Wednesday, January 10, 2018

Em chẳng biết mình thiếu gì?

Bài đăng trên phunuonline:

Dù khác biệt ngôn ngữ, trao đổi toàn phải ra dấu nhưng ba mẹ hoàn toàn yên tâm giao con gái và cháu ngoại cho chàng rể. Ngày trở về nước, ba mẹ còn dặn chị không được ăn hiếp chồng.




Con gái mang ba dòng máu Úc, Ý, Việt mới bập bẹ, cứ gọi ba, daddy, rồi lại “biến tấu” thành dada, dadba khiến vợ chồng chị Nguyễn Thị Từ An – anh Joseph bật cười. Hạnh phúc giản đơn mà kỳ diệu như một giấc mơ, khiến nhiều đêm, chị Từ An ngỡ ngàng tự hỏi: “Sao mình lại ở nơi đây, sao lại có một ông Tây to cao và một ai bé xíu nằm kế bên?”.
Có ai đợi bên kia đại dương…
Chị sinh ra ở một quê nghèo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nhà đông anh chị em, dẫu yêu thương, lo lắng mấy, ba mẹ cũng không chạy chữa khỏi căn bệnh sốt bại liệt, đành để nó cướp đi đôi chân của con gái mình. Thuở ấy, tưởng tất cả đã đóng khép, Từ An mang mặc cảm nặng nề, nhất là mỗi khi bị bạn học trêu chọc “con què”. Ở tuổi đôi mươi, từng thương thầm rồi bị từ chối tình cảm, tự cắn chặt răng nuốt tủi vì người ta nhìn cái chân trước khi nhìn vào tâm hồn mình.
Sau bao nỗ lực học tập, hoạt động xã hội, chị săn được học bổng du học thạc sĩ ngành khoa học sức khỏe tại trường ĐH La Trobe Úc và không ngờ đấy là mảnh đất gieo câu chuyện cổ tích đời chị. Một lần, đi thăm nhà người bạn thì bắt gặp hình ảnh ông Tây mập mập vui tính, đang ở cùng nhà (share house). Được bạn giới thiệu là Joseph “còn độc thân”. Sau vài lần đến chơi nhà bạn, đều gặp Joseph ở đó. Lúc đó, chị cũng có trò chuyện với Joseph nhưng chưa thân thiết, chỉ chào hỏi, vì chị cũng rất ngại ngùng. Tình cờ, một lần nọ, chị lướt mạng, chị bất ngờ bắt gặp hình ảnh Joseph tươi cười bên cạnh các món ăn Việt Nam, trong đó có đặc sản Nha Trang quê mình. Nỗi nhớ nhà ùa về ngập lòng, chị để lại một dòng tin nhắn “Ôi, Nha Trang là quê mình đó!”. Kể từ đó, anh chị trò chuyện qua lại nhiều hơn và thân thiết hơn. Tuy nhiên, khi anh rủ đến nhà chơi thì chị rụt lại. Định rút lui nhưng những dòng tin nhắn chân thành, kiên nhẫn của anh vẫn đến, chị chợt hỏi: “Anh nghĩ như thế nào về người khuyết tật?”. Dòng chữ hồi âm nhẹ tênh “thì ai cũng như ai mà!”. Họ yêu nhau như thế. Trong một lần đến chơi vườn cherry rồi vào trang trại hoa oải hương tím ngát, anh ngỏ lời cầu hôn chị.
Theo hợp đồng với đơn vị cấp học bổng, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, sẽ phải quay về Việt Nam phục vụ tối thiểu hai năm. Biết điều này, Joseph chốt luôn: “Cưới!”. Chuẩn bị cho lễ cưới, lòng cả hai ngổn ngang, cô dâu thì căng thẳng bởi việc làm luận văn bị trở ngại khi giáo sư hướng dẫn chuyển công tác, chú rể thì rối bời khi anh ruột đột ngột ngã bệnh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ở phòng tuyên thệ kết hôn, chú rể nhìn vào đáy mắt cô dâu, nắm chặt tay như thầm nói luôn có anh bên cạnh.
Cuộc sống hào phóng đã tặng ta cho nhau!
