Thursday, December 28, 2017

HÀNH TRÌNH CON CHỮ - 5: Trúng tuyển học bổng du học

Như mình đã kể, mình cứ nung nấu ý định du học, nên nghe ở đâu có tin du học là mình lại coi. Mình chuẩn bị hồ sơ theo kiểu "kiến tha lâu thì có ngày đầy tổ". Thoạt đầu, mình không vội vàng nộp hồ sơ xin học bổng ngay. Cái quan trọng là mình tìm xem tiêu chí của học bổng đó như thế nào? Và mình đáp ứng được bao nhiêu phần trăm của tiêu chí đó? Cái nào thiếu, mình từ từ bổ sung theo ngày tháng.

Mình biết được, muốn đạt được học bổng, không phải cứ giỏi là được. Nghĩ vậy là sai quá sai! Về thành tích học tập, ừ mình thì quá đủ. Mình biết được rằng học bổng còn hướng đến các hoạt động cộng đồng. Thế là mình tích luỹ kinh nghiệm hoạt động cộng đồng ngay từ năm nhất của đại học, và luôn gắng bó với nó. Ban đầu thì mình tham gia các đội nhóm. Sau đó thì mình tự quản nhóm đặc thù riêng để sinh hoạt. Rồi vừa cố gắng tham gia các hoạt động bên ngoài, vừa cố gắng duy trì nhóm mình. Càng đi sâu vào hoạt động cộng đồng, mình càng học hỏi thêm nhiều điều từ cuộc sống. Lúc đó, hoạt động cộng đồng của mình không mang tính "tạo hồ sơ đẹp" nữa, mà nó là sự sẻ chia. Chia sẻ giúp mình thêm yêu cuộc sống và trân trọng hơn những gì mình đang có.

Thời gian làm ở Đại học Bình Dương, hằng ngày, mình cứ đi đi về về giữa Bình Dương - Sài Gòn. Công việc thì vẫn cố gắng chu toàn, nhưng cái ước muốn "ra nước ngoài học" cứ mãi âm ĩ. Chiều chiều, ngồi trên xe đưa đón giảng viên của trường, mình cứ nhìn lên bầu trời, thấy máy bay và lại nghĩ: Bao giờ mình được bay?

Một ngày nọ, cô bạn Diễm Hương chia sẻ với mình là mới nộp hồ sơ xin học bổng IVASF 3. Đó là học bổng học tiếng Anh dành cho các ứng viên muốn du học mà không đủ điều kiện về tiếng Anh. Nghe cách Hương nói thì mình cảm thấy Hương có vẻ rất tự tin về việc trúng tuyển học bổng này. Thật sự, mình mừng cho Hương lắm. Rồi Hương khuyến khích mình nộp. Hương gửi mình toàn bộ thông tin. Và nó đã gần kề ngày cuối cùng. Mình chắt lưỡi: Thôi kệ, ráng hoàn chỉnh hồ sơ và nộp. Mình đã nộp trước khi đồng hồ báo hết ngày. Đó là năm 2012.

Năm đó, mình đã trúng tuyển IVASF 3, còn bạn Hương thì rớt. Tự nhiên, mình cảm giác như thể rằng "vì mình nộp hồ sơ vào mà Hương đã mất đi cơ hội". Lại một lần nữa, cảm thấy mình có lỗi ... Mình vào học IVASF 3 được 1 ngày thì mình làm đơn rút khỏi IVASF 3, vì mình trúng tuyển ADS. Đó là tháng 8/2012. Khi mình ra khỏi IVASF 3, mình có gửi email đề nghị chương trình chọn bạn Hương vào học để thay thế vị trí của mình. Mình biết bạn Hương cũng giỏi, có ước mơ và cũng có tiềm năng. Nhưng cái mình nghĩ lại không phải cái người ta nghĩ...

Nói về học bổng ADS (bây giờ đổi thành AAS), nó là học bổng toàn phần danh giá của Chính Phủ Úc. Mình biết đến cái tên này năm 2011 khi mình đọc báo. Mình coi các tiêu chí của học bổng và thấy mình đáp ứng đủ cả. Đặc biệt là không yêu cầu nộp điểm IELTS ngay tại thời điểm nộp hồ sơ. Và điểm phấn khích mình hơn hết là: nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ được đào tạo tiếng Anh trước khi lên đường sang Úc du học. Mình nộp hồ sơ ngay và háo hứt chờ kết quả. Nhưng năm đó, mình rớt ngay từ vòng "gửi xe". Mình đã rất hy vọng, nhưng cái email rớt học bổng khiến mình mất hết niềm tin. Mình không giải thích được vì sao mình rớt.

Đến năm 2012, lại một mùa tuyển sinh nữa của ADS. Mình cũng đã tính an phận, không nộp hồ sơ bên ADS nữa. Vì mình nghĩ: Năm ngoái đã rớt ạch rồi. Hồ sơ "sáng" thế mà vẫn rớt thì có lý do gì để năm nay đậu không?... Thế nhưng, mình vẫn tỉ mẫn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và để đó. Đến gần cuối ngày đóng hồ sơ của ADS, nhỏ Nhung hỏi mình: Bà có nộp không?... Mình cũng đã trả lời đanh thép rằng không nộp.

Thế nhưng, chả hiểu sao nguyên cái ngày hôm đó mình cứ mãi nghĩ về ADS. Rồi cuối ngày, khi đi làm về, mình chả thiết ăn uống tắm giặt gì ráo. Mình lao vào máy tính, coi lại bộ hồ sơ và tiến hành nộp online. Mình xong hồ sơ thì cũng là nửa đêm. Hồ sơ online đóng!

Năm đó, mình trúng tuyển. Cái tin trúng tuyển đến với mình "chấn động" lắm và cũng xúc động lắm. Mình cảm giác như thể rằng: Những gì mình theo đuổi và nỗ lực phấn đấu đã thành công. Mình còn nhớ rõ cái cảm giác lân lân khi đọc email trúng tuyển. Nó cứ lân lân mãi và háo hứt không thể tả. Mình vẫn còn nhớ câu cô Xuyến hỏi khi hai cô trò cùng lên Bình Dương dạy, cô hỏi: Từ An xuống chưa?  Hahaha, ý cô là mình còn lơ lửng 9 tầng mây.... Và mình đáp: Dạ chưa cô! ...

Sau đó, mình ra Hà Nội học tiếng Anh tập trung trong 1 năm. Bắt đầu từ 9/2012 đến 9/2013. Lúc này, mình chưa tốt nghiệp Thạc sỹ Xã hội học. Mình cũng tham lam lắm! Vì đã quyết định học là học cho tới. Thế là mình vừa học tiếng Anh, vừa cố gắng hoàn thành cái Thạc sỹ Xã hội học. Cực lắm! Cũng có lúc oải nhưng rồi cũng qua. Và mình chính thức nhận bằng tốt nghiệp Thạc sỹ Xã hội hội tháng 11/2013. Rồi lên đường sang Úc học vào tháng 1/2014.

Một con đường mới đã mở ra

(Còn nữa)

Từ An
Melbourne, 28/12/2017

Thursday, December 14, 2017

HÀNH TRÌNH CON CHỮ - 4: Học đại học và đi làm

Ngày xưa, ba má mình thường nói: "Tụi con phải ráng học cho giỏi đi nghen. Ba má khổ rồi, tụi con phải khác đi". Rồi ba má thêm: Không học là phải đi chận bò đó!". Thời ấy, chận bò (Tiếng địa phương: chăn bò) giống như 1 đứa đi ở cho nhà người ta. Công việc chính là sáng lùa bò đi ăn, chiều lùa bò về chuồng. Mình thì thường thấy mấy người khuyết tật đi bán vé số, rồi đi xin ăn ngoài đường... mình nghĩ "nếu mình không đi học thì mình làm được gì?"... Mình thấy sợ... sợ người ta thương hại... Nên cứ bám riết lấy cái chữ "học", học để thay đổi số phận.

