Thứ hai, 22 Tháng 9 2008 10:18
“Hai tuổi, ba mất. Mẹ cũng bỏ đi biền biệt. Cậu mợ trở thành cha mẹ. Bốn tuổi, bị sốt bại liệt, từ đó đôi chân mình không còn cứng cáp như ban đầu.
Trước khi vào Trường Nhân văn, mình từng học một trường trung cấp khác. Ra trường, thấy kiến thức là chưa đủ, cậu, mợ cũng tạo điều kiện, mình thi vào Trường ĐH KHXH&NV”… Sinh viên (SV) Nguyễn Thị Từ An, năm 3 khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV tự bạch…
Nỗ lực học tập không ngừng
Năm ấy Từ An đoạt luôn vị trí thủ khoa kỳ thi ĐH vào Trường ĐH KHXH&NV. “Phong độ” học tập tiếp tục được giữ vững trong suốt những tháng ngày ngồi trên giảng đường. An liên tục nhận được bằng khen của trường, Trung tâm Hỗ trợ SV dành cho SV đạt thành tích học tập xuất sắc; nhiều học bổng học tập, học bổng Tiếp sức đến trường, học bổng của Quỹ “Cô Tấm ngày nay” dành cho người nữ có hoàn cảnh khó khăn và ý chí vươn lên trong lao động, học tập… Học giỏi như vậy, nhưng An thú nhận mình là SV ít chịu đi thư viện. Đổi lại, bạn luôn tranh thủ nắm bài ngay tại lớp. Ở nhà, An lập hẳn lịch biểu thật chi tiết cho tất cả công việc và học tập trong mỗi tuần. An tâm sự, ra ngoài đời mới thấy có nhiều hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Mình được đi học như vậy đã là một diễm phúc lớn.
Đồng hành cùng người khuyết tật
Xuất phát từ mối quan tâm đặc biệt và sự ưu ái dành cho người khuyết tật, An dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động hướng đến quyền lợi của những người có chung hoàn cảnh như mình. An tâm sự: “SV khuyết tật thường mặc cảm. Nhiều bạn ra đường thấy người ta cứ nhìn mình đã không dám ngước lên. Bản thân An hồi năm nhất cũng vậy, nhút nhát và tự ti lắm. Rồi An nghĩ, phải tự mình rút ra khỏi vỏ ốc bằng cách tham gia vào hoạt động xã hội. Ban đầu chưa quen, mệt và cực lắm. Nhất là khi mình lại có đôi chân không khỏe mạnh nữa. Tập đi xe máy như người ta đã là một khó khăn lớn rồi. Cực nhất là những lúc dừng đèn đỏ, vì chân yếu mới đầu đạp thắng không ăn, cứ ngã ra giữa đường. May mà những người đi đường tốt bụng giúp đỡ, sửa xe giùm…”. Hiện nay, An đang làm chủ nhiệm CLB SV khuyết tật - đồng hành của trường. Hoạt động của CLB cuốn hút được SV trường bạn như ĐH Bách khoa, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Khoa học Tự nhiên… tham gia. CLB đã tổ chức hỗ trợ sách cho tân sinh viên, hướng dẫn làm thủ tục miễn giảm học phí, tìm điểm thực tập và việc làm thêm cho SV, “săn” học bổng cho thành viên. Nhiều học bổng có giá trị cho các bạn như: học bổng đồng hành, học bổng Thắp sáng niềm tin, học bổng của Quỹ bệnh nhân nghèo TP… An bộc bạch: “Thấy việc gì có ích thì mình làm, cũng chẳng nghĩ sâu xa gì cả. Mỗi suất học bổng tìm được cho các bạn là một niềm vui đối với mình”. Sạp báo nhỏ ở góc sân trường mà An và các thành viên thay nhau đứng bán cũng là hoạt động của CLB để gây quỹ giúp đỡ các bạn. An cho biết: “Nhiều SV không biết tưởng báo để đọc miễn phí cứ thản nhiên xách đi. Lắm khi tụi mình phải chạy theo… “giành” lại”.
Trò chuyện với tôi, An lấy nụ cười lấp vào những phút lặng trong câu chuyện kể về cuộc đời mình. Bạn nghĩ rất chân thành: “Gia đình các bạn khác khá giả, họ có thể sống thoải mái. Hoàn cảnh mình khó khăn hơn, cần phải tự lập và cố gắng hơn nhiều”. An cũng từng chạy chỗ này chạy chỗ khác làm thêm, khi thì quản trị mạng, lúc thì phỏng vấn về vấn đề việc làm cho người khuyết tật… Hiện nay, An đang làm trợ lý cho một dự án liên quan đến người khuyết tật “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật”. Và An đã tự giao cho mình, trong ba năm tới sẽ phải tìm được một suất học bổng du học để mở mang tri thức. Điều này không phải đơn giản và có thể gặp không ít chướng ngại khó khăn, cô bạn biết vậy nhưng vẫn quyết tâm, bởi An luôn tâm niệm: “Phải trải qua giông tố chứ chớ có cúi đầu trước giông tố. Việc gì cũng có thể mang lại thành công nếu mình thật sự bền lòng và có ý chí”.
MÊ TÂM
No comments:
Post a Comment