Wednesday, January 10, 2018

Em chẳng biết mình thiếu gì?

Bài đăng trên phunuonline:

Dù khác biệt ngôn ngữ, trao đổi toàn phải ra dấu nhưng ba mẹ hoàn toàn yên tâm giao con gái và cháu ngoại cho chàng rể. Ngày trở về nước, ba mẹ còn dặn chị không được ăn hiếp chồng.




Con gái mang ba dòng máu Úc, Ý, Việt mới bập bẹ, cứ gọi ba, daddy, rồi lại “biến tấu” thành dada, dadba khiến vợ chồng chị Nguyễn Thị Từ An – anh Joseph bật cười. Hạnh phúc giản đơn mà kỳ diệu như một giấc mơ, khiến nhiều đêm, chị Từ An ngỡ ngàng tự hỏi: “Sao mình lại ở nơi đây, sao lại có một ông Tây to cao và một ai bé xíu nằm kế bên?”.
Có ai đợi bên kia đại dương…
Chị sinh ra ở một quê nghèo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nhà đông anh chị em, dẫu yêu thương, lo lắng mấy, ba mẹ cũng không chạy chữa khỏi căn bệnh sốt bại liệt, đành để nó cướp đi đôi chân của con gái mình. Thuở ấy, tưởng tất cả đã đóng khép, Từ An mang mặc cảm nặng nề, nhất là mỗi khi bị bạn học trêu chọc “con què”. Ở tuổi đôi mươi, từng thương thầm rồi bị từ chối tình cảm, tự cắn chặt răng nuốt tủi vì người ta nhìn cái chân trước khi nhìn vào tâm hồn mình.
Sau bao nỗ lực học tập, hoạt động xã hội, chị săn được học bổng du học thạc sĩ ngành khoa học sức khỏe tại trường ĐH La Trobe Úc và không ngờ đấy là mảnh đất gieo câu chuyện cổ tích đời chị. Một lần, đi thăm nhà người bạn thì bắt gặp hình ảnh ông Tây mập mập vui tính, đang ở cùng nhà (share house). Được bạn giới thiệu là Joseph “còn độc thân”. Sau vài lần đến chơi nhà bạn, đều gặp Joseph ở đó. Lúc đó, chị cũng có trò chuyện với Joseph nhưng chưa thân thiết, chỉ chào hỏi, vì chị cũng rất ngại ngùng. Tình cờ, một lần nọ, chị lướt mạng, chị bất ngờ bắt gặp hình ảnh Joseph tươi cười bên cạnh các món ăn Việt Nam, trong đó có đặc sản Nha Trang quê mình. Nỗi nhớ nhà ùa về ngập lòng, chị để lại một dòng tin nhắn “Ôi, Nha Trang là quê mình đó!”. Kể từ đó, anh chị trò chuyện qua lại nhiều hơn và thân thiết hơn. Tuy nhiên, khi anh rủ đến nhà chơi thì chị rụt lại. Định rút lui nhưng những dòng tin nhắn chân thành, kiên nhẫn của anh vẫn đến, chị chợt hỏi: “Anh nghĩ như thế nào về người khuyết tật?”. Dòng chữ hồi âm nhẹ tênh “thì ai cũng như ai mà!”. Họ yêu nhau như thế. Trong một lần đến chơi vườn cherry rồi vào trang trại hoa oải hương tím ngát, anh ngỏ lời cầu hôn chị.
Theo hợp đồng với đơn vị cấp học bổng, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, sẽ phải quay về Việt Nam phục vụ tối thiểu hai năm. Biết điều này, Joseph chốt luôn: “Cưới!”. Chuẩn bị cho lễ cưới, lòng cả hai ngổn ngang, cô dâu thì căng thẳng bởi việc làm luận văn bị trở ngại khi giáo sư hướng dẫn chuyển công tác, chú rể thì rối bời khi anh ruột đột ngột ngã bệnh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ở phòng tuyên thệ kết hôn, chú rể nhìn vào đáy mắt cô dâu, nắm chặt tay như thầm nói luôn có anh bên cạnh.