Mình bắt đầu lên kế hoạch ôn thi đại học. Lúc đầu, mình nghĩ: khối C là phải học thật nhiều, mà đầu óc mình chắc cũng khó có thể học thuộc làu làu như trước, vì những gì thuộc làu trước kia cũng đã quên bén theo thời gian. Thế là mình quyết định chuyển khối thi. Mình chọn khối B. Mình cũng quyết định đến trung tâm ôn luyện cho chỉn chu.

Cô Út chở mình vào Nha Trang tìm trung tâm luyện thi đại học. Đến trung tâm thứ nhất, họ cho biết lịch học và dẫn đi xem "ký túc xá" của thí sinh. Xem lịch học, thời gian học, và nơi ở... các nơi khá xa nhau. Mình thì lại đặt biệt cần nhiều thời gian di chuyển giữa các địa điểm. Mình đã thấy oải. Khi đi xem ký túc xá, nó ở trên lầu, mình rất khó khăn để có thể đến được nó. Rồi nơi học, cũng ở trên lầu. Mình không đủ sức để đi như vậy trong 1 ngày. Cô mình hỏi: ổn không con?. Mình nói: Dạ thôi, tìm trung tâm khác xem sao.

Cô lại chở mình đi tìm trung tâm luyện thi khác. Tình cảnh cũng tương tự. Lịch học thì dày, mà không tập trung tại một nơi. Họ phải rải rác ra 2-3 địa điểm học khác nhau trong 1 ngày. Mình nhẩm tính, nếu mình học, thì mình không thể đến lớp kịp được. Thế là, mình nói với cô: Thôi, về cô ạ!

Về nhà, mình cứ mãi suy nghĩ. Thôi thì khối B không trọn, chắc không có duyên. Mình sẽ thi khối C. Mình sẽ ráng học khối C. Thế là tài liệu ôn thi khối C mà Hà Tèo cho, giờ đã có lúc lôi nó ra khỏi rương và học. Mình lập kế hoạch học bài cho từng môn, từng chương. Học theo từng thời gian nhất định. Mình cũng dành tháng gần nhất với ngày thi để ôn lại tất cả những gì đã học. Mình đã ráng "ép" mình theo thời khoá biểu và mục tiêu mình đề ra. Cũng có lúc chán nản, mình chỉ tự nhủ thầm mình "cố lên!"... và cứ thế mà học.

Ngày nộp hồ sơ thi đại học, mình thuộc diện thí sinh tự do, nên mình phải vào Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hoà để nộp. Mình chỉ nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất, thi vào ngành Xã hội học, ĐHKHXH&NV HCM. Cũng lại là cô Út chở mình đi nộp hồ sơ. Khi mình vào nộp hồ sơ, cái bà cô nhận hồ sơ, nhìn mình, rồi nhìn hồ sơ của mình và hỏi giọng khinh khỉnh: Nộp 1 bộ thôi à? Mình nói dạ. Cái rồi bả nói kiểu móc méo: Giỏi quá há, tự tin quá há! ... Mình đóng tiền và lẳng lặng ra về...

Ngày thi đại học, mình thi cùng với thằng em trai kế mình. Có bà chị họ đi cùng để vào Sài Gòn chơi. Mấy chị em đi với nhau vậy đó. Thi xong, mấy chị em lại rủ nhau đi Trà Vinh - nhà Bé Hà - chơi. Rồi năm thi đó, em trai mình rớt. Mình đã ĐẬU! Lúc đó là năm 2005.

Đó là cái năm mà môn lịch sử bị điểm 0 điểm 1 nhiều chưa từng có. Mình theo dõi tin tức mà hồi hộp theo từng giờ. Rồi con điểm của mình cũng hiện ra trên màn hình máy tính: 21.5 đ cho 3 môn Văn Sử Địa. Mình mừng rơn, như vừa đi vừa huýt sáo suốt đoạn đường từ tiệm internet về nhà. Con điểm đó đã "khiến" mình trở thành Thủ khoa đầu vào Khoa Xã Hội Học.

Giấy khen Thủ khoa tuyển sinh đại học 2005-2009

Mình chọn học Xã hội học cũng có lý do. Khi còn học Trung cấp, mình buộc phải làm 1 tiểu luận tốt nghiệp. Mình đã chọn đề tài nghiên cứu về đời sống của người có công với cách mạng tại huyện Vạn Ninh. Mình đã được cô Hoài hướng dẫn. Mình làm khảo sát bằng bảng hỏi. Rồi tự xử lý thông tin, và viết báo cáo. Cái quá trình nghiên cứu đó giúp mình nhận ra nhiều sự thú vị trong nghiên cứu. Xã hội học. Và mình thích làm điều đó. Mình nhận ra rằng: Phải học Xã hội học để được làm điều đó.

Ngày nhập học, mình tự đi vào Sài Gòn với cái vali quần áo và 3 triệu đồng. Bạn Nguyễn Hữu Tuấn Anh (bạn hồi cấp 2 và là người cùng làng) đã đón mình và giúp mình trong những bước đi đầu tiên. Nào là đi làm thủ tục nhập học, đóng học phí, đăng kí ký túc xá... đến cả việc mua sắm các thứ linh tinh như mùng mền chiếu gối... Mới vào, mình chẳng quen biết ai. Có mỗi Tuấn Anh tới lui thăm hỏi và giới thiệu thêm nhiều bạn bè mới cho mình đỡ buồn. Rồi mình thân thiết hơn với Hà Nheo (vẫn đang ở Hà Nội), và Trang (đã có duyên gặp lại tại Melbourne).

Những tháng ngày của năm nhất đại học, mình vẫn là 1 đứa cực kỳ mặc cảm. Đến mức mà mình chẳng nói chuyện với ai mỗi khi đến lớp. Mà cả lớp đâu có ít, gần 200 con người. Rồi không nhớ rõ vì duyên cớ nào, mình gia nhập vào nhóm Đồng Hành - sinh viên khuyết tật. Vào nhóm, mình "lộ" rõ bản chất hehehehe. Thời gian với Đồng Hành, mình nhận ra nhiều điều, nhất là thấy mình "thật có ích" và mình gắng sống có ích hơn, hoà đồng hơn.

Mình vẫn có những mục tiêu phấn đấu trong học tập. Có thể nói là những "tham vọng" mà mình chỉ biết tự nhủ và tự cố gắng. Thật sự là không dám chia sẻ cùng ai vì sợ mọi người mỉa mai. Mục tiêu hồi đại học của mình là phải tốt nghiệp đại học loại giỏi và phải là Thủ khoa đầu ra. Âm mưu kiếm "Thủ khoa kép" mà! Thêm nữa là tự trau dồi tiếng Anh với "âm mưu du học Thạc sỹ". "Âm mưu" ghê hông! Cái nguồn cơn của ước mơ du học nó hình thành khi mình gặp em Lê Nữ Huyền Trang. Em Trang cực giỏi. Em đoạt giải quốc gia môn Toán, rồi được tuyển thẳng vào ĐH KH Tự Nhiên. Mình hâm mộ những bạn được tuyển thẳng lắm! Thế nhưng, em ấy không thích học, em ấy "săn" học bổng du học. Và em ấy đã được đi Singapore. Ngày trúng tuyển, em ấy chạy từ phòng tự học về và nhảy đến ôm mình trong nước mắt "em trúng tuyển rồi chị An ơi!"... Mình vui chung niềm vui với em và có thêm động lực học tiếng Anh. Kể từ dạo đó, mình để ý nhiều hơn đến các thông tin du học.

