Tuesday, November 1, 2016

Mang thai và sinh con

Mình đã từng phỏng vấn nhiều phụ nữ khuyết tật ở Thành phố Hồ Chí Minh về chủ đề sức khoẻ sinh sản, vì đó là một phần chủ đề trong đề tài mình nghiên cứu. Dĩ nhiên, trong đó có cả việc mang thai, khám thai và sinh con ở bệnh viện.

Lặng nghe những câu chuyện của họ, mình chẳng thấy có cái tia sáng nào loé lên trong việc khám thai và sinh con của họ. Ý mình muốn nói đến cách phục vụ ở bệnh viện cũng như các tiếp cận cho người khuyết tật ở bệnh viện.

Nói đến bệnh viện, ai ai cũng biết hiện trạng bệnh viện ở Việt Nam mình. Chẳng lấy gì làm tự hào, toàn kể ra bao điều tiêu cực, hạn chế. Nói mãi mà vẫn không khắc phục được. Tệ hại hơn nữa là thái độ của những người trong ngành y tế như y tá, bác sỹ ... thì "hóng hách", "quát nạt bệnh nhân"...  vẫn là thuật ngữ luôn được dùng để chỉ nhóm người này.

Đối với người không khuyết tật đã nhiều khó khăn, thì với người khuyết tật sao có thể dễ dàng được. Những câu chuyện đại loại như sau đã được người khuyết tật chia sẻ:

1. Ôi em ơi, họ không có tiếp cận gì cho mình đâu. Hồi đó nha, chị đã bầu 6 tháng rồi, bụng to rồi. Vậy mà, chồng chị vẫn phải cõng chị lên lầu khám thai. Rồi khi bụng to hơn, chồng phải bế ngửa. Khổ thân chồng chị! Bế chị với cái bầu to tướng đi lên lầu, đâu có nhẹ đâu em!

2. Hồi chị đi sinh bé thứ 3, lúc vào phòng sinh, mình đang đau đẻ, cái ông bác sỹ hỏi mình là "sinh lần đầu hả?". Mình bảo là: "dạ không, đứa thứ 3 đó bác sỹ ơi". Rồi cái ổng hỏi: "Thế có mấy cha?". Mình bảo là:" Dạ một cha thôi bác sỹ!". Lúc đó đau, mà nghe ổng hỏi vậy cũng tức lắm. Ổng làm như là mình "làm gái" vậy. Ý ổng muốn nói là 3 đứa con của mình là 3 cha khác nhau. Lúc đó giận, nhưng đau quá nên không nói gì ổng. Mà thấy bị xúc phạm lắm em!

3. Cái hồi chị đi sinh con gái ở bệnh viện Từ Dũ. Cái bà y tá trưởng ở đó nói với chị là "cái thân vậy mà con mang bầu!" Chị mới nghĩ trong bụng: "Ủa, bộ khuyết tật bị cấm làm mẹ hay sao?" Hồi đó, mình nhát, không dám nói gì, chứ bây giờ là cãi lại à. Rồi lúc sinh xong, chị chuyển phòng khác nằm. Cái rồi chồng chị vào thăm nuôi, bao nhiêu người dòm ngó, coi chồng chị có bị làm sao không? Vì họ nghĩ, chị vậy (ý nói bị khuyết tật) sao có chồng không khuyết tật được. Thấy mắc cười!....

Những câu chuyện như vậy, mình nghe rồi ám ảnh. Thầm nghĩ rằng "sau này, mình khỏi chồng con gì luôn, cho khoẻ tấm thân".

Nhưng rồi, may mắn đến, duyên số đến. Đùng cái, mình lấy chồng và có bầu ngay sau đó không lâu. Chính vì vậy mà mình có dịp trải nghiệm dịch vụ y tế tại Úc.

Lúc phát hiện có thai, việc đầu tiên là đi bác sỹ (GP: General Practitioner). Sau đó, bác sỹ chỉ định cho đi thử máu, nước tiểu để làm hàng loạt các xét nghiệm. Tính từ lúc mang thai tới nay, mình đã bị rút cũng cỡ vài chục lọ máu cho cả chục lần làm xét nghiệm. Nhiều quá nên mình không nhớ đó là những loại xét nghiệm nào. Nhưng tất cả các xét nghiệm đều rất kỹ lưỡng. Họ thậm chí còn xét nghiệm gene để kiểm tra độ tương thích dòng máu. Vì mình người châu Á, chồng người Úc lai Ý, nên họ xem giữa 3 dòng dòng máu này có tương thích không, có gây ra điều gì xấu cho thai nhi không.