Cuộc sống hào phóng đã tặng ta cho nhau!
Anh ấn tượng chị qua điệp khúc mỗi lần tạm biệt nhau: “Lái xe cẩn thận nhé anh!”. Còn chị luôn biết ơn sự tỉ mỉ, sự quan tâm, để ý của anh ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Khi hẹn nhau ở trung tâm thương mại, nhà hàng, anh gọi điện thoại đến trước nhờ chuẩn bị sẵn xe lăn để chị không phải đi nạng xa. Hoặc đậu xe gần cửa ra vào nhất. Giai đoạn gần sinh, tăng 15 kg khiến Từ An muốn nhấc nổi mình phải gồng tay chống nạng, cơ thể đau nhức, nhất là ở khớp khủy tay. Ông xã ân cần dìu đỡ, xoa bóp, dán giảm đau, săn sóc. Ai rủ đến nhà chơi, anh hỏi kỹ: “Nhà có bao nhiêu bậc thang, bậc thang có tay vịn không?”. Và anh từ chối ngay khi biết có đến mười mấy bậc thang không tay vịn. To khỏe, anh thừa sức cõng vợ lên nhưng anh hiểu chị không thích nhờ vả người khác và cảm thấy không thoải mái.
Con gái yếu ớt lấy chồng mà lại tận trời Tây, ba mẹ chị vừa mừng vừa lo. Bay sang chăm sóc cho chị giai đoạn sinh em bé, trong ý cha mẹ chị cũng muốn dòm ngó chàng rể và bảo vệ con gái mình. Nhưng thấy anh xong việc ở hãng Unilever là về nhà ngay, lăng xăng lau nhà, giặt giũ, lo cơm nước, ba mẹ lặng người, rớt nước mắt. Dù khác biệt ngôn ngữ, trao đổi toàn phải ra dấu nhưng ba mẹ hoàn toàn yên tâm giao con gái và cháu ngoại cho chàng rể. Ngày trở về nước, ba mẹ còn dặn chị không được ăn hiếp chồng.
Anh yêu thích món ăn Việt, nhất là cháo gà vợ nấu nhưng chưa học nấu được. Vợ thèm ăn món Tây thì anh đáp ứng, còn món Việt thì phải ra nhà hàng mua. Đi làm về, anh nhìn vợ xem có cười không, chăm con có quá căng thẳng không, uống một cốc nước rồi anh chơi đùa cùng con để vợ nghỉ ngơi. Anh vì gia đình mà bỏ luôn tật hút thuốc lá.
Dịp Giáng sinh, Tết, anh dò hỏi chị thích gì để mua tặng. Chị nghĩ mãi chẳng biết thích gì, những món quà anh tặng trước đây vẫn chưa dùng kịp. Đêm nhìn chồng con say ngủ, chị cay mắt với cảm giác ấm áp ngập lòng. Sáng ra, chị nói với chồng: “Em nghĩ mãi mà chẳng biết mình thiếu gì và thích gì nữa. Bên anh, ăn cơm cùng nhau, chơi đùa với con… mỗi ngày là một ngày vui và mãn nguyện. Cuộc sống quá tốt với em rồi!”. 
Vướng chuyện chồng con, vô tình làm trái hợp đồng với đơn vị cấp học bổng khóa thạc sĩ nên chị buộc phải bồi thường. Chị đang theo khóa học Tiến sĩ Xã hội học trường Đại học Monash (được nhận học bổng toàn phần) nên bàn với chồng sau khi tốt nghiệp, chị sẽ đi làm, trả nợ. Tuy nhiên, anh cũng giành một phần trách nhiệm: “Cục nợ này do chúng ta gây ra, là của chúng ta”.

