Tuesday, April 29, 2014

Nhịp cầu nối những ước mơ

Thứ bảy, 19/06/2010 05:57
(CATP) Trên những chặng đường tác nghiệp, tôi đã gặp nhiều người mà sự nghiệt ngã của số phận dường như cứ bám riết lấy họ. Mồ hôi, máu, nước mắt của những mảnh đời bất hạnh đó đong đầy trên từng thửa ruộng, vườn rau, bãi biển, đường phố nhưng họ vẫn đói nghèo, bệnh tật triền miên. Tôi viết như sự trải lòng với cuộc đời và hy vọng có phép màu mang đến cho họ bình yên, sung túc. Trang báo trở thành nhịp cầu nối ước mơ của người viết, bạn đọc với nhân vật. 
NHỮNG PHẬN ĐỜI
Ở một góc khuất trên con đường đất đỏ dẫn vào ấp 1, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, căn nhà tình nghĩa của bà Phạm Thị Nhi (nhân vật trong bài “Tôi phải sống!”, Báo CATP ngày 16-4-2010) bao trùm sự vắng lặng và buồn. Câu chuyện đời bà như một cuốn phim quay chậm về số phận người phụ nữ đi qua thời chiến với bao mất mát, tủi hờn. Chồng bỏ đi biệt xứ, một người con mất vì bạo bệnh, đứa còn lại cả đời phải ngồi trên xe lăn do sốt bại liệt, một mình bà lầm lũi trên đường với tập vé số, tờ báo... nuôi con ăn học thành người. Mái tóc màu tiêu muối, gương mặt đượm buồn nhưng đôi mắt luôn ráo hoảnh, bà Nhi tâm sự: “Tôi đã không còn đủ nước mắt để khóc”.

Gần mười năm nay, trong căn nhà tranh rách nát giữa xóm chợ Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) ông Lưu Văn Huê (nhân vật trong bài “Xin giúp đỡ một gia đình bất hạnh”, Báo CATP ngày 21-8-2009) nằm bất động trên giường. Từng là một thợ điện lành nghề, ông trở thành phế nhân sau hai lần bị tai nạn lao động. Ngày chồng còn khỏe, bà Trần Thị Niềm (vợ ông Huê) tất bật với sạp hàng bán rau ngoài chợ. Nhưng vì bà phải ngày ngày lau chùi, tắm rửa cho người chồng bất hạnh nên bạn hàng thưa dần rồi vắng hẳn. Bà Niềm gạt nước mắt tâm sự: “Người ta sợ thức ăn tôi bán không được sạch. Căn nhà rách bươm và không có nổi một chỗ đi vệ sinh. Tôi đau lòng nhất là nhìn chồng ngày càng teo tóp, đứa con gái độc nhất đã gần 30 tuổi mà không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Cháu phải dầm mưa nắng làm thuê kiếm tiền mua thuốc cho ba”. 

Ngày ngày bà Trần Thị Niềm túc trực bên giường bệnh của người chồng bất hạnh

Ngôi nhà xây bằng gạch rộng rãi, thoáng mát, bộ bàn ghế mới đập vào mắt tôi khi về ấp An Nhơn, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre thăm mẹ con bà Phước “cào nghêu” (nhân vật trong bài “Hơn mười năm cào nghêu nuôi con”, Báo CATP ngày 23-10-2009). Chỉ cách đây gần một năm, ba mẹ con khốn khổ đó từng phải chui vào chuồng bò nhà hàng xóm trú mưa do mái tranh của họ đã hoàn toàn rách nát và có nguy cơ sụp xuống bất cứ lúc nào. Chân tay của người mẹ nghèo đầy vết chai sần, thương tích, thân người gầy gò sau nhiều năm đi giật lùi trên bãi nghêu kiếm tiền nuôi con, nay đã có phần hồng hào, tươi tắn hơn trước. Bà Phước kể, ngày đầu tiên có chiếc ôtô đỗ xịch trước nhà, nhiều người bước xuống thăm hỏi, cho gạo, bánh kẹo và tiền, bà cứ ngỡ mình đang mơ. Hai người con trai bị tâm thần, câm bẩm sinh của bà là anh Nguyễn Văn Trung (SN 1978) và anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1984) được người lạ cho bánh kẹo, quần áo mới nên cứ quẩn quanh bên họ, cười toe toét và gục gặc đầu như bày tỏ sự cảm ơn. Không biết chữ, bà nhờ lũ trẻ trong xóm đọc giúp bài báo rồi ôm nó chạy đi khắp xóm khoe mà nước mắt chảy dài trên gò má. Vào thời điểm đó, ngoài bãi, nghêu chết nhiều, bà ít được thuê đi làm. Đang trong lúc quẫn bách nhất thì được giúp đỡ nên hạnh phúc như nhân lên gấp bội. Bà Phước tâm sự: “Nói thật lòng, nếu không nhận được sự giúp đỡ như trong mơ đó, e rằng mẹ con tôi không cầm cự được đến hôm nay”. 