Mình đã nỗ lực không ngừng học tập và hoạt động cộng đồng. Mình đã từ một đứa mặc cảm, nhút nhát, sợ người lạ, đến một đứa chỉ biết Lì và Liều. Từ 1 đứa sợ té xe, đến cái đứa đi liều xe máy, chạy lụa luôn! hahaha... Sau 4 năm miệt mài, thành quả ngọt ngào đã đến khi mình đạt điểm 10 cho luận văn tốt nghiệp, và trở thành Thủ khoa tốt nghiệp. Dĩ nhiên là tốt nghiệp loại giỏi. Mục tiêu Thủ khoa kép đã đạt được. Đó là năm 2009.

Giấy khen tốt nghiệp Thủ khoa 2005 - 2009

Với thành tích như vậy, mình tự tin đi xin việc làm. Công việc đầu tiên là mình xin vào Công ty UNIAD. Quả đúng, mình được nhận vào làm ngay, nhưng ở vị trí thư ký kinh doanh. Nghe có vẻ không dính gì tới ngành mình học. Thực ra, mình xin vào UNIAD là vì công ty này có chương trình Khát Vọng Sống (giờ vẫn còn phát sóng). Mình thích ý nghĩa của chương trình đem lại nên mong muốn được đóng góp. Nhưng có lẽ vì tính di chuyển nhiều của chương trình mà sếp Tiến đã cho mình làm thư ký kinh doanh.

Công việc mới và bạn bè mới. Họ rất tốt với mình, rất tốt. Sếp Tiến cũng rất tốt. Mình học hỏi được nhiều thứ lắm. Nhưng mình đã nghỉ việc ở UNIAD sau 3 tháng làm việc. Nếu mình chịu ở lại, có lẽ công việc cũng ổn định và đủ nuôi bản thân cho một đứa có khuyết tật như mình. Nhưng mình đã chọn cách ra đi. Vì mình cảm thấy có cái gì đó không đúng với bản chất của mình, và cũng không hợp với "lý do chọn thi đại học" của mình. Lúc ấy, cái nặng cơm áo gạo tiền còn nặng lắm... nhưng mình đã liều nghỉ việc... sợ đói lắm chứ... nhưng may mắn thay là hồi đó, mình cũng được các thầy cô trong khoa "cưng". Lúc đó, mình thường tâm sự với cô Liên và cô Xuyến. Cứ lâu lâu gọi điện thoại ê a với hai cô, chắc cũng có cả than vãn nữa hehehe. Rồi khi nghỉ việc, cũng kể cho các cô nghe. Thế là khi nào có vụ nghiên cứu điều tra gì là các cô cứ gọi... Nhờ vậy mà mình đã "qua cơn đói giáp hạt"!

6 tháng liền, mình làm những công việc có tên và không tên. Mình làm thời vụ, làm đủ thứ, nhưng cũng ráng chọn cái việc có gắn cái chữ "nghiên cứu" vào thì mới chịu. Cơm áo thì cơm áo, chứ cái vụ du học vẫn không tắt nhé. Hễ nghe phong phanh nơi nào có hội thảo du học, là phải đến cho bằng được. Tối về, vẫn ráng ê a vài trang tiếng Anh. Nhiều khi, đọc như nước đổ lá môn, nhưng vẫn cứ đọc... Vậy đó!

Tình cờ, gặp lại anh Tuyên, trưởng nhóm Đồng Hành ngày trước. Anh đang làm cho SETESU, là một văn phòng chủ yếu làm các nghiên cứu xã hội. Anh Tuyên khuyên mình nộp hồ sơ xin việc. Mình gửi email xin việc cho sếp Trung. Rồi được sếp Trung gọi đến phỏng vấn, và nhận việc ngay ngày hôm sau. Mình chính thức trở lại dân văn phòng ngày 1/4/2010. Mình vừa vào làm thì anh Tuyên "bị cho nghỉ việc"... Mình cảm giác ... có lỗi....

Mình làm ở SETESU được 1 năm. Thời gian này cũng được sếp và đồng nghiệp yêu quý (có ganh ghét gì không nhỉ?). SETESU đúng là chủ yếu làm về các nghiên cứu xã hội, rất hợp với mình và đúng cái mình thích. Nhưng mình cũng lại nghỉ việc sau đó, vì có nhiều câu chuyện mà mình không muốn "làm trái với đạo đức nghề nghiệp". Mình bỏ việc để được là chính mình!

Lúc mình còn làm ở SETESU, mình có nhận quyết định tuyển thẳng Cao học của trường Nhân văn. Mình đã định bỏ, không học, vì muốn du học Thạc sỹ. Mình đã tâm sự với cô Xuyến, cô đã khuyên: em cứ học đi, không mất gì đâu. Và mình đã quay lại trường học. Với mình, đã quyết định làm gì là phải làm toàn tâm toàn ý. Nên việc học cũng phải học đàng hoàng, dù rằng tâm không mấy vui.

Sau khi mình nghỉ việc ở SETESU, thì cô Xuyến đưa mình về làm tại Đại học Bình Dương. Mình chính thức trở thành giảng viên khoa Xã hội học ngày 1/5/2011. Đó là những tháng ngày tươi đẹp!

(Còn nữa)

Melbourne, 14/12/2017
Từ An

Friday, December 8, 2017

HÀNH TRÌNH CON CHỮ - 3: Học Trung cấp ở Sài Gòn

Kiều Sang là cô bạn rất thân của mình hồi cấp 3. Hồi đó, hai đứa như hình với bóng, cùng ăn, cùng học, cùng chơi, và khi thi đại học cũng ráng đăng kí thi cùng trường.

Như mình nói, hồi đó nhà mình khó khăn nên mình làm gì cũng phải hết sức tiết kiệm. Bởi vậy, lúc mình đi thi đại học, mình toàn đi theo thầy cô, bạn bè. Năm đó, khi xong tốt nghiệp lớp 12. Mình và Sang đăng kí thi vào Đại học Sư phạm Huế. Mình và Sang đi theo cô Phượng (dạy Sinh học) ra Huế thi. Ra đó, cô lo cho hai đứa nơi ăn chốn ở. Đến ngày thi, cô còn mượn xe đạp nhà hàng xóm để chở mình đến tận trường thi. Rồi cuối ngày thì cô đến đón về. Thương cô quá đỗi! Nhưng thật không may (cũng có thể là cái may vì nó rẽ mình đi theo 1 hướng khác), năm thi đó mình đã RỚT!

Rồi mình lại theo Sang và má Sang vào Sài Gòn thi Trung cấp. Má Sang lại chu toàn cho mình nơi ăn ở, rồi nhờ người đưa đón mình và Sang đi thi ở Quận 12. Rồi cả hai cùng đậu trung cấp. Ngày nhập học, ba dẫn mình vào, đóng tiền học, tiền ký túc xá rồi ba về luôn trong ngày. Lúc ba quay lưng về, mình nhìn theo mà không kiềm lòng được. Cái cảm giác xa nhà bắt đầu. Mình chui ra cửa sau của phòng, ngồi thu 1 góc và khóc như mưa... khóc ấm ức.... Riết rồi quen...

Lúc này, không khí học tập cũng khiến mình nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Hơn nữa, mình cũng còn có cô bạn Sang đang ở cùng ký túc xá. Mình cũng có thêm nhiều bạn thật tốt. Ở môi trường này, mình thấy "lạ quá", chả ai để ý đến cái khuyết tật của mình. Chả ai "buồn trêu ghẹo" mình... Mình thấy thoải mái quá

Mình học đâu được hơn 1 tháng thì cô Phượng gọi điện thoại vào. Điện thoại hồi đó không như bây giờ. Ngay cái cổng trường Trung cấp Lao Động Xã Hội (Giờ là Đại học Lao Động Xã Hội), có cái cửa hàng tạp hoá. Bà chủ tạp hoá có cái bồn nghe điện thoại. Hễ ai cần gì, hoặc người nhà cần gặp con cái, gọi cho bà, bà hẹn giờ rồi cho người đi gọi sinh viên ra nghe. Mỗi lần nghe điện thoại, bà thu 2 ngàn đồng. Cô Phượng gọi mình, và cô bảo là: Em đủ điểm vào nguyện vọng 2, đại học Quy Nhơn. Em thu xếp về làm giấy tờ ra Quy Nhơ học nhé! Mình vừa mừng vừa lo.... Mừng vì đủ điểm đậu. Lo vì tiền đâu mà nhập học, rồi thủ tục các thứ, trong khi mình đã ổn định ở Sài Gòn. Và hơn hết là mình thấy thoải mái. Sau 1 lúc chần chừ, mình bảo cô: Cô ơi, em không về đâu. Em học ở đây luôn!

