Friday, February 10, 2017

Một chuyến xuất ngoại của hai bác nông dân

Nhân dịp sắp chào đón đứa cháu ngoại, hai bác "nông rân" được thằng con rể bảo lãnh sang Úc du lịch vài tháng. Lần đầu tiên xuất ngoại, hai bác vừa háo hứt vừa lo lắng vì có quá nhiều "cái lần đầu tiên":
Lần đầu xuất ngoại
Lần đầu tiên đi du lịch xa nhà
Lần đầu tiên đi du lịch lâu như vậy
Lần đầu tiên đến cái xứ "không nói tiếng mình"
Lần đầu tiên đi máy bay
Và nhiều cái lần đầu tiên khác sẽ được mô tả ở phần dưới.

Xuống máy bay, con gái và con rể ra đón. Hôm đó thời tiết tầm 17 độ C. Má vừa ra khỏi sân bay đã kêu lạnh. Lạnh là phải, vì ở cái xứ nắng gió Lào nóng rát miền Trung thì làm gì có cái nhiệt độ như thế. Ba thì vừa ra khỏi sân bay đã lột cái áo khoác vắt trên xe đẩy hành lý và bảo: "Cũng không lạnh lắm nhỉ?" (Uhm, với mình thì 17 độ C không lạnh)





Trên đường từ sân bay về nhà, ba má cứ tha hồ ngó nghiêng và bình luận:

- Chà, đường xá ngon ghê hén
- Trời, xe hơi quá chừng
- Trời ơi, đất đai rộng dữ thần luôn hén, ở sao cho hết? Sao họ không cho nhập cư nhiều nhiều để mình xin ở lại nhỉ (nói tếu đó)?
- Ồ cây chết khô bên đường nhiều quá hén (P/S: Cây không chết khô, mà vì rụng hết lá sau một mùa đông lạnh teo)
.....

Sau vài tháng ở xứ chuột túi, ba má đã có bao la câu chuyện để kể cho bên Việt Nam nghe. Sau đây là một vài mẩu chuyện mà mình "thu lượm" được:


1. Đi Siêu thị (shopping):

Lần đầu tiên, ba má được đi đến một cái shopping to như vậy, nên nhìn cái gì cũng lạ mắt. Ba má kể cho bên nhà nghe:
- Nhân viên vệ sinh ở đây họ làm "thiệt tình", làm nhanh gọn, chứ không có rề rà như mình nhỉ?
- Còn nhân viên hỏi đường (information desk) vui vẻ, dễ thương. Đi bao nhiêu lần, lần nào cũng cười nói vui vẻ ghê. Không hầm hố như bên mình.
- Cái bãi đậu xe thì trơi ơi, nó quá rộng, có cả hàng ngàn chiếc. Mà nói mới nhớ, cái bãi xe ở sân bay, nó tầng tầng tầng luôn. Nghe con An nói, cái bãi đó tới 6 tầng lận đó. Mà mỗi tầng là nó rộng thênh thang, mình đi chắc lạc luôn đó. Không biết bao nhiêu xe mà nói. Mà đâu phải chỉ có 1 bãi đâu, nhiều bãi lắm.

2. Đi bệnh viện:

Má kể: Trời ơi, đi theo con An khám thai, vào đó nha, mấy bà bầu bước đi thoăn thoắt, nhanh nhẹn lắm. Mà bà bầu nào cũng bụng bự, chứ có nhỏ gì đâu. Không hề thấy một người nào mà đi lạch bạch hết đó nha. Còn bác sỹ y tá thì vui vẻ lắm. Sao mà nó khác với bên mình quá chừng luôn. Còn bệnh viện á nha, nó sạch bong, không hề có mùi thuốc. Sàn thì láng oang, cứ y như khách sạn vậy đó.

