Tuesday, July 14, 2015

Chuyện ta ở xứ người: Kỳ 10 - Cái PR VISA

Đa phần những người ở các nước đang phát triển hoặc nghèo, nếu có cơ hội đặt chân đến Úc hoặc các nước phát triển khác, đều không muốn quay về [*]. Họ muốn ở lại và tìm cách để được ở lại. Người Việt Nam cũng vậy, cả nam và cả nữ. Đơn giản thôi, ai mà không muốn mình được sống ở môi trường tốt hơn, điều kiện tốt hơn.

Và thế là, những ai muốn ở lại đều tìm cách hoặc lên kế hoạch để lấy cho được cái PR [**]. Có người đi bằng con đường chính thống. Tức là bằng sự nỗ lực của bản thân để định cư theo diện tay nghề. Được vậy thì ngon lành rồi. Vì Úc có hàng loạt các ngành nghề [***] được phép ở lại hoặc ưu tiên cộng điểm [****] khi nộp hồ sơ xin PR. Cũng có người kết hôn thật với người có PR. Được thế thì may mắn quá. Có người chính thống, thì dĩ nhiên cũng có người không chính thống. Cũng có người kết hôn giả. Mà trường hợp này thì nhiều vô kể. Cũng có người "mua" PR. Và cũng có người sống trốn chui trốn lủi.

Nói đến kết hôn giả thì chắc không ai xa lạ gì nhỉ. Có vẻ đó như là một thị trường ngầm và "hàng hoá" thì luôn đắt đỏ. Giá cả lúc nào cũng chỉ có tăng lên chứ không hề giảm xuống. Và ai kinh doanh "mặt hàng" này thì béo bở vô cùng vì không phải đóng thuế. Cò béo bở mà người bán hàng cũng béo. Mà không phải lúc nào cũng dễ tìm được người đồng ý giao dịch đâu. Rất là khó! Có hôm sang thăm chị T, chị ấy bảo rằng: Ôi, mướn người về Việt Nam làm kết hôn giả khó lắm em. Tìm người không ra, mà mình còn dễ bị lừa nữa. Vì có thằng nó láo. Nó ừ với mình xong, mình chi tiền cho nó về Việt Nam, nó ăn chơi cho sướng rồi nó bỏ ngang. Mình đâu có làm gì được nó. Mình mất tiền oan. Ờ mà cái giá cho nam và nữ cũng khác nhau nữa đó em. Con gái ở đây giá cao hơn con trai đó. Ví dụ mình muốn thuê đứa con gái ở đây về cưới thằng em thằng cháu nào đó ở Việt Nam, mình phải trả cao hơn giá của con trai, là khoảng 5 ngàn đô. Có khi nó đòi cao hơn nữa. Vậy đó, và còn nhiều rủi ro khác nữa.

Cách đây mấy ngày, anh bạn C kể mình nghe câu chuyện của chị bạn người Việt. Ảnh kể, chị này kết hôn giả với một ông người Úc gốc Việt, chị ấy trả cho ông ta 80 ngàn đô. Chị sống chung với ông ta và phục vụ ông ta về mọi thứ, kể cả tình dục. Họ phải sống như vợ chồng thật, vì Bộ Di Trú có thể kiểm tra đột xuất nhà của họ. Nhưng chuyện đâu phải chỉ dừng lại ở 80 ngàn đô và làm "nô lệ" tình dục cho gã đâu. Trong thời gian sống chung, gã đã đòi tiền chị được thêm 20 ngàn đô nữa. Cho tới thời điểm này, chị vẫn chưa có PR, và không ai chắc chắn rằng gã chồng hờ sẽ không đòi thêm tiền nữa.

Một trường hợp khác, hôm nọ, mình lang thang trên facebook thì tình cờ đọc được câu chuyện. Không biết có thật hay không nhưng... theo mình, mình tin là thật. Có bé ấy kể rằng cô mới từ Việt Nam sang, ở đậu nhà bà dì. Một hôm, nghe bà dì thông báo là nhà có khách quan trọng nên không được làm ồn ào hoặc gây mất lịch sự. Hôm đó, khách đến nhà. Đó là một ông Thượng Nghị Sĩ Úc. Cô bé cũng có vẻ "phục" bà dì của mình vì cái độ quan hệ rộng và "cao" của bà ấy. Đang đứng rửa chén, và cô bé lắng nghe được cuộc nói chuyện của hai người "lớn" với nhau. Bà dì nhờ ông nghị sĩ "mua" cho bà bạn của bà cái PR. Số là bà bạn của dì ở đây đã lâu mà không có được PR, nên giờ "nhờ vả " đến ông. Ông ra giá 75 ngàn đô và hẹn sau 2 tuần nữa sẽ giao "hàng" và nhận tiền. Đúng hẹn, 2 tuần sau, cô bé lại rình coi. Cô như loá hết cả mắt vì những sấp đô la mới cáu được đặt cạnh nhau trên bàn. Bà dì giao tiền, ông đưa bà cái PR. Một cuộc giao dịch thành công và nhanh gọn. Đọc xong câu chuyện của cô bé, mình lướt xuống các "còm men" bên dưới thì thấy, đa phần là "cho xin số điện thoại của bà di đi em", "cho xin địa chỉ nhà của bà dì đi em". Có thể họ nói cho vui nhưng cũng có thể họ đang xin thật. Ai mà biết được....

Cũng có 1 bà người Việt nọ, bà ấy cùng đứa con gái sang Úc. Không biết đi vì diện nào. Nhưng khi hết hạn visa, bà ta và đứa con gái không về. Trốn luôn ở đây. Hàng ngày, bà ấy đi làm để nhận tiền mặt. Còn đứa con, đã lớn, tầm 14 -15 tuổi. Không đi làm nhưng cũng không thể đi học, vì hai mẹ con đang trốn mà. Thế là, ngày bà đi làm, con ở nhà chơi game. Thiết nghĩ, để hai mẹ con có thể tồn tại được mà không có bất kỳ đồng trợ cấp nào, thế thì người mẹ phải làm rất nhiều việc không tên khác. Và rồi, không hiểu được..... tương lai hai mẹ con sẽ đi về đâu???

Thật là không biết phải trả bao nhiêu "giá"... tiền bạc, tình dục, tương lai những đứa con và những hệ luỵ khác, trong một cuộc giao dịch PR?


Melbourne, July 14th, 2015
An Nguyen

[*] Dĩ nhiên là có người quay về, vì mong muốn đóng góp cho quê hương, hoặc vì một ràng buộc nào đó. Ở đây, tác giả không quy chụp cho toàn bộ người Việt Nam. 
[**] Permanent Resident: Thường trú nhân
[***] Các ngành nghề này có tràn lan trên mạng và không khó để có thể tìm thấy danh mục nghề nghề này.
[****] Úc có hình thức cấp PR theo cách tính điểm. Tuỳ thuộc vào độ tuổi, trình độ, thời gian ở Úc, điểm tiếng Anh... Nếu đủ điểm, Úc sẽ cấp PR. 

No comments:

Post a Comment