Thời gian học Trung cấp là 2,5 năm. Năm thứ nhất, mình vẫn còn "cay cú" vì rớt đại học. Mình đã âm thầm tự ôn thi lại và đăng kí thi lần 2 vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM (ĐHKHXH&NV), chuyên ngành Lịch Sử. Mình chọn thi Lịch Sử vì năm đó điểm chuẩn ngành khá thấp. Mình chỉ đơn giản nghĩ vậy. Rồi đến ngày thi đại học. Các bạn cùng phòng chở đi thi và đón về.... Nhưng năm thi đó, mình lại RỚT!

Rồi mình lại nghĩ, thôi, chắc không có duyên. Thôi thì cứ học cho thật tốt trung cấp này cái đã. Đại học tính sau. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng mình vẫn không ngừng tìm kiếm các sách luyện thi khối C ở các nhà sách cũ. Thấy là mua về trữ đó. Hồi đó, có 1 bạn trong lớp, tên Hà, thường gọi là Hà Tèo. Hà Tèo đã từng được ôn thi tại trung tâm nên Hà Tèo có nhiều tài liệu. Một ngày, Hà Tèo đem hết tài liệu cho mình, các sách luyện thi Văn - Sử - Địa. Hà bảo: Tớ chắc không có duyên học nữa, cho An để sau này An thi. Hà tin là An sẽ đậu đại học. Mình cảm ơn và cất giữ cẩn thận. Riêng tài liệu văn, các bài giảng mà Hà chép được, Hà muốn giữ nên mình phải chép lại. Mình không nhớ rõ, hình như là chép hết 2-3 cuốn vở 200 trang. Được Hà Tèo cho tài liệu, mình quý như cả gia tài. Đúng là được ôn trung tâm nó khác. Các câu hỏi và kỹ năng làm bài quá khác. Và mình nhận ra được vì sao mình rớt đại học.

Hồi đó mình học khá tốt khối C, và cũng có trí nhớ khá là tốt. Môn Sử thì miễn bàn. Mình học sách giáo khoa Lịch sử nhuyễn như lòng bàn tay. Thuộc đến mức mà ai hỏi gì là mình biết nó nằm chương nào, sách tập mấy, trang số mấy. Ấy vậy mà vẫn rớt!

Sau khi có được tài liệu quý, mình cho vào rương cất giữ cẩn thận. Thời gian đó, mình đang cố gắng học tốt trung cấp. Nhưng có 1 chuyện xảy ra, mình mém bị đưa về nhà... Hồi đó, không hiểu sao, mình có sức khoẻ quá tệ. Bị xỉu (ngất) liên tục. Đêm ngủ toàn gặp ác mộng. Sức khoẻ kém mà mình không dám nói gia đình, vì sợ bị kêu về nhà. Đi khám thì tìm không ra bệnh. Rồi không nhớ làm cách nào mà gia đình biết được bệnh tình của mình. Chị hai và anh hai (anh rể nhà cô ba) vào gấp ngay trong đêm để sáng hôm sau đưa mình về. Thật tình, về nhà khoẻ hơn hẳn, rồi ba chở đi gặp thầy. Thầy cho lá bùa rồi mình đem theo vào Sài Gòn.

Quay lại Sài Gòn, đúng lúc má Sang vào thăm Sang. Má thấy mình bệnh tình ốm yếu, má đã ở lại cả tháng trời để chăm sóc mình. Má cứ nước cam, lòng đỏ trứng gà cho mình... 1 tháng sau, mình ú na ú nần, đạt kỷ lục về cân nặng thời đó (48kg). Nói ra, lại thấy nhớ má Sang và thương lắm! Sau đó, mình đã chuyển ra ngoài ở. Còn Sang vẫn ở ký túc xá. Ra ngoài, mình ở chung với bạn Lan, Lựu và Bé Hà. Ngày ngày các bạn chở mình đi học, rồi lâu lâu đi chơi.

Thoắc cái, mình cũng học xong trung cấp. Ra trường, ba má bảo về quê xin việc cho gần nhà. Mình gói gém hành lý, lên đường về quê với lòng phơi phới, tự tin rằng mình sẽ xin được việc làm, có tiền và sẽ phụ giúp được gia đình. Về nhà, mình đi mua ngay chục bộ hồ sơ xin việc và đưa ba đi vào Uỷ ban Xã ký xác nhận. Mình hăm hở lắm, vì có biết "đời thực" nó ra sao đâu!!!

Rồi ngày đầu tiên, mình đem hồ sơ ra Uỷ ban Huyện, xin vào phòng Lao Động Xã Hội. Nơi này, mình đã về thực tập tốt nghiệp cách đó vài tháng. Bác trưởng phòng từ chối hồ sơ với lý do đã có người làm. Mình ra về...

Hôm sau, cô Út mình chở mình vào Thành phố Nha Trang để mình "phát hồ sơ xin việc". Nơi đến đầu tiên là Bảo hiểm Xã Hội Tỉnh. Mình cứ thẳng đường mà đi. Mình vào phòng nhân sự, xin gửi hồ sơ xin việc. Họ vẫn nhận và bảo mình về đợi kết quả. Lúc mình đi ra, nhưng chưa ra khỏi phòng, mình nghe các chị nói đằng sau lưng: Nó là con nhà ai vậy? Rồi, mình cũng đã hiểu vấn đề. Hix, nó là con của ba má nó!

Rồi cô Út chở đi tiếp đến 1 công ty. Mình không nhớ là công ty gì nữa. Ông bảo vệ ở cổng, ổng nói: Đưa hồ sơ đây tao coi! Coi xong, ổng phán: Ồ trung cấp à? Ở đây không nhận trung cấp đâu con ơi, chỉ nhận đại học không à! Lúc này, mình nghe câu này mình tức lắm, vì trược đại học mà (ha ha ha). Mình nghĩ bụng: Được, hãy đợi đấy!

Sau đó, mình rải hồ sơ thêm vài công ty nữa rồi về. Đến đâu, ai cũng nói "về nhà đợi kết quả"... Mình đợi... 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng.... vẫn không có tăm hơi.... Cái cảm giác học xong, ngồi nhà, không có gì làm, bà con thì hỏi "khi nào đi làm", nó làm mình căng thẳng lắm... Đợi mãi... rồi qua Tết, cũng không có gì.. điện thoại vẫn im bặt...

Một ngày, mình nói với ba má: Chắc người ta không nhận con vào làm đâu. Hay là ba má cho con thi lại đại học! Đậu thì con học, không đậu thì con cũng xin vào Sài Gòn kiếm việc! Ba má ừ ủng hộ

Và chiến dịch ôn thi của mình bắt đầu, sau 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp cấp 3.