3. Đi trên đường:

Mỗi một lần chở ba má đi siêu thị là y như rằng hai bác "nông rân" này tíu tít về đất đai và đường xá. Ngồi trong xe mà cứ chắt lưỡi hít hà: "Đường xá rộng rãi, quá đã!". Còn đất đai thì ôi thôi, nó bao la. Rồi ba chợt "ước": Đất này mà ... phải chi nó cho mình làm, mình sẽ nhổ cỏ, trồng bắp trồng dưa rồi đem đi bán, thu cũng bộn tiền luôn đó" haaaa (nông dân mà)

4. Đi tập thể dục: 

Ba má sang Úc, vì không được phép đi làm, ở nhà không có gì làm, đi ra đi vô hoài cũng chán nên ba má đi tập thể dục và khám phá xung quanh vào mỗi sáng. Mỗi lần đi xong, về nhà là ba má lại mở Skype lên để nói chuyện với bên nhà. Má kể chuyện ở Úc cho bên Việt Nam nghe: 

* ... mình đi, mình lỡ đụng ngừ ta, mình chưa kịp nói gì thì họ đã nói Sô rì (sorry) rầu. Gặp mà bên Việt Nam á nghen, nó sẽ quay sang, nó chửi mình: Bộ đui hả con quỷ!!!!...😳😳😳😳 *  Rồi mình đi là mình lỡ đạp dép nó đó nhen, nó quay sang cũng nói sô rì. Còn như bên mình thì á nha, nó quay sang nói: Coi chừng tao giã chạc trong mặt bi giờ!!! 

*. .... Mình đang đi bên này đường, chuẩn bị băng qua đường bên kia. Thấy cái xe từ xa nên đứng lại chờ, cái tự nhiên thằng tài xế dừng xe lại rồi ra dấu cho mình đi qua. Còn gặp như bên mình á nghen, xe nó hốt xác mình liền.... 😐😐😐😐


5. Khí hậu: Lúc ba má sang, thời tiết là đã đầu mùa Xuân, nhưng năm nay Melbourne trở chứng nên cái lạnh nó cứ dai dẳng. Thành ra, ba má cứ kể cho bên nhà nghe là: Trời ơi, nó lạnh de kêu, lạnh gì mà đến cái bàn cũng lạnh, cái ghế cũng lạnh, ngồi đâu lạnh đó, lạnh tới đau nhứt chân tay... uống nước lạnh không cần bỏ tủ lạnh, cứ mở vòi mà uống, lạnh tê răng, uống bia cũng không cần bỏ tủ lạnh mà vẫn lạnh tê người luôn đó. Lạnh ghê lắm!!!

6. Trồng cỏ quanh nhà
Cái này mới vui nè! Lúc chưa sang, mình có nói ba má là tụi con chừa đám cỏ để ba má qua làm.... giết thời gian, chứ ngồi không riết rồi chán. Rồi khi vừa về tới nhà, ba má bảo: ô, cỏ nhiều quá ha! Vài ngày sau, ba má thấy con rể lôi cái máy ra cắt cỏ. Ba má nói: Ủa chứ không phải nhổ hết hả???? Má còn thêm: Má cứ tưởng phải nhổ hết. Lúc đầu mà còn tính là phải nhổ thiệt kỹ, giẫy hết cả gốc lẫn củ để tránh mọc lại, chứ sao lại để cỏ mọc quá trời dzị???? Má tính, làm hết đám cỏ quanh nhà chắc cũng phải vài ngày.... Phew, may là hai "bác nông rân" chưa đi nhổ cỏ vì còn say máy bay.

7. Làm vườn
Ba má ở nhà, làm luôn tay luôn chân nên quen rồi. Sang Úc, ăn rồi ngủ, rồi đi ra đi vô... nên đâm ra chán sớm và đòi về. Cái mảnh vườn dày cỏ của mình, ba má làm cái èo hết sạch. Rồi trồng thêm rau cho vui. Ngày ngày ba má ra chăm, thăm nom, nhỏ cỏ và tưới nước. Ba má vừa về thì bên này, con gái được hưởng thụ thành quả. Cỏ lại mọc rồi... mà không có thời gian chăm nom.