TÔ DIỆU HIỀN

“Từ khi mới quen, hai chúng tôi đã thỏa thuận hễ suy nghĩ gì, không hài lòng điều gì phải nói thẳng, không vòng vo, trông chờ người kia đoán ý mình. Chơi trò đoán chữ mệt lắm! Nhiều cuộc hôn nhân đi vào ngõ cụt cũng vì vậy. Hơn nữa, sự khác biệt về văn hoá, một người lớn lên ở trời Tây, một người lớn lên ở trời Nam, chỉ có chân thành sẻ chia, vợ chồng tôi mới có thể đồng hành cùng nhau”.
Nguyễn Thị Từ An (Úc)




Link: http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/sac-tim-oai-huong-va-chuyen-tinh-co-tich-120289/

Bài đăng trên báo Phụ Nữ (báo in)


Friday, January 5, 2018

HÀNH TRÌNH CON CHỮ - 6: Trên đất Úc - Học Tiến sĩ và con nợ bạc tỷ

Sang Úc, mình theo học Thạc sỹ Nghiên cứu (Master by Research) ngành Khoa học Sức khoẻ (Health Sciences) tại đại học La trobe (Melbourne). Mình đặt chân đến Úc vào một ngày mùa hè của Melbourne. Mình thật sự rất may mắn vì trong hành trình này, mình gặp được chị Yến (giám đốc DRD) và chị ca sỹ Thuỷ Tiên. Quá sướng, học cùng trường, cùng khoa và ở cùng ký túc xá. Mình đã thấy yên tâm hơn.

Vì mình học Research nên mình không đến lớp như các bạn khác. Mình chỉ làm cái nghiên cứu của mình và làm việc với giáo sư hướng dẫn. Thành ra, thời gian rất chủ động. Muốn học thì học đến điên cuồng. Còn chán quá thì cứ thong dong đi chơi cả ngày mà không lo lắng việc điểm danh. Sướng mà khổ!

Thời gian đầu ở Melbourne, mình phải ráng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Khó khăn thì cố gắng khắc phục, hoặc ngoài khả năng thì có thể nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè và thầy cô quản lý sinh viên. Mình là sinh viên khuyết tật, nên ADS cũng đầu tư nhiều tiền hơn cho mình so với các sinh viên khác. Mình không còn lo lắng chuyện áo cơm nữa, vì đã có chính phủ Úc lo. Nghe sướng thật! Mình chỉ việc học nên nghĩ bổn phận và trách nhiệm là phải học thật tốt. Chính vì vậy, mình đã rất nỗ lực. Các giáo sư lúc nào cũng khen xuất sắc!

Mình thì cũng muốn học tiếp lên Tiến sỹ chứ không dừng lại ở Thạc sỹ. Mình cũng luôn tìm kiếm các cơ hội để có thể học tiếp Tiến sỹ. Với mình, học, nghiên cứu là một đam mê bất tận. Mình cũng đã nghĩ: Nếu may mắn có được học bổng TS ngay sau khi tốt nghiệp Ths thì mình ở lại học tiếp. Còn không thì về rồi tiếp tục tìm học bổng học TS.

Và rồi thời gian, có nhiều chuyện vui buồn xảy ra ngoài mong đợi. Chính những điều đó đã lái mình đi theo một hướng khác - hướng mà mình chưa bao giờ nghĩ tới!

Cái đầu tiên là bà giáo sư chính chuyển trường vào sát ngay cái tháng mình sắp kết thúc khoá học. Bà ấy qua Sydney làm việc trong khi mình sắp xong luận văn. Thời gian mấy tháng gần cuối, bà không chỉnh sửa gì nhiều cho luận văn của mình. Rồi đùng 1 cái, bà thông báo bà phải nghỉ việc. Mình choáng váng! Giáo sư mới yêu cầu mình phải gia hạn thêm vài tháng để bà đọc luận văn. Ôi, cái dân học bổng mà, gia hạn đâu có dễ, vì nó liên quan đến nhiều thứ. Mình cực kỳ căng thẳng. Thật may mắn là nhờ sự giúp đỡ của "sponsored team" (đội quản lý du học sinh ADS) tại đại học La Trobe. Họ đã làm việc nhiệt tình, hết mình để đem lại cho mình một kết quả tốt nhất. Thật sự rất cảm ơn đội ngũ quản lý ADS tại La Trobe. Mình được ở lại thêm 3 tháng. Mình được La Trobe trao học bổng học phí 3 tháng, và ADS chi tiếp sinh hoạt phí cho mình 3 tháng nữa. Vậy là việc học coi như tạm ổn định. Phew!

Giữa cái lúc mình căng thẳng vì việc đổi giáo sư, cũng là lúc mình diễn ra cái đám cưới với một người Úc. Mình và Gấu quen nhau 1 thời gian thì tính đến chuyện đám cưới. Việc "có bồ" cũng là chuyện hỉ ngẫu nhiên. Mình chả bao giờ nghĩ mình có bồ... ấy vậy mà đùng cái "lấy chồng". Thật ngộ! Bọn mình dự định cưới vào tháng 2/2016, và dự tính là tháng 3/2016 thì tụi mình về Việt Nam và làm đám cưới bên Việt Nam. Thế nhưng, cái việc đổi giáo sư khiến mình căng thẳng. Mình đã định hoãn cưới, nhưng thư mời đã gửi, tiệc cưới đã đặt, lễ cưới cũng đã đặt xong đâu vào đấy... Thôi thì, cứ thế mà làm thôi. Rồi mình lên xe bông ở xứ người!