(còn nữa)

Từ An
Melbourne, 8/12/2017

Monday, November 20, 2017

Knowledge of Sexuality and Reproductive Health of People with Physical Disabilities in Vietnam

Abstract

This paper discusses the knowledge of sexual and reproductive health among people with physical disabilities in Vietnam. A qualitative research design was adopted. In-depth interviewing and photo elicitation methods were used to collect stories from 20 participants. The findings suggest that without formal education about sexual and reproductive health people with physical disabilities in Vietnam gain knowledge through their experiences and from informal sources of information. Participants perceived safe sex to include contraceptive methods, prevention of sexually transmitted diseases, having orgasm together and finding balance between health and sexual needs. Participants related reproductive health to fertility, restriction of family size, sexually transmitted diseases, and self-care in pregnancy. Reasons for insufficient knowledge included limited education due to: disability and poor family background; limited education on sexual and reproductive health issues; absence of family and community discourse about sexual and reproductive health; and lack of information resources. Participants acknowledged that their knowledge was inadequate. They wanted to know more about sexual and reproductive health but lacked access to the relevant information. Health care providers, researchers, and policy-makers in Vietnam should address the gaps in sexual and reproductive health care knowledge among people with disabilities in Vietnam and those that provide care to them.
Please see more at the link below:



Friday, November 17, 2017

HÀNH TRÌNH CON CHỮ - 2: Học cấp 2 - 3

Cái thời đi học của mình, mỗi cấp học đều phải thi tốt nghiệp và chuyển cấp. Thi tốt nghiệp cấp 1 xong, mình phải ra tận trường Vạn Lương 1, ngay cầu Hiền Lương để thi chuyển cấp để lên cấp 2. Ngày đi thi, ba má chở mình đi thi. Vào phòng thi, mình vần A nên ngồi ngay bàn đầu tiên, ngay mép cửa lớp. Thế là, vừa làm bài thi, vừa ngó ra ngoài coi xem ba má đứng ở đâu (ha ha ha). Hồi đó, thi chuyển cấp quan trọng lắm, nên ba mẹ lo lắng như con đi thi đại học bây giờ vậy. 

Rồi mình cũng đậu và vào học tại trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (thuộc thôn Tân Đức, xã Vạn Lương). Cái trường bây giờ không còn nữa mà đã bị đập đi để xây bệnh viện Huyện. 

Khi biết tin mình được tiếp tục đi học, mình mừng lắm. Lúc ấy, chị hai mình đã phải bỏ học vì kinh tế gia đình hạn hẹp. Thế nên, mình cứ nghĩ trong đầu rằng: "học luôn cho cả phần của chị". Rồi mình lại lo lắng, trường xa, không thể đi bộ được. Vậy ai chở mình đi? Thế rồi mình lại cố gắng tập đi xe đạp với hy vọng có thể tự đạp xe đến trường. Trường không quá xa, chỉ tầm 5-6km thôi, nhưng với mình, đạp được xe tới trường trong cái gió lào vù vù nóng rát thì thật là "phiu phiu" luôn. 

Khoảng thời gian học tại trường này, đa phần là ba má và chị hai thay phiên nhau đưa đón mình đi học. Mình có nhiều bạn tốt hơn. Khi ba má và chị không đón đưa mình được thì các bạn ấy chở mình đi và đưa mình về tận nhà. Cũng có khi là những người cô, người chú, người anh hàng xóm đưa đón mình đi học. Những lúc ấy, thật an toàn làm sao!

Và chuyện chỉ xảy ra khi mình tự đi một mình. Mình cứ quyết tâm, dù có thế nào, mình vẫn đi học. Muộn cũng được, nhưng vẫn đến lớp. Rồi mình thọt lên chiếc xe đạp cà tàng đi học. Đoạn đường cứ như dài ra khi gặp gió thổi ngược. Đạp cong cả đít lên mà xe chỉ nhích chút ít. Có khi, gió mạnh quá, phải xuống dắt bộ. 

Tại trường này, mình bị bạn (khác xã) đánh. Nó trêu ghẹo thì thôi đi, đằng này, nó đánh nữa mới ác. Có lần, mình méc cô giáo chủ nhiệm. Cô bảo mình: Thôi thì em ráng tránh mặt nó đi, nó bị khùng mà!... Thôi, cô không giải quyết được thì mình tránh vậy. 

Mà thật ác, nó đánh mình vì lý do không đẩu không đâu. Nó kêu mình chỉ bài nó làm kiểm tra, mình không chỉ, nó đánh. Nó bảo lấy cái tay ra cho nó coi bài để nó chép (đang kiểm tra), mình không cho, nó nhào lên (vì nó đang ngồi sau lưng) giật lấy bài kiểm tra của mình và xé nát. Thực ra, mình chẳng "ki bo" gì, các bạn khác mình cho coi thoải con gà mái, coi được gì thì coi, chép được gì thì chép. Nhưng với cái thằng đó, mình ghét nên mình không cho. 

Mình càng không cho nó chép bài, nó càng hung hăng. Nó xé sách mình, vẽ hầm bà lằng trong tập viết của mình, đổ mực vào cặp táp của mình. Rồi nó xé giấy, ghi chữ què này què nọ, rồi dán lên lưng mình... Mình vẫn mặc kệ. Mình vẫn đi học. Rồi có lần, nó xả xì lốp xe đạp của mình. Nó tháo sợi xích xe đạp ra.. Mình vẫn kệ, vẫn đi học đều.

Sợ nhất là một lần, mình đi học về, đi ngang qua cái Dốc Thị. Khu vực này "thiệt là nguy hiểm". Nguy hiểm vì nó "giang hồ" trong con mắt mình. Mình đang lui cui dắt cái xe đạp lên dốc, vì dốc cao, đạp không nổi. Thì thình lình ở đâu vài ba thằng từ trong cái quán kế bên chạy ra, trêu đùa mình. Bất chợt, chúng ném vào người mình 1 bịch nước. Mình ướt từ trên xuống dưới... rồi cay.. rồi nóng.... Tía má ơi, bịch nước ớt!

Về tới nhà, má hỏi: Sao ước mem vậy con? Mình nói: Dạ tại con uống nước bị đổ... Mình nói dối.... Mình biết, nếu mình nói thật, cả nhà sẽ lo lắng lắm.... và có khi vì bảo vệ mình mà cho mình nghỉ học cũng nên... Thế nên, cứ im lặng và đi học. 

Rồi mình cũng học sắp xong cấp 2. Hồi đó, các bạn chuẩn bị thi tốt nghiệp và chuyển cấp đều được nhà trường khuyến khích đi học phụ đạo (học thêm). Mình thì nghèo mà... nên học xong buổi sáng, thì ở lại buổi chiều để học lén. Có lần cô giáo dạy văn biết được, nên cô kêu con gái cô (học cùng lớp mình) dẫn mình về nhà cô ăn cơm trưa. Nhà cô cũng nghèo... mình thì ngại. Nhưng đói thì vẫn ăn (he he he). 

Có một lần, nhà cô ăn cơm với mắm cái (mắm cá cơm, sắp thành mắm nêm í).... Mình thì không ăn được mắm này. Cô thầy nhiệt tình, gắp con cá cho vào chén cơm của mình... Mình ực con cá một phát mà rưng rưng... 

Học lén mãi cũng bị phát hiện... Bình thường, mình núp dưới gốc dừa, kế bên có cái cửa sổ, gần cuối phòng học. Hôm đó, thầy dạy môn Vật lý. Mình đang ngồi dưới đất, lui cui giải bài tập thầy cho. Rồi thình lình nghe giọng thầy... thật là gần. Thầy nói: A ha, học lén phải không? Mình đứng hình, không nói được gì. Hôm sau, thầy cho vào lớp ngồi. 

Thoắt cái, mình cũng xong tốt nghiệp cấp 2 và đậu chuyển cấp vào cấp 3. Mình học tại trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng. Ô la la, nó là ngôi trường danh tiếng trong huyện đó nghen. Trường này cách nhà 11km. Mình không có khả năng đạp xe xa như vậy, nên mình dọn hẳn ra nhà ngoại ở. Trường mới, bạn bè mới. Ở đây, mình có thiệt nhiều bạn tốt, rất tốt. Các bạn và các thầy cô giúp mình nhiều thứ. Tuy nhiên, cũng có vài bạn trêu đùa khuyết tật của mình. Mình mặc cảm nhiều hơn. Ở cái tuổi này, mình đã có những rung động... Dù bạn bè tốt, nhưng vì mặc cảm, mình đã thu mình lại, chỉ để học và học là niềm vui vô hạn. Mình như lẩn trốn cả thế giới chỉ để học.

