Thứ Sáu, 24/08/2012
Do không được hướng dẫn, giáo dục về giới tính nên những thông tin nhiều bạn khiếm thị tự thu nhặt được thường thiếu và lệch lạc.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
|
Mong ước tìm được bạn đời, bạn tình, có được cuộc sống gia đình là niềm khao khát chung của những người khuyết tật (NKT). Nhưng để có được nó đòi hỏi sự nỗ lực vô cùng…
Hạnh phúc gian khó
Bà Nguyễn Thị Từ An - Giảng viên Trường Đại học Bình Dương (TP Hồ Chí Minh) tác giả báo cáo “Vai trò giới và quan hệ tình dục trong gia đình NKT ở TPHCM” cho biết: Hầu như các bậc cha mẹ của NKT đều phản đối con mình kết hôn. Họ nghĩ rằng con họ không có khả năng sinh con, không có khả năng tạo lập kinh tế gia đình, không thể chăm sóc con cái. Nếu con họ kết hôn với NKT thì họ càng ngăn cản nhiều hơn, vì sợ khó khăn lại nhân lên gấp bội; sợ những đứa trẻ sinh ra cũng bị khuyết tật như cha mẹ,…
Ông Nguyễn Văn Bổn (TPHCM), cha của một cô gái bị khiếm thị chia sẻ: “Tôi khỏe mạnh nuôi một đứa con tật nguyền còn khó khăn thế này, vậy đứa con tật nguyền của tôi làm thế nào có thể nuôi con của nó?”. Còn bà Lê Thị Mai (TP HCM), mẹ của một nam khiếm thính có con dâu cũng khiếm thính rầu rầu nói: “Con nó tôi nuôi chứ ai! Khiếm thính khó lắm. Con khóc, nó đâu có nghe thấy. Tụi nó phải luôn có người khác bên cạnh”.
Chị Phan Ngọc Minh (Hà Nội) bị khiếm thị quyết định kết hôn với bạn trai cùng cảnh đã vấp phải sự phản đối của bố mẹ hai bên, vì họ đều muốn con mình lấy được người sáng mắt để nương tựa. Bằng tình yêu và sự kiên trì, cả hai đã thuyết phục gia đình. Không có được sự tự tin như Minh, chị Hoa (Hà Nội) lại nghĩ “mình có xinh đến mấy mà khuyết tật thì cũng chẳng ai để ý”. Chị cho rằng, đàn ông sợ phụ nữ khuyết tật (PNKT) sẽ không sinh hoạt tình dục bình thường khó sinh ra những đứa con bình thường.
Trong một nghiên cứu về “Cơ hội để có tình yêu, tình dục từ góc nhìn của những phụ nữ khuyết tật”, bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Dự án Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, cho biết: Cơ hội đến với người PNKT không dễ dàng. Để đến được với cơ hội đó, PNKT phải vượt qua rất nhiều rào cản: Từ phía gia đình, xã hội khi có những nhìn nhận chưa đúng và rào cản từ chính bản thân họ do sự mặc cảm, tự ti.
Muốn được học cách để yêu
Anh Trần Văn Trung là người bị khuyết tật vận động, hiện đang là Chủ nhiệm CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ TP HCM chia sẻ: “Phần lớn NKT cũng có khao khát về tình yêu, tình dục như tất cả mọi người. Người hoạt bát cởi mở có thể tìm được bạn tình. Người bị liệt, phải ngồi xe lăn gặp vấn đề “khó chia sẻ cùng ai”. Bản thân anh Trung trước đây có vợ cũng là NKT nhưng cả hai đã đổ vỡ hạnh phúc. Đến bây giờ, dù có người bạn gái thương yêu mình nhưng anh vẫn chỉ tìm niềm vui trong công việc, chưa dám nghĩ đến hôn nhân.
Anh Trần Bá Thiện - giảng viên tin học Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) cũng là một người khiếm thị, tâm sự: “Tình dục là bản năng của con người. Người khiếm thị gặp một số khó khăn do không nhìn thấy nên họ thiếu thông tin, không biết được hành vi quan hệ tình dục phải như thế nào”. Do thiếu thông tin nên có người khiếm thị đã suy nghĩ lệch lạc: “Khi chồng đạt cực khoái mà vợ không đạt nghĩa là vợ ngoại tình, chưa yêu mình hết lòng”. Hoặc khi vợ sung sức quá thì lại bị người chồng cho là “dâm đãng”. “Có những đôi vợ chồng cùng bị mù như nhau, người chồng yếu không đủ sức đáp ứng vợ liền nghĩ rằng vợ mình “quá đáng”. Đây là sự đáng buồn của việc thiếu thông tin”, anh Thiện nói.