Đám cỏ trong vườn
8. Đi nhà hàng
Lâu lâu, con gái và con rể dẫn ba má đi ăn nhà hàng. Dĩ nhiên là nhà hàng Việt Nam. Mới đầu vào, kêu tô phở. Họ bưng tô phở ra, ba má nhìn thấy ... hú hồn. Gì mà to như nồi cơm điện! Ăn sao cho hết??? Mà cái giá nó mắc quá chừng. Ăn một tô phở ở đây, chi bằng, số tiền đó, về làng, mua đồ về nấu là đủ ăn cả nha luôn đó. Đó, vậy đó, tự động quy ra tiền Việt Nam rồi la làng "mắc quá con!"

9. Đi hớt tóc
Một bữa nọ, con rể dẫn ba má đi hớt tóc. Hớt xong tóc, ba hỏi: Chỉ hớt thôi hả? Bên mình là có cả cạo râu, mát xa mặt, móc ráy tay, và cả mát xa tay luôn. Má thêm vào: Còn đắp mặt nạ nữa đó. Bên này không có hả? (p/s: ba má chỉ hỏi vậy thôi chứ không có làm mấy món í đâu)

10. Mua xe hơi
Ba má sang, đúng lúc "sắp nhỏ" đổi xe mới. Bán cái xe cũ của con rể và mua cái xe mới, chỉ là xe đã qua sử dụng nhưng vẫn mới. Sau khi nghe giá xe, ba má cứ chặt lưỡi: Quá rẻ, quá rẻ! Chứ bên mình mà sắm con xe là bộn tiền à. Xe nó rẻ cho nên nhà nào cũng có ít nhất 1 xe hơi. Còn bên mình, nhà nào có 1 xe hơi là oai lắm, giàu lắm. Còn xe máy thì tràn khang. Bên này, hiếm thấy xe máy há.

11. Đi xe hơi: Cái vụ seat belt này là nó lạ lẫm với bên mình lắm lắm. Thành ra, khi ba má sang, ngồi vào xe, mình kêu "sít beo", cái ba má nói: Thôi khỏi đi, đi có chút xíu mà sít gì, mất công. Cái mình bảo, nếu không sít beo là sẽ bị phạt $295/người. Ba má há hốc: dzữ dzị hả? Thôi sít dzô đi!

12. Hút thuốc: Ba kể cho bên Việt Nam: Hút thuốc lá bên mình là không có luật lệ gì hết và người hút thuốc cũng không ý thức được tác hại của khói thuốc đối với người xung quanh. Còn bên này, nó khác lắm. Hút là phải có nơi có chốn, cả khu shopping to mà không có 1 ai dám lén hút thuốc bên trong. Họ đi ra ngoài hết. Mà đi ra ngoài rồi cũng phải đứng cách xa cái cửa đi vào là 5 mét. Có quy định rõ ràng. Ghê hông? Có nghe con An nó nói, nó coi trên ti vi, có bà kia, đang chạy xe, có chở con nhỏ phía sau. Bà hút thuốc, bị cảnh sát phạt cho gần $400 lận đó. Phải chi bên mình cũng vậy thì ngon!

13. Bảo vệ:
Các cửa hàng ở đây không có bảo vệ nghen. Người đông lắm mà không hề thấy một thằng bảo vệ nào hết á, gặp như bên mình, nó ăn cắp đã luôn á (haaaa)

14. Đổ xăng
Cả cây xăng to đùng mà chỉ có mỗi 1 thằng tính tiền bên trong. Ai muốn đổ xăng thì ghé dzô, đổ xong thì dzô trả tiền. Gặp bên mình, nó chạy có ngù luôn chớ ở đó mà đi dzô trả tiền. Đứng đổ mà còn đổ gian cho mình nữa chớ

Đó là vài mẫu chuyện mình thu lượm được... giờ hai bác nông rân đã dzìa rầu...

Từ An
Melbourne 11 Feb 2017

Tuesday, February 7, 2017

Những chuyện liên quan đến Anna: 1 - Con chào đời

Gửi Anna của ba mẹ!

Mẹ muốn viết một cái gì đó để lưu lại cái cảm xúc của ba mẹ khi có con trong cuộc đời. Mẹ viết tiếng Việt vì đó cũng là động lực để mẹ kiên trì dạy con đọc viết Tiếng Việt.