Rồi mình cũng xong cấp 3 và chuẩn bị thi đại học...

(Còn nữa)

Melbourne, 17/11/2017
Từ An

HÀNH TRÌNH CON CHỮ - 1: Học cấp 1

Mình vốn sinh ra trong một gia đình nghèo về kinh tế nhưng giàu truyền thống hiếu học. Ông nội mình xưa kia là nhà Nho "chính hiệu", được người trong làng gọi là Thầy Lễ. Cuộc sống nhẹ nhàng trôi đi cho đến một ngày -  Cộng sản vào giải phóng miền Nam. Cái thời chiến tranh và chuyển đổi chế độ nó loạn lạc lắm. Ông nội mình chỉ quen cầm bút. Nay buộc chuyển sang cầm cuốc (làm nông), ông không "quen tay" nên cuộc sống mãi hoài nghèo đói. Rồi ông qua đời. Bà nội, các cô và ba mẹ mình làm đủ thứ nghề chân tay đến buôn bán để mưu sinh cho cả đại gia đình. Cuộc sống chật vật lắm!

Rồi mình được sinh ra đời, vẫn còn trong cái thời bao cấp. Nhà vẫn nghèo, vẫn là cơm độn các thể loại củ và hạt. Khi thì củ mì (sắn), khi thì củ khoai lang, khi thì bắp (ngô)... 

Năm lên 4 tuổi, mình mắc bệnh sốt bại liệt và để lại di chứng suốt đời. Hồi đó, bao nhiêu của cải dành dụm trong nhà đã đội nón ra đi vì mình. May mắn thay, với nỗ lực không mệt mỏi của gia đình trong việc tìm thầy điều trị, mình đã từ 1 đứa nằm liệt giường, chỉ biết ngọ nguậy cái đầu, đã đứng lên được và bước đi trên đôi chân xiêu vẹo. Với ba mẹ, vậy là ông trời đã có mắt! 

Rồi mình lớn lên với tâm hồn ngây thơ và trong sáng. Chơi chung và quánh (đánh) lộn với mấy đứa trong xóm. Mình chả quánh được gì chúng nó, chủ yếu là ... nhào dzô để ngắc và nhéo... và cả cắn nữa.... Và mình luôn thắng vì mình ... dai như đỉa (hahaha)
Rồi một ngày mình thấy mấy đứa chơi chung được mặc đồ đẹp, được đeo cái cặp táp và đi đến trường. Chị hai mình cũng đi học. Và mình thèm đến trường như các bạn. Rồi một ngày đẹp trời, mình cũng được đến trường! la la la 

Nghe má kể: Hai chị em nó đi học, mà ngày nào đi học về, cũng chỉ toàn là nghe chị hai nó méc với bà nội là "thằng Quân đánh con". Thằng Quân là thằng con của bà hàng xóm. Thế là chị hai được bà nội dẫn qua nhà thằng Quân và méc vốn với ba mẹ nó. Ha ha ha, chị hai hả hê nghen. Má chưa bao giờ nghe con An nó méc bà nội nó cái gì cả.... 

Và những gì mình không méc... là những gì mình không thể hoặc không dám chia sẻ với gia đình... mãi cho tới bây giờ...
Hồi mình học cấp 1, mình luôn bị các bạn trêu đùa và chọc ghẹo. Mình chẳng bao giờ được yên thân. Các trò đùa của các bạn thấy thật "ác" - theo đúng nghĩa của từ. 

Các bạn ấy đánh mình. Hồi nhỏ, mình quánh lộn ghê lắm. Thú nhận là mình không có hiền lành gì đâu nghen (ha ha ha)... rồi khi đi học, cô giáo bảo "đánh nhau với bạn là không tốt". Thế là từ đó trở đi, mình hiền như que củi. Bị bạn đánh mà không dám đánh trả. Rồi đi méc cô. Cô la bạn... Đi học về, bạn chặn đường đánh tiếp... Riết rồi chẳng thèm méc cô... Mình chọn giải pháp tránh mặc chúng nó. Và mình đã ráng đi học thiệt sớm và về thiệt trễ để không phải gặp chúng nó. 

Nhưng mình vẫn bị đánh vào những giờ ra chơi... tời quơi!!! Những lúc tới giờ ra chơi, tất cả học sinh đều phải chạy ra sân tập thể dục. Đó là quy định. Mình không là ngoại lệ. Thế là mình đi ra, các bạn ấy chen lấn nhau, chạy ào ra và cố tình xô đẩy cho mình ngã ra đất, rồi chúng ôm nhau cười. 

Rồi những khi đi ngoài đường, có khi là đi mua bịch muối hoặc chai mắm cho má, cũng bị chúng nó chặn đường đánh. Trêu ghẹo cho đã rồi nhào dzô đánh. Có một lần, mình đi mua cho má bịch đường. Trên đường đi, bị chúng nó chặn lại đánh. Mình sợ ... không dám về, nên đã lủi vào 1 lớp mẫu giáo, ngồi lì ở trỏng cho đến khi cô giáo dạy xong rồi chạy theo cô về, vì cô về ngang nhà mình. 
Một lần khác, lúc đang đi học về, sắp tới nhà rồi, chỉ còn 1 con đường luồn nhỏ (hẻm) nữa là tới. Vậy mà cũng bị ba đứa con gái (lớn hơn mình) chặn lại trêu ghẹo, quẳng rác vào người và chửi mình bằng những từ khó nghe (mất dạy). Mình cố đi, chúng nó không cho đi. Mình thôi kệ, ráng chịu trận vì nhà rất gần. 

Rồi chúng nó biết con đường mình đi học, chúng nó đào 1 cái hố nhỏ để bẫy mình. Mình đạp vào hố, ngã sấp mặt luôn, trẹo chân (bong gân), rồi nghỉ học. Hồi đó, mình bị trẹo chân như cơm bữa. Chân suốt ngày bó thuốc (thuốc nam). 

Vậy đó, nhưng mình đã không bỏ học. Dù nắng dù mưa hay bão, miễn là thầy cô đến lớp dạy là mình có mặt để học. Hồi đó, ráng học để lấy điểm 10, để đem về khoe ba má. Nhỏ nhoi vậy thôi mà nó đã che lấp hết cả những trận đòn kia. 

Thắm thoát, mình cũng đã học xong lớp 5 và chuẩn bị lên cấp 2

(Còn nữa)

Melbourne, 17/11/2017
Từ An

P/S: Những đứa hồi đó quánh mình, mình nhớ hết, tên và mặt chúng nó. Cách đây mấy năm, mình có gặp lại 1 thằng. Rồi nó hỏi mình: "Hồi đó tui thường quính bà, tại tui không có hiểu được. Bà còn giận tui hông? Xin lỗi bà nhan!". Vậy đó, nó nhẹ nhàng thôi... quá khứ, hãy để nó trôi đi! 

Bio-summary

I was a lecturer at the Sociology Department at Binh Duong University. I taught subjects such as Research Sociology Method, Statistical Package for Social Science and General Social Work as well as general sociology. I was previously the Head of Representative Office at the Southern Environment and Technology Economy Science Union (Vietnam), where my main duties where in the human resources management, implementation and monitoring of research projects. And was previously a project assistant in the “Leadership for women with disability” project which is part of the “Disability Resource and Development” project in Vietnam. 
My Master of Health Sciences thesis at La Trobe University (Melbourne) is titled "Sexual and Reproductive health of people with physical disabilities in Ho Chi Minh City, Vietnam". 
My Master of Sociology thesis is titled “Sexual issues of people living with disabilities in Hochiminh City, Vietnam” and My Bachelor of Sociology thesis was “Gender issues in families of people with disabilities in Hochiminh City, Vietnam”. Both degrees i got from Vietnam National University- Brand Ho Chi Minh City - HCM University of Social Sciences and Humanities. My most recent volunteer work was volunteer researcher at CBM Australia where I helped update DID (Disability Inclusive Development) Stats and Facts, which included statistics and facts about people with disabilities around the world. 
I am currently undertaking a Doctor of Philosophy through Monash University.