Trong khoảng thời gian sau cưới, mình lại tiếp tục hoàn thành luận văn. Chỉnh sửa rất nhiều. Mình và giáo sư mới đã làm việc rất căng thẳng. Và ngay cả những lúc căng thẳng, mình cũng vẫn nung nấu ý định xin học bổng học tiếp TS. Thế nên, mình cũng cứ tìm đọc thông tin liên quan đến xin học bổng TS. Mình liên lạc với giáo sư bên đại học Monash và được sự ủng hộ cũng như chấp thuận làm giáo sư hướng dẫn cho mình. Bước đầu có vẻ khả quan.

Thú thực, mình cũng đã từng nghĩ "thôi, Ths đủ rồi!"... Thế nhưng, chỉ nghĩ đến việc "không đi học nữa" là mình cảm thấy không vui, cảm thấy bị thiếu cái gì đó trong cuộc sống. Thế nên, mình miệt mài làm luận văn, miệt mài viết bài đăng tạp chí quốc tế, và miệt mài làm hồ sơ xin học tiếp TS.

Đầu tháng 4/2016, anh trai chồng qua đời để lại cả một nỗi đau mất mát lớn cho gia đình chồng. Đó cũng là lúc mình phát hiện có bầu. Buồn vui lẫn lộn. Mừng nhiều hơn buồn, vì tin có bầu ngay cái thời điểm "tâm trạng cả nhà chồng đang đau khổ". Nó như một giọt mưa xuân, làm cả nhà phấn khởi! Mừng lắm, mà cũng căng lắm đây. Vì mình đã gia hạn visa một lần rồi.

Bầu bì nghén, mệt, rồi luận văn... ôi mình như phát điên. Thật may, có chồng bên cạnh, đỡ đần hết mọi thứ, chia sẻ mọi thứ. Cuối cùng, luận văn cũng xong. Mình nộp cho trường để chấm điểm. Mình sắp đến ngày về. Mình buộc phải nói với bên quản lý du học sinh về baby và tình trạng sức khoẻ của mình rằng: mình không đủ điều kiện để lên máy bay ngay thời điểm đó. Thế là mình lại được DFAT đồng ý và cho ở lại đến khi sinh con xong. Thật sự rất cảm ơn những sự hỗ trợ của DFAT và sponsored team.

Sau khi mình có kết quả chấm luận văn, mình tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ xin học bổng. Lần này mình xin ở La Trobe và cả Monash. Và rồi, tin vui ập đến khi nhận tin trúng tuyển học bổng toàn phần tại Monash, ngành Xã hội học - ngành mình thích. Rồi sau đó, La Trobe cũng báo tin trúng tuyển. Nhưng bên La Trobe chỉ cho học phí, không cho sinh hoạt phí. Mình đã chọn Monash, dĩ nhiên rồi :). Lúc này, mình đã có Anna oe oe rồi.

Ảnh chụp lại từ fb: Hình lễ cưới, nhận bằng tốt nghiệp, Anna lúc chưa đầy tháng và thư nhập học của Monash

 Email trúng tuyển từ La Trobe

Mình lại xin DFAT ở lại học tiếp TS nhưng đã bị DFAT từ chối. Đơn giản thôi: vì họ không tin mình sẽ quay về sau khi học xong TS! Một khi họ đã không tin, thì bạn có giải thích hay cam kết thế nào thì tất cả cũng chỉ là nguỵ biện! Họ đưa ra 2 lựa chọn cho mình:

1. Quay về Việt Nam trong vòng 30 ngày và không được quay lại Úc trong vòng 2 năm. 
Mình không thể chọn phướng án này vì: Nếu mình quay về và không được phép quay lại Úc trong 2 năm, có nghĩa là mình bị mất học bổng TS. Mình không mong muốn điều đó. Mình muốn được học tiếp. Và cơ hội học bổng toàn phần đâu phải lúc nào muốn cũng được. Và hoàn cảnh hiện tại của ông xã mình, cũng không thể theo về Việt Nam liền ngay được. Mình thì lại không thể tự đi một mình. Lúc đầu, mình đã tính về vì có ông bà ngoại Anna. Nhưng giờ, ông bà ngoại Anna đã phải về Việt Nam trước dự tính vì có giấy bão lãnh đi Mỹ định cư. Mọi kế hoạch của mình đành phải chuyển theo hướng cho phù hợp hiện tại.