Mẹ con bà Phước “cào nghêu” hạnh phúc trong ngôi nhà mới khang trang của mình


Ôm con trai đang say ngủ vào lòng, chị Hoàng Thị Mai, mẹ ruột bé Ngô Hoàng Tuấn Anh (nhân vật trong bài “Xin cứu lấy sự sống của bé Tuấn Anh”, Báo CATP ngày 25-5-2010) cho biết, sau khi đã dùng đến những đồng tiền cuối cùng trong nhà để chữa bệnh cho con, vợ chồng chị đành gạt nước mắt đưa Tuấn Anh về nhà vì không còn kham nổi viện phí. Thế nhưng, chỉ một tuần sau khối u trên bụng Tuấn Anh bị nhiễm trùng trầm trọng. Đang lúc bế tắc, bất ngờ anh chị nhận được nhiều thư từ của bạn đọc khắp nơi gởi về chia sẻ, động viên và cho tiền để đưa bé trở lại bệnh viện. Có nhà hảo tâm người nước ngoài đi cùng thông dịch viên đến bên giường bệnh ân cần thăm hỏi tình trạng của bé và hoàn cảnh gia đình để giúp đỡ. Hiện nay, bé Tuấn Anh đang nằm điều trị tại phòng 112, khu C, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Nếu tình trạng sức khỏe ổn định và bé cứng cáp hơn thì khoảng sáu tháng tuổi bác sĩ có thể làm phẫu thuật đưa phần ruột của bé vào bên trong và cắt bỏ khối u.

Tôi gặp lại Nguyễn Thị Từ An (nhân vật trong bài “Cô bé mồ côi trở thành thủ lĩnh sinh viên”, Báo CATP ngày 1-7-2009) tại một buổi trao học bổng của Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam vào tháng 5-2010. Nhìn nụ cười tươi tắn, phong thái tự tin, chững chạc của Từ An, ít ai hình dung được cô gái mồ côi, khuyết tật của vùng đất Vạn Ninh, Khánh Hòa này đã từng trải qua những ngày bi quan, mặc cảm đầy nước mắt. Tân thủ khoa của Khoa xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM khóa 2005 - Nguyễn Thị Từ An, tiếp tục tạo bất ngờ khi hoàn thành luận văn “Những vấn đề giới trong hôn nhân gia đình của người khuyết tật ở TPHCM hiện nay” đạt điểm mười và là thủ khoa trong ngày tốt nghiệp. Chỉ sau một năm ra trường, bằng tài năng, ý chí đã được tôi rèn trong gian khó, Từ An đang là Trưởng văn phòng đại diện của Liên hiệp khoa học kinh tế kỹ thuật môi trường miền Nam. Giỏi tiếng Anh, được tuyển thẳng vào học cao học tại trường cũ, Từ An ấp ủ giấc mơ tìm một học bổng toàn phần để có điều kiện học lên tiến sĩ xã hội học tại nước ngoài. Trong bốn năm đại học, Từ An cùng CLB Đồng Hành (CLB sinh viên khuyết tật Trường Đại học KHXH&NV TPHCM) đã thực hiện nhiều chuyến đi tình nguyện về các tỉnh vùng sâu vùng xa hỗ trợ quần áo, tập sách và dạy chữ cho trẻ em nghèo.

