Sunday, July 12, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 6 - Nuôi dạy con "banana"

Có thể nói, những đứa con Việt được sinh ra ở trời Tây, chúng nó lợi đủ đường. Những đứa con này thường bị ví von như "banana". Ý nói là bên ngoài da vàng, người Việt Nam chính cống, nhưng bên trong như tính cách, lối sống thì rặt của người da trắng. Banana là vì vậy. Đối với các bạn "banana" (tạm gọi) thì cái thuật ngữ ấy có mang tính kỳ thị gì hay không, mình cũng không rõ nữa. Nhưng mình thấy, đó là thuật ngữ ví von chuẩn xác nhất.

Việc nuôi dạy con ta ở trời Tây cũng là một vấn đề làm đau đầu các bậc phụ huynh ở đây. Đó chính là sự xung đột giữa hai hệ giá trị Tây - Ta. Dù sống ở trời Tây nhưng các bậc cha mẹ Việt ở đây vẫn luôn muốn con mình giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc dân tộc. Thế nhưng, nếu không khéo léo trong việc truyền đạt thì có khi lại mang hiệu quả "ngược". Đơn giản là vì con cái đã được giáo dục về Quyền Tự Do ngay từ khi còn rất nhỏ.

Mình có một chị bạn. Chị sống ở Úc khoảng 20 năm. Con cái chị đã vào đại học, có đứa đã tốt nghiệp và đi làm. Chị có cô con gái "rượu". Mình biết, gia đình chị rất nề nếp và rất Việt Nam. Bởi vì chị vẫn muốn giữ gìn những nét đẹp trong đời sống gia đình của người Việt. Một hôm sang chơi và nghe chị tâm sự...

Trời ơi, em biết không? Khổ lắm em ơi. Con gái chị năm nay đã 21 tuổi rồi. Rồi nó có bạn trai, rồi nó dẫn về nhà. Chị biết là chúng nó... chúng nó đã quan hệ với nhau rồi. Chị thì không thích điều đó xảy ra. Thật sự chị không muốn. Chị muốn con gái mình giữ cái đó (trinh tiết) cho ngày hôn nhân của nó. Nhưng mà khi chị nói chuyện với nó, nó bảo "Con đâu có làm gì sai đâu. Tụi con yêu nhau mà". Thế đó! Chị biết phải làm sao? Nó còn nói là "tụi bạn con đó, chúng nó đã ngủ với nhau từ khi chúng nó mới 15 tuổi". Bạn con làm được, tại sao con lại không được? Ừ thì bạn nó đã quan hệ khi mới 15 tuổi, còn con mình giữ được cho đến 21 tuổi thì cũng đã là quý hoá lắm rồi.

Cái lối sống ở đây nó quá thoáng về chuyện đó (quan hệ tình dục) đó em.... Ừ thì nó nói đúng là chúng nó không làm gì sai cả. Mà đúng, nó có làm gì sai đâu. Chúng nó có quyền đó. Nhưng mà chị không thích vậy. Nên nhiều khi nghĩ.... chị thấy buồn lắm! Em biết không? Đâu phải chị sống cho riêng mình chị. Chị còn có gia đình, họ hàng.... Chị không muốn họ hàng phải nói này nói nọ khi biết con gái mình "break the rules".... Bởi vậy, nên nhiều khi, chị không biết phải nói chuyện với nó ra sao luôn.

Đây chỉ là một trong những tình huống xung đột giữa hai thế hệ trong quan niệm về trinh tiết. Và giải pháp tối ưu cho vấn đề này là người mẹ buộc phải tự thay đổi quan niệm của mình về điều đó. Dĩ nhiên là không dễ thay đổi, nhưng phải thay đổi. Bởi vì, chị cũng sống trong xã hội "thoáng". Chị thay đổi để hiểu con mình hơn và hạn chế những rắc rối khác, cái mà có thể phát sinh từ nó.

Mình cũng có nhiều dịp tiếp xúc với các gia đình người Việt ở đây. Thật sự thấy rất vui vì con cái họ rất ngoan, rất lễ phép và biết nghe lời cha mẹ. Đó là điều đáng quý! Thế nhưng, để đạt được những điều đó, chắc chắn họ đã không ít lần căng thẳng, thậm chí trầm cảm trong việc nuôi dạy con nên người.


Melbourne, July 12th, 2015
An Nguyen

No comments:

Post a Comment