Monday, October 14, 2019

MÌNH NHƯ CON CHUỘT SA VÀO CHĨNH GẠO!


Lâu lâu muốn viết 1 cái post hơi dài.... để trả lời cho câu hỏi: "Cuộc sống bên đó thế nào?".


Đây là câu hỏi mà ai cũng hỏi mình khi mình về VN sau 4 năm liên tục không về.


Đợt rồi, mình về VN 2 chuyến liên tục, chủ yếu là để lấy số liệu cho đề tài. Mỗi chuyến đi 6 tuần. Chuyến thứ 1 cách chuyến thứ 2 cũng 6 tuần. Đi về như TÊN BẮN. Do số lượng công việc nhiều, rồi thêm con bé không chịu ăn đồ VN, rồi sốt, rồi bầu bì, nên mình rất mệt và không có nhiều thời gian cho người thân, bạn bè. Những lời hứa hẹn "khi nào về VN sẽ alo" đều bị "giả lơ" gần hết :D. Nếu có hẹn hò được ai thì cũng không ngồi lâu được.


Và khi bị hỏi: "Cuộc sống bên đó thế nào?" Mình đều trả lời: MÌNH NHƯ CON CHUỘT SA VÀO CHĨNH GẠO!


Vì sao?

Ai cũng biết mình đang mắc cục nợ rất bự, NHƯNG nợ bên này KHÔNG CÓ CHẾT (haaaaaa). Vì mình không bị đòi ráo riết, không căng thẳng. Tuỳ tình hình tài chính mà trả nợ. Chả ai đe doạ hay ráo riết “săn lùng” như ở đâu đó.

Cuộc sống của mình chưa có dư giả gì nhưng không đến mức phải QUÁ LO cho bữa ăn ngày hôm sau. Hộ nhà mình chỉ có 1 nguồn thu nhập (lâu lâu còn bị thất thu do thất nghiệp), nhưng mức trợ cấp chính phủ dành cho các hộ nghèo, thất nghiệp cũng không đến mức phải bị ĐÓI.

Y tế thì đi khám bác sĩ hoàn toàn miễn phí. Trẻ em thì được chính phủ cho $1000 để đi khám răng. Khi trẻ đi nhà trẻ, hoặc mẫu giáo, tuỳ tình hình tài chính của gia đình mà được chính phủ hỗ trợ. Như hộ nhà mình thì là thuộc diện “hộ nghèo”, nên Anna đi học được giảm tới 85% học phí nhà trẻ. Anna đi học 4 ngày/ tuần nhưng chỉ đóng phí có khoảng $75/tuần thôi. Nếu mà gia đình có thu nhập cao thì phải trả toàn bộ phí, 1 ngày chắc cũng cỡ $120 (tuỳ vào loại hình nhà trẻ).

Thêm nữa, do nhà mình là hộ nghèo, nên được chính phủ cấp thêm 1 cái thẻ Health Care (tạm gọi là thẻ chăm sóc y tế). Trên thẻ, có tên toàn bộ các thành viên trong gia đình mình. Có thẻ này, khi đi mua thuốc, cả hộ nhà mình sẽ được giảm giá tới mức thấp nhất. Ví dụ như mình mua thuốc gần đây nhất là giảm tới 98%. Chỉ trả có 2% thôi. Cho nên, vụ ốm đau thì không phải quá lo lắng chuyện “không có tiền đi bác sĩ hoặc mua thuốc”.

Rồi khi có thẻ Health Care, nhà mình còn được giảm giá khi: trả tiền thuế đường (cho xe), trả tiền ga, điện, nước.

Hộ nghèo mà ở nhà thuê thì còn được chính phủ hỗ trợ thêm tiền thuê nhà. Tuy không nhiều nhưng đó cũng là 1 mức hỗ trợ đáng quý.

Úc có những chương trình quốc gia riêng dành cho từng loại đối tượng. Cái này mình không tìm hiểu kỹ nhưng mình tin chắc là sẽ có rất nhiều chương trình. Ví dụ:

Chương trình dịch vụ quốc gia về bệnh tiểu đường, gọi tắt là NDSS (https://www.ndss.com.au/). Những bệnh nhân bị tiểu đường ở Úc sẽ được tư vấn, cung cấp các dụng cụ y tế cần thiết miễn phí, và mua 1 vài loại dụng cụ y tế ở mức giá ưu đãi.

