Tuesday, June 3, 2014

Dạy trẻ nói thật là cần thiết!

Khái niệm trẻ em ở đây có thể hiểu là trẻ dưới 12 tuổi. Đây được xem là giai đoạn đầu tiên mà con người bắt đầu có sự tiếp cận với thế giới và hoà nhập vào môi trường xã hội loài người. Xét ở góc độ tâm lý học, trẻ em lứa tuổi này trải qua hai giai đoạn phát triển là giai đoạn tìm hiểu thế giới xung quanh và giai đoạn nhập với xã hội. Do đó, những sự thay đổi dù là rất nhỏ cũng có thể để lại những hệ quả lâu dài về sau.

Trong tình huống của nhân vật, phụ huynh nên khuyến khích con rằng: “Con đã làm đúng” và phụ huynh cần giải thích rõ với con “vì sao con không được phép méc cô giáo việc các bạn quay bài”. Con trẻ tuy ngây thơ nhưng con sẽ cảm thấy hài lòng nếu mẹ có giải thích lý do thoả đáng. Chẳng hạn như: nếu con làm vậy thì con sẽ gặp nguy hiểm với đám bạn xấu. Bọn nó có thể đánh lén con..... Ở đây, người mẹ có nói “Hãy để mẹ méc cô giáo” thì người mẹ nên thực hiện lời nói của mình là “méc cô giáo dùm con”. Và sau khi méc cô giáo xong thì mẹ cũng nên chia sẻ với con là “mẹ đã méc cô rồi!”. Như vậy, con trẻ sẽ thấy yên tâm hơn và tự tin hơn về hành động của mình.

Xã hội xưa nay vẫn xem “trung thực” là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá nhân cách con người. Chính vì vậy, dạy trẻ nói thật vẫn là điều hết sức quan trọng trong việc định hình nhân cách con trẻ. Và dạy con nói thật như thế nào là đúng cách? Việc đơn giản nhất là chính bản thân người lớn phải “làm gương trong việc nói thật”, và điều đặc biệt quan trọng là “đừng bao giờ nói dối con trẻ”. Người lớn đừng tưởng trẻ mau quên mà luôn nói dối con trẻ để “chống chế” trong một vài tình huống nào đó. Nghĩ thế là một sai lầm! Trẻ con có trí nhớ vô cùng tốt.

Tôi còn nhớ, tôi có một đứa cháu 6 tuổi.  Mẹ cháu đi chợ, cháu muốn ở nhà chơi nhưng nhà không có ai trông cháu, nên mẹ mới bảo rằng: “Con đi chợ với mẹ, mẹ mua cho đôi dép mới”. Nghe dép mới, cháu hí hửng vâng lời và đi theo. Sau khi mua đủ các loại thức ăn, hai mẹ con ra về. Chưa ra khỏi cổng chợ, cháu khóc đòi đôi dép. Mẹ cháu nhất quyết không mua và bảo rằng: “Con có nhiều rồi, hôm khác mẹ mua cho!”. Cháu cứ khóc và nói suốt đoạn đường đi từ chợ về nhà: “Lớn mà dụ con! Lớn mà dụ con!”. Rõ ràng, trẻ biết được rằng “người lớn không nói thật”.

Với một câu chuyện khác, một hôm, tôi dẫn đứa cháu 4 tuổi đi siêu thị. Đến gian hàng kẹo, cháu đòi ăn socola. Tôi bảo: “Về nhà dì cho ăn, dì có ở nhà rồi”. Thế là cháu không đòi nữa. Nhưng khi về nhà, cơm nước xong, cháu lại hỏi: “Cho con kẹo đi, dì nói rồi mà, cho con kẹo”. Thật sự, tôi cũng bất ngờ khi cháu nhắc đến socola, vì lúc tôi bảo với cháu nhà có kẹo, tôi chỉ nghĩ rằng “nói cho qua”. Ai ngờ đâu, cả đêm cháu khóc đòi mẹ “lấy kẹo cho con”. Chính vì vậy, muốn trẻ nói thật, người lớn chúng ta cần phải là người nói thật.

Tuy nhiên, để trẻ biết “Cái nào nên nói thật và cái nào không nên” thì không hề đơn giản. Ngay cả bản thân những người lớn như chúng ta cũng mắc phải sai lầm vì những điều nói thật không nên nói. Vậy thì tại sao phải bắt những đứa trẻ nhận diện “tình huống nào nên nói thật và tình huống nào không?”. Như vậy là quá sức với con trẻ. Mục tiêu quan trọng với trẻ giai đoạn này là ngoan ngoãn, biết nghe lời.



ThS Nguyễn Thị Từ An
04 tháng năm năm 2014

No comments:

Post a Comment