Tuesday, April 29, 2014

DẸP NẠN CHĂN DẮT, ĂN XIN: Phải kiên quyết, mạnh tay

Giải quyết nạn chăn dắt ăn xin không khó nhưng vấn đề là các cơ quan chức năng và người dân có đồng lòng, quyết tâm thực hiện hay không.


Ông Trần Công Hùng Dũng, chuyên viên LĐ-TB-XH phường Bến Thành, quận 1, TP HCM:
 
Phối hợp chặt chẽ với người dân
 
Khó khăn nhất đối với các ngành chức năng khi triển khai truy quét nạn ăn xin là các đối tượng thường bất chấp nguy hiểm để trốn tránh lực lượng chức năng. Nhiều lúc trẻ em đang nằm lăn lóc dưới đường nhưng vừa thấy lực lượng chức năng là vùng dậy bỏ chạy, băng ngang qua cả làn ô tô. Nhiều khi họ còn tấn công cả lực lượng chức năng.
 
Muốn dẹp được nạn này, trước tiên cần tuyên truyền người dân không nên cho tiền các đối tượng ăn xin, trẻ em nằm vật vạ ở đường. Hầu hết những người này đều bị điều khiển bởi các đối tượng giấu mặt. Ngoài ra, phải khuyến khích người dân cung cấp thông tin về chăn dắt, ăn xin và có chính sách khen thưởng kịp thời. Chúng tôi đã niêm yết số điện thoại của công an phường ở rất nhiều địa điểm. Nếu người dân phát hiện các đối tượng khả nghi hoặc trẻ em bị bóc lột sức lao động dưới mọi hình thức thì nên gọi ngay cho công an. Chúng tôi sẽ có mặt kịp thời để xác minh, đưa họ về phường làm rõ.
Người ăn xin hiện diện hằng ngày trên các ngã đường của TP HCM ẢnhPhạm Dũng
 
Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP HCM:
 
Có thể xử lý hình sự kẻ chăn dắt
 
Việc người già và trẻ em, người tàn tật bị hành xác để ăn xin, bán hàng nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm người nào đó phổ biến ở nhiều quận, huyện tại TP HCM. Đây là sự vi phạm pháp luật.
 
Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý những đối tượng chăn dắt cũng như làm sao để đẩy lùi nạn ăn xin là điều không dễ dàng chút nào. Để xử lý hành vi được cho là "hốt bạc trên đầu người khác" thì phải tìm chứng cứ, xác định quan hệ giữa người chăn dắt và nạn nhân. Chính vì vậy, việc vận động, đưa các đối tượng vào trung tâm thì nhiều nhưng xử lý hình sự không bao nhiêu, nếu không muốn nói là không thể xử lý được bởi mất quá nhiều công sức và tập trung các dấu hiệu để chứng minh sự vi phạm pháp luật của họ.
 
Từ đó cho thấy việc quản lý xã hội của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền chưa được chặt chẽ, chưa cương quyết. TP HCM nên có những biện pháp cụ thể, xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng những đối tượng chăn dắt. Đối với những người ăn xin, phải lưu hồ sơ, nếu tái phạm thì xử lý mạnh tay hơn. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ chăn dắt có thể thực hiện được bởi Bộ Luật Hình sự đã quy định.
 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Từ An, giảng viên Xã hội học Trường Đại học Bình Dương:
 
"Bắt cóc bỏ dĩa"
 
Việc chăn dắt trẻ em, người già tại TP HCM rõ ràng là một thực trạng không hề mới nhưng lời giải cho bài toán hóc búa này dường như chưa thiết thực.
 
Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn tại TP HCM được xem như "bắt cóc bỏ dĩa". Từ năm 2007, TP HCM đã có nhiều kế hoạch với mục tiêu cơ bản không còn tình trạng lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. TP cũng có những đợt ra quân truy quét các đối tượng và đưa về trung tâm nuôi dưỡng, dạy nghề; người lang thang nước ngoài được đưa về nước sở tại; có đường dây nóng 08. 3 5533258 (từ năm 2008)… Thế nhưng, do việc thực hiện những biện pháp này chưa triệt để nên số lượng người lang thang ăn xin tại TP HCM ngày càng tăng.
 
Có lẽ nghèo là một trong những nguyên nhân chính khiến cho người già và trẻ em phải bỏ làng quê lên thành phố ăn xin. Lên thành phố, mọi thứ lạ lẫm kèm với sự thiếu hiểu biết, họ dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ chăn dắt với lời hứa về cuộc sống tốt đẹp xen lẫn những lời đe dọa...
 
Cần nhiều giải pháp cùng lúc
Thạc sĩ Nguyễn Thị Từ An cho rằng muốn ngăn chặn tình trạng chăn dắt ăn xin thì trước hết cần sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trong những chương trình hành động. Đồng thời, vận động, tuyên truyền người dân cùng tham gia và làm từ thiện đúng chỗ. Đối với người ăn xin nước ngoài, cần có sự hợp tác quốc tế trong việc trao trả họ về nước sở tại cũng như quản lý chặt chẽ vùng biên giới để tránh tình trạng vượt biên trái phép. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc những kẻ chăn dắt.
Theo thạc sĩ An, với những người ăn xin còn gia đình thì cho hồi gia, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn để họ có thể làm ăn sinh sống tại quê nhà. Những ai không có người thân thì đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, dạy nghề cho trẻ em ăn xin...
Theo nld.com.vn

No comments:

Post a Comment