Viết ngày 03/12/2008 | Người viết: nvtrung
Ranh giới của những NKT chính là phần không lành lặn trên cơ thể, đó có thể là đôi tay, đôi chân bị teo, bị cụt, một đôi mắt mù, đôi tai không nghe rõ… Con người sinh ra ai cũng mong mình được lành lặn và hạnh phúc nhưng vì bẩm sinh dị tật hoặc tai nạn, bệnh tật nào đó làm cho hình hài không được như mọi người là một điều không may mắn.
1. Lớp báo chí khóa của tôi năm đó có một bạn bị khuyết tật ở chân, bạn ấy là người bạn khuyết tật đầu tiên tôi quen biết. Tôi đã rất phục bạn. Đi lại khó khăn nhưng ngày nào bạn cũng đến lớp đều đặn, đến sớm và học rất giỏi. Có những lý luận của bạn làm tôi “bó tay” bởi suy nghĩ sâu sắc, có đầy đủ những luận chứng, luận cứ rất thuyết phục, hùng hồn. Đã không ít lần tôi chúc bạn sẽ trở thành một người hùng biện bởi tài ăn nói của bạn. Tôi tin thế.Mọi hoạt động của NKT đương nhiên khó khăn hơn những người không khuyết tật nhưng đó không phải là đường cùng mà “chỉ là thử thách” - nói như một nhân vật bị khuyết tật mà tôi từng viết.
Và cũng đã có lần tôi cảm thấy… ganh tị về sức sống của bạn vì bạn quá lạc quan. Bạn lạc quan đến mức nhiều người phải tấm tắc khen “không biết nó lấy đâu ra nghị lực và niềm tin, nếu là mình mình sẽ không thể vui vẻ như thế”. Vâng, bạn nhìn đời lúc nào cũng bằng đôi mắt biện chứng, kể cả những nỗi khổ niềm đau xảy đến với chính mình. Bạn tôi tên Phan Mạnh Tân - người bạn mà tôi thật sự thấy nể bởi sức sống của bạn.
2. Trong một bài viết của mình về một nhân vật làm tranh cát, tôi đã gặp anh - một người trẻ có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực này và đã thành công. Sau khi thành công anh đã dành dụm yêu thương cho những người trẻ bị khuyết tật. Gặp anh tôi đã nể bởi sự tỉ mẩn và chịu khó của hai bạn trẻ bị khuyết tật: bạn Hương (bị khiếm thính) và chị Thanh (bị tật gù lưng).
Nhìn họ làm việc và có thể làm việc được như hôm nay, anh Nguyễn Hữu Duy (nhân vật của tôi cũng là giám đốc và là “người anh cả thân thương” của họ - NV) cho biết: “Chính tôi cũng nể vì sự chịu khó học hỏi của các bạn ấy”. Hỏi họ thì ai cũng mỉm cười: “Mình còn có khả năng làm việc, còn có thể sống có ích thì mình phải sống cho thật tốt”. Những người bạn ấy hiện làm việc và học tập tại Công ty tranh cát Vạn Thiên Sa.
3. Có những bạn trẻ là SV mà sau khi gặp một lần đã cho tôi thấy “yêu đời đến lạ” như bạn Huỳnh Thị Nương (cựu SV khoa địa lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) với điểm số học tập cao và khóa luận tốt nghiệp đạt 9,4 điểm.
Bạn tâm niệm: “Đối với NKT, nếu cứ giúp đỡ theo kiểu bảo bọc, che chở thì “sức đề kháng” trước hoàn cảnh, khó khăn của NKT sẽ giảm”. Chính bạn là NKT nên bạn hiểu rất rõ điều đó. Hay như cô thủ lĩnh của CLB Đồng hành (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) Từ An: thi đầu vào là thủ khoa của khoa xã hội học, học rất giỏi và cũng rất tài trong lãnh đạo nhóm cũng như làm việc. Hiện bạn đang tham gia dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật” của DRD. Tất cả những thành tích ấy theo bạn không phải là trời cho mà là nhờ sự cố gắng của bản thân. Cả hai bạn Nương và An đều bị khuyết tật ở chân do sốt bại liệt…
4. Đâu đó trên những cung đường của Sài Gòn tấp nập hẳn có lúc bạn nhìn thấy những người bị khuyết tật chân, bị mù rong ruổi bán vé số? Thế nhưng vì thương cảm, vì muốn chia sẻ bạn dúi vào túi họ mấy ngàn và họ đã từ chối: “Con có mua vé số giúp thì mua chứ cô/chú không nhận tiền…”.
Tận mắt chứng kiến để rồi mình thấy phục họ - những người biết vượt qua ranh giới cuộc đời để bước đi vững vàng trong cuộc sống dù có thể còn nhiều khó khăn. Họ luôn mong muốn mọi người cho họ cơ hội làm việc, nhìn họ bình thường và cũng cần mọi người không (chưa) khuyết tật nâng đỡ tinh thần để họ vươn lên, hòa nhập…
Nói như một vị trong ban giám khảo của hội trại “Độc đáo 15,3%” mà tôi vừa dự: “NKT có thể làm được rất nhiều việc, có những người rất giỏi đã, đang cống hiến một phần sức lực của mình cho xã hội”. Vâng, quả thật là như vậy!
Tôi xin tạm khép bài viết này bằng chia sẻ của một người bạn của tôi, anh nói: “Khuyết tật lớn nhất của một con người chính là sự không lành lặn về nhân cách, lối sống”.
LƯU ĐÌNH LONG
Link: http://blog.tamtay.vn/entry/view/315170/Tren-doi-khong-co-duong-cung.html
No comments:
Post a Comment