Con biết không, ngày 21/11/2016 là một ngày vô cùng đặt biệt đối với ba mẹ. Đó là ngày ba mẹ háo hứng chào đón con trong niềm hạnh phúc vô bờ. Mẹ sẽ kể con nghe....

Sáng đó, ba mẹ dậy thiệt sớm để khăn gói vào bệnh viện. Bệnh viện Mercy là nơi con chào đời. Mẹ có hẹn phải có mặt tại bệnh viện lúc 7:30 sáng. Thế nên, khoảng 6:30 sáng là ba mẹ phải ra khỏi nhà. Mẹ khệ nệ với cái bụng bầu, còn bà thì phụ trách cái vali nhỏ, bên trong chứa đựng phần lớn là quần áo của con.

Khoảng 7:15am, ba mẹ đã có mặt tại khu Surgery Unit. Ba mẹ làm thủ tục nhập viện. Cô y tá Carla phụ trách hồ sơ của mẹ con mình. Sau khi xong thủ tục, ba mẹ ngồi chờ để được vào trong. Khoảng 8am, cô y tá dẫn mẹ đi thay đồ (đồ chuyên cho phòng sanh). Sau đó, mẹ sẽ được tư vấn về quá trình gây tê và mổ cũng như báo trước những tác dụng phụ của thuốc tê và sau mổ. Lúc này, ba luôn có mặt cùng mẹ.

Khoảng 9:30am, mẹ được đưa riêng vào phòng gây tê. Còn ba thì đưa vào phòng thay quần áo. Mẹ phải gây tê ở tuỷ sống. Suốt quá trình ấy, mẹ không nói nhiều, chẳng phải vì mẹ lo lắng về vấn đề mổ, mà mẹ mong ngóng hình hài của con lắm lắm.

Khoảng hơn 10am, mẹ được đưa vào phòng mổ. Lúc này, ba con cũng vào. Cả ba và mẹ đều hết sức hồi hộp....

10:47am, con oe oe cất tiếng khóc chào đời....
   Con vừa chào đời
Thật thiêng liêng! Thật diệu kỳ! Cái giây phút được nhìn thấy con từ tay bác sỹ, được nghe con khóc, cả ba và mẹ đều vui mừng đến rớt nước mắt, nước mắt của niềm hạnh phúc. Thời điểm mẹ ngồi viết những dòng này, con đã 2.5 tháng tuổi, nhưng cảm xúc như chỉ mới hôm qua.

Con trong vòng tay mẹ và nụ cười hạnh phúc của ba 
Sau khi con được y tá tắm sạch sẽ, y tá quấn con trong 1 cái khăn ấm và giao con cho mẹ. Nhìn con nhắm mắt, nằm ngoan trong tay mẹ, ba mẹ vui, ba mẹ tự hào có một thiên thần trong cuộc đời ba mẹ. Ba mẹ mong con hay ăn, chóng lớn, xinh đẹp, ngoan và giỏi như mẹ nhé :)