Updated 17/11/2017

Những chuyện liên quan đến Anna: 3 - CON ĐI HỌC

Con đi học đã được 3 tuần, nhưng đúng ra là chỉ có 5 ngày trong suốt 3 tuần ấy.
Tuần đầu tiên, con đi 1 ngày. Rồi lần lượt là 2 ngày/ tuần. Con đi học khi con chỉ 11 tháng... Giờ con sắp thôi nôi rồi. Ai cũng bảo mẹ: "Sao cho con đi học sớm quá vậy?". Ừ thì sớm! Sớm quá! Tội con! Mẹ biết mà! Ba cũng biết! Nhưng biết làm sao hơn. Con cần phải làm quen với môi trường mới, cần tiếp xúc với nhiều người khác nữa chứ không chỉ có ba mẹ, dì và các cô, rồi bà nội.
Con đi học... Nhà vắng hoe. Vắng hơn cả những gì mẹ tưởng tượng. Và trong cái xóm tĩnh mịch này thì cái sự vắng lặng này khiến mẹ nghe được cả tiếng chim vỗ cánh bay ngoài vườn. Im ắng lắm!
Mọi khi, khi con ở nhà. Hai mẹ con cứ ra ra vào vào, hết ăn rồi ngủ, hết ngủ rồi chơi... Con nghịch "dã man"...
Con bò khắp nhà,
Ráng leo trèo khắp nơi,
Ráng moi móc mọi thứ trong các ngách bé tí,
Ráng nhặt nhạnh những thứ bé ti hi và cho vào miệng
Con mở tắt tivi như người lớn
Con chơi... con ngã... rồi con khóc...
Rồi con la hét ... kiểu như tập nói
Rồi khi mẹ kêu con uống nước, không muốn uống, con bảo "Không"
Mẹ kêu con ăn, con không ăn, lắc đầu nguầy nguậy, con bảo "Không"
Con chỉ gần 12 tháng thôi mà thế đó... trả treo dữ thần hông? Rồi mai mốt nói sỏi hơn, chắc là lý sự lắm đa
Con đi học, mẹ ở nhà ráng học bài. Mẹ nhập học đã 1 năm rồi mà mọi thứ cứ như ... 1 tờ giấy trắng. Những thứ mẹ cố gắng làm được chỉ là viết các bài báo để đăng. Và may mắn, đã được 1 bài duyệt và sắp đăng.. có lẽ là 2-3 tuần nữa sẽ xuất hiện online.
Hôm nay, mẹ lại đưa con đi học. Mẹ về nhà, phơi quần áo cho con. Trời trong xanh, gió mát, tiếng chim hót ríu rít trong vườn. Xong việc, mẹ vào nhà pha ly cà phê và nhâm nhi bánh quy... Chà, lâu rồi mẹ mới có 1 ly cà phê như vậy. Mẹ thấy đời nhẹ nhàng quá đỗi.
Mẹ đã xong việc sửa chữa các bài báo và sẽ bắt tay vào tiến trình PhD của mẹ.
Mẹ tìm tài liệu và hệ thống lại các tài liệu mẹ đã có...
Mẹ cố gắng tập trung học ... nhưng sao thấy có gì thiếu vắng... Mẹ lại nhớ con gái nhỏ rồi...
Yêu con! Ráng học ngoan con nhé!
Ba đi làm về, ba mẹ sẽ đến đón con. Yêu con gái!

Melbourne, 17/11/2017
Từ An

Friday, February 10, 2017

Một chuyến xuất ngoại của hai bác nông dân

Nhân dịp sắp chào đón đứa cháu ngoại, hai bác "nông rân" được thằng con rể bảo lãnh sang Úc du lịch vài tháng. Lần đầu tiên xuất ngoại, hai bác vừa háo hứt vừa lo lắng vì có quá nhiều "cái lần đầu tiên":
Lần đầu xuất ngoại
Lần đầu tiên đi du lịch xa nhà
Lần đầu tiên đi du lịch lâu như vậy
Lần đầu tiên đến cái xứ "không nói tiếng mình"
Lần đầu tiên đi máy bay
Và nhiều cái lần đầu tiên khác sẽ được mô tả ở phần dưới.

Xuống máy bay, con gái và con rể ra đón. Hôm đó thời tiết tầm 17 độ C. Má vừa ra khỏi sân bay đã kêu lạnh. Lạnh là phải, vì ở cái xứ nắng gió Lào nóng rát miền Trung thì làm gì có cái nhiệt độ như thế. Ba thì vừa ra khỏi sân bay đã lột cái áo khoác vắt trên xe đẩy hành lý và bảo: "Cũng không lạnh lắm nhỉ?" (Uhm, với mình thì 17 độ C không lạnh)





Trên đường từ sân bay về nhà, ba má cứ tha hồ ngó nghiêng và bình luận:

- Chà, đường xá ngon ghê hén
- Trời, xe hơi quá chừng
- Trời ơi, đất đai rộng dữ thần luôn hén, ở sao cho hết? Sao họ không cho nhập cư nhiều nhiều để mình xin ở lại nhỉ (nói tếu đó)?
- Ồ cây chết khô bên đường nhiều quá hén (P/S: Cây không chết khô, mà vì rụng hết lá sau một mùa đông lạnh teo)
.....

Sau vài tháng ở xứ chuột túi, ba má đã có bao la câu chuyện để kể cho bên Việt Nam nghe. Sau đây là một vài mẩu chuyện mà mình "thu lượm" được:


1. Đi Siêu thị (shopping):

Lần đầu tiên, ba má được đi đến một cái shopping to như vậy, nên nhìn cái gì cũng lạ mắt. Ba má kể cho bên nhà nghe:
- Nhân viên vệ sinh ở đây họ làm "thiệt tình", làm nhanh gọn, chứ không có rề rà như mình nhỉ?
- Còn nhân viên hỏi đường (information desk) vui vẻ, dễ thương. Đi bao nhiêu lần, lần nào cũng cười nói vui vẻ ghê. Không hầm hố như bên mình.
- Cái bãi đậu xe thì trơi ơi, nó quá rộng, có cả hàng ngàn chiếc. Mà nói mới nhớ, cái bãi xe ở sân bay, nó tầng tầng tầng luôn. Nghe con An nói, cái bãi đó tới 6 tầng lận đó. Mà mỗi tầng là nó rộng thênh thang, mình đi chắc lạc luôn đó. Không biết bao nhiêu xe mà nói. Mà đâu phải chỉ có 1 bãi đâu, nhiều bãi lắm.

2. Đi bệnh viện:

Má kể: Trời ơi, đi theo con An khám thai, vào đó nha, mấy bà bầu bước đi thoăn thoắt, nhanh nhẹn lắm. Mà bà bầu nào cũng bụng bự, chứ có nhỏ gì đâu. Không hề thấy một người nào mà đi lạch bạch hết đó nha. Còn bác sỹ y tá thì vui vẻ lắm. Sao mà nó khác với bên mình quá chừng luôn. Còn bệnh viện á nha, nó sạch bong, không hề có mùi thuốc. Sàn thì láng oang, cứ y như khách sạn vậy đó.