Một gương điển hình khác có nhiều đóng góp cho cộng đồng người khiếm thính Việt Nam là chị Dương Phương Hạnh, Chủ tịch CLB khiếm thính TPHCM (nhân vật trong bài “Người phụ nữ khiếm thính đa tài”, Báo CATP ngày 21-8-2009). Bằng chính trải nghiệm từ cuộc đời sóng gió của mình, chị rút ra quan niệm: “Người khiếm thính nói riêng và người khuyết tật nói chung có thể làm được mọi việc như người bình thường, chỉ cần họ đừng mặc cảm, có đủ niềm tin, ý chí”. Từ một cô gái khiếm thính quê Sa Đéc, Đồng Tháp, cử nhân ngành Hóa Trường Đại học Bách Khoa TPHCM khóa 1988 - 1993, chị trở thành thành viên ban lãnh đạo, cố vấn của Liên đoàn khiếm thính châu Á, Liên đoàn khiếm thính quốc tế, Liên đoàn khiếm thính trẻ quốc tế. Giỏi tiếng Anh, rành ngôn ngữ ký hiệu và có khả năng viết báo, chị Hạnh đã giúp nhiều người khiếm thính hòa nhập cộng đồng, được tạo điều kiện khẳng định mình trong cuộc sống. Với chị, làm việc nhiệt tình, hết lòng vì người đồng cảnh là điều quan trọng nhất để tìm thấy niềm hạnh phúc.

VÀ LỜI TRI ÂN
Anh Biện Công Lực (quận 10, TPHCM), một bạn đọc lâu năm của Báo CATP chia sẻ: “Hơn mười năm nay, tôi chưa bỏ số nào của Báo CATP. Ngoài thông tin về tội phạm, cảnh giác tôi còn bắt gặp trên mặt báo nhiều cảnh đời éo le cần được đùm bọc, giúp đỡ. Cứ khoảng vài tháng, tôi lại thực hiện một chuyến đi từ thiện và cảm thấy mình đang làm đúng. Chân thành cảm ơn Báo CATP đã thông tin đến bạn đọc chúng tôi về những mảnh đời bất hạnh như thế. Qua đó, chúng tôi thấy mình đang hạnh phúc, may mắn hơn họ rất nhiều. Chúng tôi biết quý trọng những gì mình đang có và học được sự sẻ chia, đồng cảm với người khác”.

Dù được bạn đọc hỗ trợ vật chất hay tinh thần, điều quan trọng là nhân vật trong những bài viết nêu trên đã vượt lên chính mình để sống tốt và trụ vững trước sóng gió. Mỗi trang viết là một cuộc đời và sự sẻ chia, đồng cảm của bạn đọc thật đáng quý. Sau những thăng trầm của cuộc đời, bà Trần Thị Niềm, Phạm Thị Nhi, Đỗ Thị Phước - những người vợ, người mẹ nghèo, giàu đức hy sinh đã tìm được bình yên, hạnh phúc. Dù còn nhiều khó khăn nhưng sự thăm hỏi, động viên của các nhà hảo tâm đã tiếp thêm sức mạnh để họ nỗ lực sống tốt.

Anh Ngô Quang Định (ba ruột bé Ngô Hoàng Tuấn Anh) nói: “Lần đầu tiên sau nhiều ngày bế tắc, vợ chồng tôi nhận ra mình không đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ sự sống cho con. Xin cho vợ chồng tôi được gởi lời cảm ơn chân thành đến quý tòa soạn, bạn đọc đã chung tay cứu giúp gia đình tôi trong lúc hoạn nạn”. “Lá lành đùm lá rách” là truyền thống cao đẹp bao đời nay của người Việt. Bản thân người viết cũng xin được gởi lời tri ân đến bạn đọc hảo tâm đã đồng cảm và mở lòng với những phận đời không may mà báo đã đưa tin.

HẢI BĂNG

No comments:

Post a Comment