Tuesday, April 29, 2014

Điều chưa nói với em

Thứ Năm, 02/06/2011 09:36

Em là một cô bé khiếm thị. Tôi không rõ là em gặp nạn từ bao giờ và vì nguyên nhân nào. Tôi chỉ nhớ rằng khi tôi biết và nhớ đến em là vì em rất thích nghe giọng nói của tôi

Nhiều lần em nói với tôi « giọng chị nghe hay thế này chắc là chị dễ thương lắm ! ». Nghe em nói mà tôi ước ao em có thể được nhìn thấy, dù chỉ một chút thôi….
Tôi biết em cách đây đã hơn ba năm, khi tôi còn làm trợ lý cho một dự án dành riêng cho phụ nữ khuyết tật. Em là một trong những người khuyết tật mà tôi mời tham dự. Sau những lần trò chuyện, hỏi thăm, em và tôi thân thiết hơn qua từng câu chuyện kể.
    
Ảnh minh hoạ: Internet
   
Rồi em đi cùng tôi trong chương trình « Tuần lễ xanh 2008 » của CLB Đồng Hành sinh viên khuyết tật TP.HCM, tại Lâm Đồng. Em tha thiết được đi, được giao tiếp với cộng đồng Châu Mạ và tìm hiểu văn hóa Châu Mạ. Sau chuyến đi, em lại tâm sự với tôi rằng « chuyến đi đã giúp em có nhiều hiểu biết nhưng em không biết việc khi em đi theo lại làm khổ các anh chị như vậy ».
Em à, em có biết rằng sự hồn nhiên của em đã khiến mọi người quên hết mệt nhọc không? Trong khi các bạn sinh viên khuyết tật vận động khác khám phá mọi thứ xung quanh bằng mắt thì em lại cảm nhận môi trường mới bằng cách sờ, ngửi và thông qua mô tả (của người trợ giúp em). Em thật sự rất giỏi! Phải chăng đó cũng là do khả năng thiên phú mà trời ban cho em?  
 Bẵng đi một thời gian, tôi không có dịp gặp em nữa, nhất là khi tôi nghỉ việc ở dự án phụ nữ khuyết tật. Tuy vậy, thỉnh thoảng em vẫn nhắn tin, gọi điện thoại để hỏi thăm tôi. Em cũng có nhờ tôi tìm giúp em công việc phù hợp. Ấy vậy mà đã gần một năm rồi tôi chưa thể tìm được cho em. Quả thực là rất khó để có thể tìm được công việc thích hợp cho em.
Em là một cô bé dễ thương, chỉ học hết lớp chín. Năm nay em đã hơn hai mươi tuổi. Em có thể làm gì khác đây, trong khi em chưa được đào tạo chuyên môn. Bán vé số, em không thể làm vì em rất dễ rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu, dễ trở thành nạn nhân trên đường mưu sinh. Em chỉ có thể làm nhang, tăm xỉa răng, bàn chải… những công việc thủ công như thế, biết kiếm ở đâu bây giờ? Tôi vẫn mãi suy nghĩ….
Vừa rồi, em lại nhắn tin hỏi thăm tôi. Em hỏi tôi có học tiếp lên cao học không. Tôi bảo là có. Em mừng thấy rõ! Đọc tin nhắn em mà tôi tưởng như em vui hơn tôi, hơn ngay cả khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học hồi ấy. Và rồi em hỏi tôi có học tiếp lên tiến sĩ nữa không. Tôi bảo đó là mục tiêu tôi chọn. Em lại tỏ vẻ vui mừng hơn, em bảo « chắc chắn là sau 10 năm nữa, chị sẽ trở thành một quý bà thành đạt ». Tôi lại bảo với em, từ "quý bà" nghe cao sang quá. Sau này chị có thành đạt, chắc chắn chị sẽ không lãng phí tiền bạc để se sua đâu, mà chị sẽ làm tiếp những gì chị đã và đang làm. Em lại nhắn cho tôi một tin thật dài, như một lời nhắn nhủ:
« Em mong là càng ngày sẽ có nhiều người khuyết tật thành đạt. Khi người khuyết tật thành đạt, xã hội sẽ nhìn nhận họ bằng con mắt khác. Và lời nói, việc làm của họ vì lợi ích chung của người khuyết tật, nhất là người khuyết tật ở tầng lớp thấp sẽ được xã hội công nhận nhiều hơn là lời nói, việc làm của chính những người khuyết tật ở tầng lớp thấp. Khi thành đạt, chị hãy làm thật nhiều điều có ích cho người khuyết tật như thời còn là sinh viên nhé ! »
Đọc những dòng em nhắn nhủ, tôi nhận thấy trong em có sự mặc cảm về học vấn thấp, cái mà em gọi là tầng lớp thấp. Cũng phải thôi, những người không khuyết tật mà có học vấn thấp còn cảm thấy mặc cảm, huống hồ là em. Chị hiểu rõ những gì em nhắn gửi. Em yên tâm, chị sẽ làm tất cả những gì mình có thể để mong một sự bình yên cho tất cả những người đã tin tưởng ở chị. Và dĩ nhiên, trong đó có em.
Từ An (Nguyễn Thị Từ An, TPHCM)
(Theo Báo NLD)

No comments:

Post a Comment