Từ An
Melbourne, 8 Feb 2017


Những chuyện liên quan đến Anna: 2 - Mẹ đi học và Tìm tình nguyện viên

Tranh thủ Anna vừa ngủ, mình muốn kể 2 câu chuyện cũng là để lưu lại, sau này Anna đọc. Chuyện là thế này...
Chuyện thứ 1: Mình đi học, theo quy định là phải gặp giáo sư để thảo luận. Cứ 2 tuần thì gặp 1 lần. Lần đầu tiên đi gặp bà giáo, cả nhà Anna đùm đùm đề đề kéo nhau lên trường. Bà giáo thấy vậy nên cũng hiểu tình hình của "một bà mẹ có con nhỏ, đi nạng và đi học". Thế là mình cũng có đề nghị giáo sư là cho gặp 4 tuần 1 lần tại trường. Và lần còn lại thì làm việc qua email hoặc Skype. Giáo sư đồng ý cái rụp! Thêm vào đó, giáo sư còn đề nghị rằng "những ngày nào mình không lên trường được thì cứ email cho bà, bà sẽ đến nhà đón 2 mẹ con để đến quán cafe nào đó và làm việc. Bà sẽ chăm sóc Anna giúp vì bà cũng đang chăm 2 đứa cháu ngoại". Bà còn nói vui rằng bà có kỹ năng chăm sóc trẻ rất tốt! Được lời như cởi tấm lòng. Mình nói: nếu bà giáo đã có thể đến tận nhà đón 2 mẹ con thì tại sao không ở tại nhà mình để làm việc luôn, vì nhà có đầy đủ tiện nghi. Thế là bà cười "ờ há!" Vậy đó, bà giáo dễ thương vô cùng. Mẹ Anna đi học, được học được tiền, và còn được bà giáo về tận nhà "phụ đạo". Còn gì tuyệt vời hơn!!!!
Chuyện thứ 2: Mỗi một đứa trẻ sinh ra ở Úc, khi xuất viện về nhà, nữ hộ sinh (midwife) ở bệnh viện sẽ đến tận nhà để kiểm tra. Tuỳ tình hình của bà mẹ và trẻ mà họ tới 1-3 lần. Hai mẹ con Anna được thăm tới 3 lần. Sau đó, hồ sơ của mẹ con Anna sẽ được chuyển về địa phương, gọi là Trung tâm chăm sóc bà mẹ và trẻ em (MCH). Khi Anna 2 tuần tuổi, nữ hộ sinh ở trung tâm này sẽ đến nhà thăm 2 mẹ con 1 lần duy nhất. Sau đó, hai mẹ con sẽ ra trung tâm theo lịch hẹn. Cái hẹn ra trung tâm lần đầu khi Anna 4 tuần tuổi. Ở thời điểm này, Anna được kiểm tra toàn bộ (tai, mắt, vận động, chiều cao, cân nặng, vòng đầu...). Còn mẹ Anna thì cũng được thăm hỏi về sức khoẻ, về vết mổ, về tình hình cho con bú,... đặt biệt là làm 1 bài khảo sát nhỏ về chứng trầm cảm sau sinh [1].
Trung tâm này nắm rất rõ tình hình của mình. Họ cũng đã biết có ông bà ngoại Anna sang phụ chăm sóc, nhưng sẽ về sớm, sau khi Anna được 6 tuần. Sau đó, họ hỏi mình rằng: Sau khi ông bà ngoại về và khi không có ba Anna ở nhà thì hai mẹ con phải làm sao? Mình cười và bảo là phải tự xoay sở thôi, vì không có họ hàng bà con gì bên này cả. Bạn bè thì cũng có bạn học nhưng ai cũng bận học, không giúp được.
Và thế là cô nữ hộ sinh liền đề nghị rằng: Cô ấy sẽ viết thư đề nghị giúp đỡ cho trường hợp của mình "tìm tình nguyện viên đến nhà phụ mình chăm sóc Anna những khi không có ba Anna ở nhà". Mình nghe xong, mắt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên. Mình cứ nghĩ "trời sinh voi sinh cỏ", ông bà ngoại về rồi, đặt mình vào tình cảnh thì tự khắc có cách giải quyết, tuy có chút khó khăn nhưng không có nghĩa là không vượt qua được. Thế nhưng, cái chuyện chăm sóc Anna này, nghĩ là chuyện cá nhân, nhưng không, con mình đẻ ra, nó là con mình nhưng ở cái xứ này, "nó còn là tài sản quốc gia" nên cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng. Mọi tình huống có "nguy cơ nguy hại cho Anna, cho dù là xuất phát từ bà mẹ, ví như nguy cơ té ngã khi ẵm bồng" thì phải được loại trừ triệt để "tuyệt đối không ẵm bồng đi lòng vòng, dủ chỉ là quanh nhà".... Chợt nhận ra, họ nghĩ ra những tình huống "nguy cơ" và chủ động đề nghị/lên kế hoạch giúp đỡ để hai mẹ con được an toàn.
Thế mới thấy, những tình huống tưởng như "phải hết sức cố gắng để thích nghi" thì lại được sự hỗ trợ tuyệt vời!
Thấy đời sao đẹp quá!!!!

Từ An
Melbourne, 8 Feb 2017