3. Đi trên đường:

Mỗi một lần chở ba má đi siêu thị là y như rằng hai bác "nông rân" này tíu tít về đất đai và đường xá. Ngồi trong xe mà cứ chắt lưỡi hít hà: "Đường xá rộng rãi, quá đã!". Còn đất đai thì ôi thôi, nó bao la. Rồi ba chợt "ước": Đất này mà ... phải chi nó cho mình làm, mình sẽ nhổ cỏ, trồng bắp trồng dưa rồi đem đi bán, thu cũng bộn tiền luôn đó" haaaa (nông dân mà)

4. Đi tập thể dục: 

Ba má sang Úc, vì không được phép đi làm, ở nhà không có gì làm, đi ra đi vô hoài cũng chán nên ba má đi tập thể dục và khám phá xung quanh vào mỗi sáng. Mỗi lần đi xong, về nhà là ba má lại mở Skype lên để nói chuyện với bên nhà. Má kể chuyện ở Úc cho bên Việt Nam nghe: 

* ... mình đi, mình lỡ đụng ngừ ta, mình chưa kịp nói gì thì họ đã nói Sô rì (sorry) rầu. Gặp mà bên Việt Nam á nghen, nó sẽ quay sang, nó chửi mình: Bộ đui hả con quỷ!!!!...😳😳😳😳 *  Rồi mình đi là mình lỡ đạp dép nó đó nhen, nó quay sang cũng nói sô rì. Còn như bên mình thì á nha, nó quay sang nói: Coi chừng tao giã chạc trong mặt bi giờ!!! 

*. .... Mình đang đi bên này đường, chuẩn bị băng qua đường bên kia. Thấy cái xe từ xa nên đứng lại chờ, cái tự nhiên thằng tài xế dừng xe lại rồi ra dấu cho mình đi qua. Còn gặp như bên mình á nghen, xe nó hốt xác mình liền.... 😐😐😐😐


5. Khí hậu: Lúc ba má sang, thời tiết là đã đầu mùa Xuân, nhưng năm nay Melbourne trở chứng nên cái lạnh nó cứ dai dẳng. Thành ra, ba má cứ kể cho bên nhà nghe là: Trời ơi, nó lạnh de kêu, lạnh gì mà đến cái bàn cũng lạnh, cái ghế cũng lạnh, ngồi đâu lạnh đó, lạnh tới đau nhứt chân tay... uống nước lạnh không cần bỏ tủ lạnh, cứ mở vòi mà uống, lạnh tê răng, uống bia cũng không cần bỏ tủ lạnh mà vẫn lạnh tê người luôn đó. Lạnh ghê lắm!!!

6. Trồng cỏ quanh nhà
Cái này mới vui nè! Lúc chưa sang, mình có nói ba má là tụi con chừa đám cỏ để ba má qua làm.... giết thời gian, chứ ngồi không riết rồi chán. Rồi khi vừa về tới nhà, ba má bảo: ô, cỏ nhiều quá ha! Vài ngày sau, ba má thấy con rể lôi cái máy ra cắt cỏ. Ba má nói: Ủa chứ không phải nhổ hết hả???? Má còn thêm: Má cứ tưởng phải nhổ hết. Lúc đầu mà còn tính là phải nhổ thiệt kỹ, giẫy hết cả gốc lẫn củ để tránh mọc lại, chứ sao lại để cỏ mọc quá trời dzị???? Má tính, làm hết đám cỏ quanh nhà chắc cũng phải vài ngày.... Phew, may là hai "bác nông rân" chưa đi nhổ cỏ vì còn say máy bay.

7. Làm vườn
Ba má ở nhà, làm luôn tay luôn chân nên quen rồi. Sang Úc, ăn rồi ngủ, rồi đi ra đi vô... nên đâm ra chán sớm và đòi về. Cái mảnh vườn dày cỏ của mình, ba má làm cái èo hết sạch. Rồi trồng thêm rau cho vui. Ngày ngày ba má ra chăm, thăm nom, nhỏ cỏ và tưới nước. Ba má vừa về thì bên này, con gái được hưởng thụ thành quả. Cỏ lại mọc rồi... mà không có thời gian chăm nom.

Đám cỏ trong vườn
8. Đi nhà hàng
Lâu lâu, con gái và con rể dẫn ba má đi ăn nhà hàng. Dĩ nhiên là nhà hàng Việt Nam. Mới đầu vào, kêu tô phở. Họ bưng tô phở ra, ba má nhìn thấy ... hú hồn. Gì mà to như nồi cơm điện! Ăn sao cho hết??? Mà cái giá nó mắc quá chừng. Ăn một tô phở ở đây, chi bằng, số tiền đó, về làng, mua đồ về nấu là đủ ăn cả nha luôn đó. Đó, vậy đó, tự động quy ra tiền Việt Nam rồi la làng "mắc quá con!"

9. Đi hớt tóc
Một bữa nọ, con rể dẫn ba má đi hớt tóc. Hớt xong tóc, ba hỏi: Chỉ hớt thôi hả? Bên mình là có cả cạo râu, mát xa mặt, móc ráy tay, và cả mát xa tay luôn. Má thêm vào: Còn đắp mặt nạ nữa đó. Bên này không có hả? (p/s: ba má chỉ hỏi vậy thôi chứ không có làm mấy món í đâu)

10. Mua xe hơi
Ba má sang, đúng lúc "sắp nhỏ" đổi xe mới. Bán cái xe cũ của con rể và mua cái xe mới, chỉ là xe đã qua sử dụng nhưng vẫn mới. Sau khi nghe giá xe, ba má cứ chặt lưỡi: Quá rẻ, quá rẻ! Chứ bên mình mà sắm con xe là bộn tiền à. Xe nó rẻ cho nên nhà nào cũng có ít nhất 1 xe hơi. Còn bên mình, nhà nào có 1 xe hơi là oai lắm, giàu lắm. Còn xe máy thì tràn khang. Bên này, hiếm thấy xe máy há.

11. Đi xe hơi: Cái vụ seat belt này là nó lạ lẫm với bên mình lắm lắm. Thành ra, khi ba má sang, ngồi vào xe, mình kêu "sít beo", cái ba má nói: Thôi khỏi đi, đi có chút xíu mà sít gì, mất công. Cái mình bảo, nếu không sít beo là sẽ bị phạt $295/người. Ba má há hốc: dzữ dzị hả? Thôi sít dzô đi!

12. Hút thuốc: Ba kể cho bên Việt Nam: Hút thuốc lá bên mình là không có luật lệ gì hết và người hút thuốc cũng không ý thức được tác hại của khói thuốc đối với người xung quanh. Còn bên này, nó khác lắm. Hút là phải có nơi có chốn, cả khu shopping to mà không có 1 ai dám lén hút thuốc bên trong. Họ đi ra ngoài hết. Mà đi ra ngoài rồi cũng phải đứng cách xa cái cửa đi vào là 5 mét. Có quy định rõ ràng. Ghê hông? Có nghe con An nó nói, nó coi trên ti vi, có bà kia, đang chạy xe, có chở con nhỏ phía sau. Bà hút thuốc, bị cảnh sát phạt cho gần $400 lận đó. Phải chi bên mình cũng vậy thì ngon!

13. Bảo vệ:
Các cửa hàng ở đây không có bảo vệ nghen. Người đông lắm mà không hề thấy một thằng bảo vệ nào hết á, gặp như bên mình, nó ăn cắp đã luôn á (haaaa)

14. Đổ xăng
Cả cây xăng to đùng mà chỉ có mỗi 1 thằng tính tiền bên trong. Ai muốn đổ xăng thì ghé dzô, đổ xong thì dzô trả tiền. Gặp bên mình, nó chạy có ngù luôn chớ ở đó mà đi dzô trả tiền. Đứng đổ mà còn đổ gian cho mình nữa chớ

Đó là vài mẫu chuyện mình thu lượm được... giờ hai bác nông rân đã dzìa rầu...

Từ An
Melbourne 11 Feb 2017