Chương trình bảo hiểm quốc gia về người khuyết tật, gọi tắt là NDIS (https://www.ndis.gov.au/). Cái này mình đang được hưởng lợi. Thực sự mà nói, mình chưa bao giờ nghĩ là mình ĐƯỢC QUAN TÂM QUÁ MỨC như vậy. Khi mình chưa là thường trú nhân, mình đi bác sĩ gia đình thì bác sĩ cứ kêu mình nộp đơn vào NDIS. Nhưng mình không làm và cũng không tìm hiểu, vì mình nghĩ đơn giản là “chưa có đóng góp thì chưa hưởng lợi”. Nhưng thư từ NDIS cứ gửi về nhà mình và kêu mình điền hồ sơ rồi gửi trả lại. Nhiều lần quá, nên mình làm. Lần đó mình bị từ chối vì không đủ tiêu chuẩn. Rồi khi mình có thường trú nhân thì tự động đi làm theo lời khuyên của bác sĩ. Vào chương trình NDIS, mới thấy hết được sự quan tâm KINH KHỦNG của chính phủ dành cho công dân của họ. Trong chương trình này, mỗi 1 người khuyết tật sẽ được 1 người lên kế hoạch (planner). Planner này sẽ tìm hiểu ngọn ngành về tình hình khuyết tật và khả năng của người khuyết tật. Thật sự là RẤT CHI TIẾT. Sau đó, planner sẽ lập kế hoạch tài chính và chi tiết cần hỗ trợ sao cho phù hợp với từng loại dạng tật. Sau khi kế hoạch được duyệt và số tiền đã được cung cấp, kế hoạch đi vào giai đoạn thực thi. Tuỳ mỗi người mà họ chọn cách quản lí tài chính và kế hoạch. Kế hoạch này sẽ được đánh giá lại theo từng năm.

Riêng mình, sau khi plan được duyệt thì plan của mình được chuyển qua cho 1 người khác để đánh giá cụ thể hơn khả năng tiếp cận của mình. Người này được gọi là occupational therapist (OT). OT của mình đến tận nhà mình để xem xét cách mình sinh hoạt. Ví dụ như:

Xem nhà tắm: có thuận tiện cho mình không? Có cần dụng cụ hỗ trợ khi tắm không? Phòng tắm có cần thảm chống trơn không? Mình có cần ghế khi tắm không?
Xem phòng ngủ: giường có cao không? Có thuận tiện không? Khi đi ngủ hoặc đứng dậy thì có cần hỗ trợ gì không?
Xem cái phòng mình học: có được bố trí thuận lợi không? Có trở ngại gì không?
Xem WC: có thuận lợi cho mình khi đứng lên ngồi xuống không? OT còn yêu cầu mình làm cái tư thế đứng lên và ngồi xuống để OT xem là mình có thực sự dễ dàng khi dùng WC không? Cá nhân mình thì thấy “à, có khó gì đâu, chỉ là hơi khó chút xíu xiu, vẫn chấp nhận được”, NHƯNG OT thì không chịu. OT bảo là có nguy cơ bị té khi đứng lên ngồi xuống. Vì WC nhà mình không có tay vịn. Và OT đề nghị lắp cái tay vịn vào đó. Mình bảo cái này nhà thuê nên ngại việc làm hỏng nhà người ta. Thế là OT đề nghị cái khung hỗ trợ, bao xung quanh cái bồn cầu, giúp mình vịn vào đó để đứng lên ngồi xuống được dễ dàng. Và thực, thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là cái mà mình chả bao giờ nghĩ tới!
Xem trước nhà mình: có mấy bậc tam cấp, và có cần gì hỗ trợ không? OT đã nghĩ đến phương án lắp cái máng trượt để mình dung xe lăn nhưng do sân trước không có nhiều không gian nên không gắn.
Xem sau hè nhà mình: có cần gắn gì không để hỗ trợ mình đi ra đi vào? OT muốn gắn cái máng trượt ở sân sau cho mình dùng xe lăn đi ra đi vào, nhưng do đây là nhà thuê nên OT bảo là sẽ gắn cái máng di động, khi cần thì bê vào, khi không dùng thì để sang 1 bên. Nhưng cái ý tưởng này toàn là do OT nghĩ ra, chứ thực sự thì mình cũng không nghĩ tới nó. Mình chỉ nghĩ đơn giản là: nếu cấn dùng xe lăn thì nhờ ba Anna hỗ trợ thôi. Nhưng OT bảo là mình cần phải độc lập trong cuộc sống, cho nên, phải gắn cái máng trượt, vì ba Anna không phải lúc nào cũng có ở nhà.
Xem việc mình đi siêu thị như thế nào?
Xem xét cái xe của mình như thế nào? Rồi đo đạc các thứ để chuẩn bị cho 1 kế hoạch hỗ trợ cho việc đi ra ngoài xã hội của mình 1 cách độc lập…. (Cái này mình sẽ kể thêm sau khi kế hoạch hoàn thành)
Chi phí cho OT làm những việc này không hề rẻ, gần $200/giờ. Mà để đánh giá toàn bộ những việc đó, rồi thêm làm báo cáo cho NDIS nữa nên không thể ngày 1 ngày 2 là xong. Cho nên, phần OT sẽ tiêu tốn 1 mớ tiền của chính phủ. Thế mới thấy, mỗi 1 cá nhân mình thôi mà đã  tiêu tốn 1 khoảng kha khá rồi, trong khi đó, người khuyết tật ở Úc cũng nhiều (3,96 triệu người) và đa dạng.
Nói ra chỉ để thấy rằng chính phủ Úc quá quan tâm đến công dân của mình. Thành ra, nhiều khi, mình thấy nhiều người có tính ỉ lại. Như mình thì sinh ra và lớn lên ở cái vùng gian khó, quen với việc phải TỰ VƯƠN LÊN, nên khi có những khó khăn, việc đầu tiên là nghĩ cách tự giải quyết. Còn 1 số công dân ở đây thì “có vẻ đã quen sự bảo bọc”, nên đôi khi lười và chực chờ vào sự hỗ trợ.  

 Từ An
Melbourne
15 Oct 2019