Tuesday, February 7, 2017

Những chuyện liên quan đến Anna: 2 - Mẹ đi học và Tìm tình nguyện viên

Tranh thủ Anna vừa ngủ, mình muốn kể 2 câu chuyện cũng là để lưu lại, sau này Anna đọc. Chuyện là thế này...
Chuyện thứ 1: Mình đi học, theo quy định là phải gặp giáo sư để thảo luận. Cứ 2 tuần thì gặp 1 lần. Lần đầu tiên đi gặp bà giáo, cả nhà Anna đùm đùm đề đề kéo nhau lên trường. Bà giáo thấy vậy nên cũng hiểu tình hình của "một bà mẹ có con nhỏ, đi nạng và đi học". Thế là mình cũng có đề nghị giáo sư là cho gặp 4 tuần 1 lần tại trường. Và lần còn lại thì làm việc qua email hoặc Skype. Giáo sư đồng ý cái rụp! Thêm vào đó, giáo sư còn đề nghị rằng "những ngày nào mình không lên trường được thì cứ email cho bà, bà sẽ đến nhà đón 2 mẹ con để đến quán cafe nào đó và làm việc. Bà sẽ chăm sóc Anna giúp vì bà cũng đang chăm 2 đứa cháu ngoại". Bà còn nói vui rằng bà có kỹ năng chăm sóc trẻ rất tốt! Được lời như cởi tấm lòng. Mình nói: nếu bà giáo đã có thể đến tận nhà đón 2 mẹ con thì tại sao không ở tại nhà mình để làm việc luôn, vì nhà có đầy đủ tiện nghi. Thế là bà cười "ờ há!" Vậy đó, bà giáo dễ thương vô cùng. Mẹ Anna đi học, được học được tiền, và còn được bà giáo về tận nhà "phụ đạo". Còn gì tuyệt vời hơn!!!!
Chuyện thứ 2: Mỗi một đứa trẻ sinh ra ở Úc, khi xuất viện về nhà, nữ hộ sinh (midwife) ở bệnh viện sẽ đến tận nhà để kiểm tra. Tuỳ tình hình của bà mẹ và trẻ mà họ tới 1-3 lần. Hai mẹ con Anna được thăm tới 3 lần. Sau đó, hồ sơ của mẹ con Anna sẽ được chuyển về địa phương, gọi là Trung tâm chăm sóc bà mẹ và trẻ em (MCH). Khi Anna 2 tuần tuổi, nữ hộ sinh ở trung tâm này sẽ đến nhà thăm 2 mẹ con 1 lần duy nhất. Sau đó, hai mẹ con sẽ ra trung tâm theo lịch hẹn. Cái hẹn ra trung tâm lần đầu khi Anna 4 tuần tuổi. Ở thời điểm này, Anna được kiểm tra toàn bộ (tai, mắt, vận động, chiều cao, cân nặng, vòng đầu...). Còn mẹ Anna thì cũng được thăm hỏi về sức khoẻ, về vết mổ, về tình hình cho con bú,... đặt biệt là làm 1 bài khảo sát nhỏ về chứng trầm cảm sau sinh [1].
Trung tâm này nắm rất rõ tình hình của mình. Họ cũng đã biết có ông bà ngoại Anna sang phụ chăm sóc, nhưng sẽ về sớm, sau khi Anna được 6 tuần. Sau đó, họ hỏi mình rằng: Sau khi ông bà ngoại về và khi không có ba Anna ở nhà thì hai mẹ con phải làm sao? Mình cười và bảo là phải tự xoay sở thôi, vì không có họ hàng bà con gì bên này cả. Bạn bè thì cũng có bạn học nhưng ai cũng bận học, không giúp được.
Và thế là cô nữ hộ sinh liền đề nghị rằng: Cô ấy sẽ viết thư đề nghị giúp đỡ cho trường hợp của mình "tìm tình nguyện viên đến nhà phụ mình chăm sóc Anna những khi không có ba Anna ở nhà". Mình nghe xong, mắt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên. Mình cứ nghĩ "trời sinh voi sinh cỏ", ông bà ngoại về rồi, đặt mình vào tình cảnh thì tự khắc có cách giải quyết, tuy có chút khó khăn nhưng không có nghĩa là không vượt qua được. Thế nhưng, cái chuyện chăm sóc Anna này, nghĩ là chuyện cá nhân, nhưng không, con mình đẻ ra, nó là con mình nhưng ở cái xứ này, "nó còn là tài sản quốc gia" nên cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng. Mọi tình huống có "nguy cơ nguy hại cho Anna, cho dù là xuất phát từ bà mẹ, ví như nguy cơ té ngã khi ẵm bồng" thì phải được loại trừ triệt để "tuyệt đối không ẵm bồng đi lòng vòng, dủ chỉ là quanh nhà".... Chợt nhận ra, họ nghĩ ra những tình huống "nguy cơ" và chủ động đề nghị/lên kế hoạch giúp đỡ để hai mẹ con được an toàn.
Thế mới thấy, những tình huống tưởng như "phải hết sức cố gắng để thích nghi" thì lại được sự hỗ trợ tuyệt vời!
Thấy đời sao đẹp quá!!!!

Từ An
Melbourne, 8 Feb 2017

No comments:

Post a Comment