Câu chuyện của anh Trung, anh Thiện chia sẻ cũng phần nào thấy được đời sống tâm lý, đời sống tình dục của NKT. Họ cũng có đầy đủ những nét như của đời sống vợ chồng những người bình thường khác. Có ghen tuông, nghi ngờ, có đòi hỏi nhu cầu được đáp ứng tình dục, được thể hiện vai trò của người đàn ông, thậm chí có cả xung đột, bạo lực khi không được đáp ứng nhu cầu,...
Là thầy giáo dạy tin học nên anh Thiện cho biết, nhiều bạn khiếm thị tự vào các trang web để tìm hiểu thông tin về tình dục, giới tính. Tuy nhiên, do không được hướng dẫn, giáo dục về giới tính nên những thông tin thu nhặt được thiếu và lệch lạc.
Theo bà Nguyễn Hồng Hà, vấn đề tình yêu và giới tính của PNKT cần được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông để gia đình, cộng đồng nhìn nhận đúng đắn, sẵn sàng chia sẻ. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng, các gia đình cần nhận thức tốt về vấn đề tình yêu, tình dục của PNKT và chăm lo đến việc giáo dục giới tính cho những người con gái khuyết tật. “Các bậc cha mẹ không nên tạo ra sự khác biệt giữa những người con khuyết tật và không khuyết tật trong gia đình. Nghĩa là, không kỳ thị nhưng cũng không quá chăm sóc để rồi con gái mình trở thành những người phụ nữ không có những hiểu biết, kỹ năng mà một người phụ nữ bình thường phải có”, bà Hồng Hà nhấn mạnh.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
“Vẫn còn nhiều người có thái độ kỳ thị NKT theo kiểu “đã mù rồi lại còn có bầu nữa” hay “thôi mù đừng có lấy vợ nữa”. Nhiều người sợ những người khuyết tật như tôi không đảm đương được trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm làm chồng, làm cha. Thay vì kỳ thị như vậy, tôi mong chính mỗi gia đình và cộng đồng hãy chỉ dạy giúp cho họ cơ hội làm kinh tế, cho người ta quyền được làm vợ, làm chồng”. Ông Trần Bá Thiện
”Tôi nghĩ vai trò của tình yêu và giới tính cần được đặt ưu tiên nhiều hơn nữa trong các chương trình, các dự án dành cho NKT. Tạo điều kiện cho người khuyết tật, đặc biệt là PNKT hòa nhập cộng đồng. Về phía bản thân PNKT, họ cũng cần tham gia tích cực vào mạng lưới hoặc nhóm tự lực, những lớp tập huấn về sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản; tham gia các buổi giao lưu về tình yêu, hạnh phúc và hôn nhân gia đình”. Bà Nguyễn Hồng Hà
”Lâu nay, NKT mong muốn được quan tâm, chia sẻ và có tiếng nói chung. Thái độ kỳ thị của nhiều người trong xã hội đối với NKT vẫn còn, tôi mong muốn xóa bỏ rào cản đó. Ngoài ra, về vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với NKT cần được xã hội quan tâm, đề cập như là một bước đột phá rất cần thiết cho cuộc sống của NKT”. Ông Trần Văn Trung
”Tôi mong muốn góp phần truyền tải được suy nghĩ của NKT tới cha mẹ và bạn đời không khuyết tật để có cái nhìn đúng đắn hơn về hôn nhân của họ. Nhiều bạn khuyết tật chuẩn bị kết hôn đã tìm đến và nhờ tôi khuyên giải bố mẹ. Tôi mong có môi trường để họ hòa nhập, có thu nhập ổn định; mong mở được Trung tâm chuyên tư vấn về hôn nhân, gia đình cho người khuyết tật nhưng chưa có khả năng”. Bà Nguyễn Thị Từ An
|
Hà Thư
Xem bài gốc: http://giadinh.net.vn/dan-so/quyen-sinh-san-va-tinh-duc-cua-nguoi-khuyet-tat-2-khat-vong-chinh-dang-20120824104542695.htm
No comments:
Post a Comment