Rồi cho đi siêu âm. Siêu âm chỉ được phép làm theo chỉ định của bác sỹ, chứ không được siêu âm tuỳ tiện như ở Việt Nam mình. Có 4 lần siêu âm chính. Lần 1 là ở tuần thứ 8, để xem tình hình thai nhi có ổn định không, có nằm trong tử cung không. Lần 2 là ở tuần thứ 12 để kiểm tra khả năng bị down ở thai nhi. Lần thứ ba là ở tuần thứ 20 để xem giới tính thai nhi và các yếu tố khác như chân tay, ngón chân ngón tay, đầu, mắt, môi....  Và lần cuối cùng là ở tuần thứ 32 để xem sự phát triển của thai nhi. Nói chung là xem gần như tổng quát. Sau 4 lần chính đó, nếu mẹ bầu và thai nhi có những dấu hiệu khác thường thì sẽ được chỉ định tiếp tục siêu âm ở những tuần kế tiếp để theo dõi.

Rồi khoảng tuần thứ 12, bác sỹ (GP) này sẽ liên hệ với bệnh viện phụ sản - nơi mình muốn em bé chào đời và họ bàn giao hồ sơ của mình cho bệnh viện theo dõi. Cũng từ thời gian này, mình lại làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem mình cần chính ngừa loại nào.

Kể từ khi bệnh viện tiếp nhận hồ sơ của mình là mình bắt đầu khám thai tại bệnh viện chứ không cần đến GP nữa.

Khi khám ở bệnh viện, bác sỹ tư vấn hết sức nhiệt tình và vui vẻ. Tại bệnh viện, có dịch vụ thông dịch viên miễn phí, nên mình cũng dùng dịch vụ này cho mỗi lần khám.

Vì mình bị khuyết tật, chân rất yếu, và phải đi lại bằng nạng, nên trường hợp của mình được bác sỹ đặc biệt lưu tâm. Họ hỏi han đủ thử nhằm kiểm tra xem thai nhi có làm cho mình yếu đi không hoặc lưng hoặc hông bị đau không. Và thật sự là mình bị đau thật. Thế là bác sỹ giới thiệu ngay qua khu Physio Therapy (Vật lý trị liệu). Tại đây, mình được giám định khả năng vận động, ước lượng cân nặng của thai nhi và sau đó, mình được cung cấp những dụng cụ cũng như bài tập vật lý nhằm giảm bớt cơn đau. Mình làm theo và nó thật sự hiệu quả!

Rồi thì bác sỹ cũng giới thiệu mình với bác sỹ sản khoa để giám định và tiên liệu xem mình sinh thường hay sinh mổ. Nếu có khả năng sinh thường, họ sẽ để mình thử sinh thường. Tuy nhiên, họ cũng chuẩn bị cả phương án sinh mổ. Họ cho mình đi gặp những người chuyên khoa, chẳng hạn như người gây tê, gây mê trước khi mổ. Mình sẽ có cuộc hẹn để nói chuyện riêng với người gây tê/gây mê này. Họ sẽ kiểm tra khả năng gây tê, nếu không, họ chuẩn bị tiếp phương án gây mê. Họ nói chuyện hết sức rõ ràng, kiểu như cung cấp kiến thức liên quan đến chuyên môn. Họ trấn an mình để đảm bảo rằng mình không có bất cứ lo lắng gì trước khi vào phòng mổ.

Rồi thì nữ hộ sinh (Midwife) phải tới tận nhà để kiểm tra xem nhà mình ở có được tiếp cận không. Rồi họ tư vấn các kiểu để mình và em bé được an toàn nhất. Họ có chương trình gọi là Healthy Mother Healthy Baby (mẹ khoẻ con khoẻ). Nhân viên chương trình này sẽ theo dõi trường hợp của mình trước và sau khi sinh nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Họ cung cấp rất nhiều tài liệu liên quan và cả những buổi tập huấn nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ sơ sinh như cách ẵm bé, tắm cho bé, tập cho bé vận động..... Nói chung là hết sức kỹ lưỡng.

Thấy hệ thống y tế người ta như vậy, mình lại thầm "ghen ăn tức ở" và tự hỏi: "Việt Nam mình, bao giờ được vây???" Trẻ em bên mình, sinh ra trong gia đình khá giả thì còn được chăm chút, chứ ở làng quê, nhà nghèo thì đến cái quần còn không có để măc, nói gì đến các thứ khác. Rồi khi con trẻ biết đi, thì cha mẹ để ở nhà, đứa lớn chăm đứa bé. Đứa thì mũi dãi lòng thòng, lượm (nhặt) gì ăn được là ăn, có khi không ăn được cũng cho vào miệng.... Nghĩ mà thương.... mà cũng "bất lực"!!!!


Melbourne, 2/11/2016

Từ An

No comments:

Post a Comment