Anh ấn tượng chị qua điệp khúc mỗi lần tạm biệt nhau: “Lái xe cẩn thận nhé anh!”. Còn chị luôn biết ơn sự tỉ mỉ, sự quan tâm, để ý của anh ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Khi hẹn nhau ở trung tâm thương mại, nhà hàng, anh gọi điện thoại đến trước nhờ chuẩn bị sẵn xe lăn để chị không phải đi nạng xa. Hoặc đậu xe gần cửa ra vào nhất. Giai đoạn gần sinh, tăng 15 kg khiến Từ An muốn nhấc nổi mình phải gồng tay chống nạng, cơ thể đau nhức, nhất là ở khớp khủy tay. Ông xã ân cần dìu đỡ, xoa bóp, dán giảm đau, săn sóc. Ai rủ đến nhà chơi, anh hỏi kỹ: “Nhà có bao nhiêu bậc thang, bậc thang có tay vịn không?”. Và anh từ chối ngay khi biết có đến mười mấy bậc thang không tay vịn. To khỏe, anh thừa sức cõng vợ lên nhưng anh hiểu chị không thích nhờ vả người khác và cảm thấy không thoải mái.
Con gái yếu ớt lấy chồng mà lại tận trời Tây, ba mẹ chị vừa mừng vừa lo. Bay sang chăm sóc cho chị giai đoạn sinh em bé, trong ý cha mẹ chị cũng muốn dòm ngó chàng rể và bảo vệ con gái mình. Nhưng thấy anh xong việc ở hãng Unilever là về nhà ngay, lăng xăng lau nhà, giặt giũ, lo cơm nước, ba mẹ lặng người, rớt nước mắt. Dù khác biệt ngôn ngữ, trao đổi toàn phải ra dấu nhưng ba mẹ hoàn toàn yên tâm giao con gái và cháu ngoại cho chàng rể. Ngày trở về nước, ba mẹ còn dặn chị không được ăn hiếp chồng.
Anh yêu thích món ăn Việt, nhất là cháo gà vợ nấu nhưng chưa học nấu được. Vợ thèm ăn món Tây thì anh đáp ứng, còn món Việt thì phải ra nhà hàng mua. Đi làm về, anh nhìn vợ xem có cười không, chăm con có quá căng thẳng không, uống một cốc nước rồi anh chơi đùa cùng con để vợ nghỉ ngơi. Anh vì gia đình mà bỏ luôn tật hút thuốc lá.
Dịp Giáng sinh, Tết, anh dò hỏi chị thích gì để mua tặng. Chị nghĩ mãi chẳng biết thích gì, những món quà anh tặng trước đây vẫn chưa dùng kịp. Đêm nhìn chồng con say ngủ, chị cay mắt với cảm giác ấm áp ngập lòng. Sáng ra, chị nói với chồng: “Em nghĩ mãi mà chẳng biết mình thiếu gì và thích gì nữa. Bên anh, ăn cơm cùng nhau, chơi đùa với con… mỗi ngày là một ngày vui và mãn nguyện. Cuộc sống quá tốt với em rồi!”. 
Vướng chuyện chồng con, vô tình làm trái hợp đồng với đơn vị cấp học bổng khóa thạc sĩ nên chị buộc phải bồi thường. Chị đang theo khóa học Tiến sĩ Xã hội học trường Đại học Monash (được nhận học bổng toàn phần) nên bàn với chồng sau khi tốt nghiệp, chị sẽ đi làm, trả nợ. Tuy nhiên, anh cũng giành một phần trách nhiệm: “Cục nợ này do chúng ta gây ra, là của chúng ta”.

TÔ DIỆU HIỀN

“Từ khi mới quen, hai chúng tôi đã thỏa thuận hễ suy nghĩ gì, không hài lòng điều gì phải nói thẳng, không vòng vo, trông chờ người kia đoán ý mình. Chơi trò đoán chữ mệt lắm! Nhiều cuộc hôn nhân đi vào ngõ cụt cũng vì vậy. Hơn nữa, sự khác biệt về văn hoá, một người lớn lên ở trời Tây, một người lớn lên ở trời Nam, chỉ có chân thành sẻ chia, vợ chồng tôi mới có thể đồng hành cùng nhau”.
Nguyễn Thị Từ An (Úc)




Link: http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/sac-tim-oai-huong-va-chuyen-tinh-co-tich-120289/

Bài đăng trên báo Phụ Nữ (báo in)


No comments:

Post a Comment