2. Ở lại úc thì phải đền hợp đồng, trả lại toàn bộ chi phí mà họ đã đài thọ cho mình: Tổng là $175.000 AUD. 
Mình đã chọn giải pháp này. Mình biết đó là số tiền không nhỏ, nhưng mình không thể làm khác được. Dẫu sao cũng tự an ủi mình: Nhờ ADS mà mình được mở mang kiến thức và gặp được ba Anna và có Anna bây giờ. Nhờ ADS mà mình có một mái ấm nhỏ và có cơ hội học tiếp TS (dẫu có chút đắng cay). Và rồi, ngủ một đêm, tỉnh dậy, mình trở thành "con nợ bạc tỷ"!

Nợ thì đã nợ, căng thẳng cũng chẳng thể giải quyết được gì! Mục tiêu trước mắt là gắng chăm sóc tốt "cục nợ Anna" và hoàn thành việc học....

Mình tin, rồi mọi chuyện sẽ qua.

Thay lời kết:

Đời mà, không bao giờ có con đường trải đầy hoa hồng. Cuộc sống là một chuỗi những thách thức. Thế nên, hãy sống như cánh diều, vì càng gặp gió, diều sẽ càng lên cao!


Từ An
Melbourne, 5/01/2018

Thursday, January 4, 2018

Giao thông công cộng Úc và NKT


Giao thông công cộng Úc và NKT
Những năm gần đây, NKT đã được nhà nước và xã hội quan tâm nhiều hơn, cộng đồng cũng cởi mở hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là hiệu quả của các chương trình hoặc các công trình tiếp cận cho NKT chưa cao, điển hình là việc tiếp cận xe buýt.
Tôi là NKT, sử dụng cả nạng và xe lăn, đã sống và học tập tại Úc 4 năm. Tôi không muốn so sánh khập khiễng, chỉ xin kể vài điểm ưu việt của giao thông công cộng Úc.
Tại Úc, các con đường và cả ngõ ngách đều có lối đi riêng cho người đi bộ, NKT, máng trượt cho người đi xe lăn. Việc này không khó nhưng chúng ta chưa làm được. Vỉa hè bị lấn chiếm, lối lên vỉa hè là những bậc tam cấp, không có lối cho xe lăn chạy lên.
Các trạm xe buýt ở Úc đều có hệ thống chữ nổi hoặc hệ thống loa để người khiếm thị có thể biết thông tin lộ trình. Xe buýt thiết kế ghế riêng cho NKT, nếu có xe lăn thì các ghế này được xếp gọn lại và nhường chỗ. Tại trạm chờ, khi xe buýt đến, tài xế hạ gầm xuống thấp và mở lối cho xe lăn chạy lên. Một điều mà chúng ta có lẽ chưa bao giờ thấy ở xứ mình, đó là toàn bộ hành khách đều xếp hàng sau lưng người sử dụng xe lăn, đợi họ vào vị trí rồi mới lần lượt bước lên xe.
Từ những trải nghiệm của mình, tôi thiết nghĩ nếu muốn cải thiện tình hình tiếp cận các phương tiện công cộng cho NKT, cần phải làm kiên quyết và đồng bộ. Trước hết, cải thiện vỉa hè và làm lối đi cho NKT, lưu ý đến người ngồi xe lăn và người khiếm thị. Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa nhận thức cộng đồng về NKT thông qua các mạng xã hội; nêu gương những hình ảnh đẹp, tương thân tương ái. Ngoài ra, cần tập huấn cho các tài xế và nhân viên xe buýt những kiến thức cơ bản về phục vụ NKT. Riêng phần xe buýt, có thể đầu tư ở một vài tuyến hoặc có thể có 1- 2 xe cho vài tuyến lớn.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Từ An (từ Úc)

Nguồn: