả năng phát triển ở thành phố thì ba mẹ nên ủng hộ con hết mình!

                                                                                                                                                  Thiên Thy
(Theo Tạp chí Thế Giới Gia Đình)

No comments:

Post a Comment